Thắng cảnh bậc nhất cố đô thành ao rau muống!

09/01/2009 13:50 GMT+7 | Ý kiến bạn đọc

(TT&VH) - Hồ Tịnh Tâm được vua Thiệu Trị xem là một trong 20 thắng cảnh nổi tiếng của Kinh thành Huế. Hồ nằm ở phía Đông Bắc của Hoàng Thành, tiếp giáp với con đường Đinh Tiên Hoàng, dẫn từ cửa Thượng Tứ vào Mang Cá. Trải qua bao thăng trầm của lịch sử, hiện nay Tịnh Tâm chỉ còn là bãi đất hoang sơ, với ao rau muống, bèo mọc chi chít. Cái tên Tịnh Tâm cùng với hương sen Hồ Tịnh chỉ còn lại trong tâm thức người dân xứ Huế!
 
Vang bóng một thời!
 
Khởi thủy Tịnh Tâm là một nhánh của sông Hương phát xuất từ chợ Kim Long chảy xuyên qua kinh thành Huế. Dấu tích lòng hồ cho thấy khúc sông này bị chặn lại, đào rộng ra thành hình chữ nhật, được vua Gia Long đặt tên là Ký Tế. Giữa hồ, có hai hòn đảo nhỏ trên đặt thuốc súng và diêm tiêu. Vùng hồ điện đài nguy nga phân bố dọc ngang tạo thành mái nhà 100 gian nối tiếp nhau, một thắng cảnh bậc nhất của kinh thành Huế. Năm Minh Mạng thứ 3 (1822) nhà vua đổi tên hồ Ký Tế thành hồ Tịnh Tâm và nó mang tên đó cho đến ngày nay.
Hồ sen thơm nay trở thành ao rau muống

Tịnh tâm xưa vốn là nơi nghĩ dưỡng cho các đời vua triều Nguyễn. Không chỉ là phong cảnh hữu tình, nên thơ mà nơi đây còn có nỗi tiếng với hương sen hồ Tịnh.

Lần theo sử cũ mới thấy sự nghiệt ngã ghê gớm của thời gian. Hàng chục công trình trong khuôn viên hồ Tịnh Tâm như: đình Tứ Đạt, đảo Bồng Lai, gác Nam Huân, lầu Bát Giác… nay chỉ còn là đống gạch vụn. Đảo Phương Trượng chỉ còn là một đảo hoang với cỏ dại, đất đá ngổn ngang. Chính giữa đảo Bồng Lai là điện Bồng Doanh 3 gian hai chái, mái chồng, lợp bằng ngói lưu li vàng, chung quanh tường bao bọc bằng lan can gạch, nay điện này cũng không còn.

Hồ Tịnh Tâm có tường bao bọc xung quanh, chu vi 1.420m, trổ 4 cửa ra vào cho 4 hướng: Hạ Xuân, Xuân Quang, Thu Nguyệt, Đông Hy. Đi từ cầu Bích Tảo (cầu tre) đến đảo Phương Trượng du khách ngỡ ngàng khi cỏ dại mọc đầy lối, cây cối xá xơ tiêu điều. Các đảo Bồng Lai, Doanh Châu đều nằm trong tình trạng xuống cấp tương tự. Hiện nay, Tịnh Tâm không còn là địa chỉ thu hút khách du lịch nữa mà thay vào đó là điểm “hẹn” của dân… câu cá. Bởi hầu hết diện tích hồ đều được cho đấu thầu trồng rau muống và thả cá. Bên cạnh đó, Tịnh Tâm đã thành “hố” chứa nước thải chung cho người dân sống gần khu vực phường Thuận Lộc và Thuận Thành.

Khắc khoải hương sen hồ Tịnh!

Hồ Tịnh với nổi tiếng với giống sen bách diệp. Ca dao miền Hương Ngự có câu:

Hồ Tịnh Tâm nhiều sen bách diệp

Đất Hương Cần ngọt quýt, thơm cam

Sen bách diệp là giống sen nhiều cánh nhỏ, màu hồng. Hạt sen thơm bùi được những người phụ nữ Huế chế biến thành những món đặc sản của địa phương mình. Nhắc hương sen Hồ Tịnh không ai không nhớ đến cụ Ba Cu (tức Nguyễn Văn Vỹ) - một quan lại trong đám cựu trào hoàng thân ở Huế. Ông là người khai thác sen lâu nhất ở hồ Tịnh Tâm trong khoảng thời gian 40 năm, cho đến năm 1965. Những năm đầu thế kỷ 20, dưới thời cụ Ba Cu là một trong những thời kỳ hồ Tịnh Tâm cực thịnh về sen. Vào thời gian này, du khách phương xã đến xứ Huế vẫn thấy nao lòng bởi chén chè sen hồ Tịnh. Chị Hoàng Thị Tâm, hậu duệ một vị quan ở triều Nguyễn, sống gần hồ Tịnh Tâm cho biết: Đến Huế du khách không chỉ được thưởng thức mùi vị da diết, nượm đồng của những chén chè sen hạt trắng mịn mà còn thấy nao lòng bởi mùi khói, mùi thơm ngây ngây, phong nhị của gương sen phơi khô được đem đun thay củi mỗi khi chiều về.

Hương sen Hồ Tịnh còn giúp thư giãn tinh thần, là đề tài muôn thuở của các bậc thi nhân đất Thần Kinh. Xưa kia vua Minh Mạng, Thành Thái “tinh thần bất an” đã ra đây nghỉ dưỡng. Không ai xa lạ, chính tay vua Minh Mạng - vị vua tài ba nhất triều Nguyễn, đã làm 10 bài thơ vịnh cảnh, hương sen hồ Tịnh. Vào mùa hè sen nở “hương thơm bay xa đến mười dặm”. Hồ Tịnh còn là nơi tổ chức các buổi yến tiệc, vịnh thơ, thưởng hoa của các tân tiến sỹ sau khi lễ “truyền lô” được xướng lên. Ngoảnh về quá khứ, hương sen hồ Tịnh vang bóng một thời, mà nay thấy chạnh lòng. Lòng hồ Tịnh Tâm - nơi được xem là “thánh địa” của những loài sen quý nay chỉ còn cái ao tù bạt ngàn rau muống!

Tương lai nào cho Tịnh Tâm?

Theo anh Trần Xuân Lý, Trưởng Ban Quản lí khu di tích hồ Tịnh thì năm 2004, để tạo thêm một “sân chơi” nữa cho khách du lịch, phục vụ festival Huế, hồ Tịnh Tâm đã được trùng tu tôn tạo do Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế làm chủ đầu tư. Bao gồm các hạng mục chính: quy hoạch chống lấn chiếm, giải tỏa để tạo cảnh quan chung.

Song, kể từ đó đến nay, di tích này lại gần như rơi vào quên lãng mặc dù nó nằm không xa Đại Nội Huế bao nhiêu! Hầu hết các hạng mục chính đã mất dấu. Việc những hộ dân sống hai bên khu vực hồ Tịnh Tâm hiện nay, hàng ngày đang “giết” chết lòng hồ bởi những cống thoát nước và rác thải.

Để kết thúc bài viết này, xin nhắc lại lời thổn thức của cụ Bửu Ý, một học giả đã có nhiều công trình nghiên cứu về triều Nguyễn: “Ngày nay, tuy hồ Tịnh Tâm đã được tu bổ lại, du khách thường lui tới vãn cảnh, nhưng nếu so sánh với hồi xưa thì mười phần chưa bằng một!”

Nguyễn Khánh (Huế)

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm