Tiếng nói CĐV: Vì sao, Barca? (kỳ 2)

11/11/2011 09:08 GMT+7 | Bóng đá Tây Ban Nha

(TT&VH Online) - Trong kỳ 1, độc giả Phạm Hoàng đã gửi tới chúng ta một bài viết khá thú vị so sánh những điểm tương đồng giữa tiqui-taca với tiệt quyền đạo. Ở kỳ 2 và cũng là kỳ cuối, chúng ta sẽ bàn về Catenaccio, lối chơi được coi như đặc sản của người Italia, từng giúp Inter đánh bại Barca và tới giờ vẫn được cho là cách duy nhất để khắc chế tiqui-taca của người Catalunya.

Kỳ 2: Sự trở lại ngoạn mục của Catenaccio

Bước vào thế kỷ 21, khi trào lưu bóng đá tấn công lên, đặc biệt ở cấp CLB, Catenaccio tưởng chừng như đã bị tiệt diệt. Thế nhưng, lối đá này lại bất ngờ có sự trở lại đầy ngoạn mục ở mùa giải 2009-2010 khi cùng Inter Milan bước lên đỉnh cao Châu Âu . Câu hỏi ở đây, là liệu Catenaccio có phải là khắc tinh của tiqui-taca.

Trong tiếng ý, Catenaccio ở tiếng Ý có nghĩa là “cái then cửa". Còn trong bóng đá, Catenaccio ám chỉ một hệ thống chiến thuật đặt sự chắc chắn cho khung thành lên hàng đầu, với điểm nhất là sự có mặt của một libero hoặc một hậu vệ quét, người thường xuất phát ở vị trí thấp nhất ở hàng phòng ngự, có nhiệm vụ "dọn dẹp" những đường bóng lỗi, theo sát tiền đạo đối phương và có thể chơi một kèm một khi cần. Catenaccio được phát minh bởi HLV người Áo Karl Rappan hồi những năm 30 của thế kỷ trước, được du nhập vào Italia bởi HLV của Padova Nereo Rocco những năm 50, và được Helenio Herrera nâng lên một tầm cao mới cùng Grande Inter hồi những năm 60. Với Catenaccio, bóng đá Italia đã thu được rất nhiều thành công, cả ở cấp độ đội tuyển lẫn CLB.

Vẻ đẹp của Catennacio không nằm ở những pha đi bóng điệu nghệ hay những đường bật ban đẹp mắt, mà đôi khi chỉ cần một cú xọac bóng hợp lệ, một pha ngăn chặn thành công cũng đủ khiến người xem thích thú. Tính khoa học, kỷ luật và chính xác luôn được đặt lên hàng đầu đồng thời mỗi HLV khi áp dụng lối đá này thường tâm niệm rằng muốn chiến thắng thì trước hết phải giữ sạch mành lưới đội nhà cái đã. Catenaccio là phòng ngự, một kiểu phòng ngự đỉnh cao được nâng tầm đến mức có thể gọi là một nghệ thuật.

Tuy vậy, cũng còn không ít người băn khoăn là liệu một lối đá chỉ chăm chăm phòng ngự thì có thể coi là nghệ thuật hay không? Thực chất, Catenaccio không chỉ có thủ, mà còn có cả công nữa, quan trọng là công đúng cách và đúng thời điểm. Lối đá này khi cương, khi nhu, khiến đối thủ rất khó nắm bắt, và các HLV thường tùy theo tình hình diễn biến trên sân để đưa ra những điều chỉnh thích hợp. Bởi thế, vai trò của HLV là cực kỳ quan trọng. Một HLV muốn dùng được Catenaccio phải có khả năng thích ứng, đọc trận đấu cực nhanh để đưa ra những phương án khả thi nhất trong một tích tắc.Điều đó lí giải tại sao Catenaccio là một lối đá được phổ biến rộng rãi, được nhiều HLV ưa chuộng, nhưng lại có ít người thành công với nó.

Như đã nói, Italia là nơi Catenaccio phát triển rực rỡ nhất, thậm chí lối chơi này còn được xem như một biểu tượng của bóng đá xứ mỳ ống. Trong những năm vừa qua, xét cả trên cấp đội tuyển lẫn CLB thì Catenaccio đều giúp họ có được những thành công chói lọi ở một vài thời điểm, như việc Italia giành chức vô địch World Cup 2006 hay Inter đoạt cú ăn 3 mùa giải 2009-2010. Dẫn dắt Inter khi đó không phải là một HLV Italia, nhưng về độ thực dụng, Mou thậm chí còn hơn cả người Italia "xịn". Chính sự gặp gỡ giữa phong cách cá nhân với Catenaccio đã giúp Mourinho đưa một đội bóng hạng khá lên đỉnh Châu Âu. Dĩ nhiên để một lối đá, một CLB giành được những vinh quang, ngoài yếu tố chuyên môn không thể không nhắc đến sự may mắn luôn song hành.

Trở lại vấn đề Catenaccio liệu có phải khắc tinh của tiqui-taca. Điều này tới nay vẫn còn là một dấu hỏi vì chỉ bằng việc Inter vượt qua Barca trong lượt trận bán kết Champions League mùa giải 2009-2010 thì chưa thể khẳng định hoàn toàn. Tuy vậy, có thể chắc chắn một điều rằng Catenaccio đã hạn chế được rất nhiều titui-taca. Lối đá di chuyển, chạy chỗ liên tục của các cầu thủ Barca đã vấp phải một hệ thống phòng ngự khu vực được bố trí bài bản bên phía Inter. Các cầu thủ Barca có thể liên tục chạy chỗ, hoán đổi vị trí, nhưng lại không thể thoát nổi “ thiên la địa võng" đã được giăng ra trước mặt. Inter cũng đã thành công khi dùng cơ bắp đánh thẳng vào vị trí trung tâm hàng tiền vệ Barca, vốn là yếu huyệt của tiqui-taca.


Messi trong vòng vây của 5 cầu thủ Inter Milan - Ảnh Internet

Catenaccio giờ đã không còn cố định trong khuôn khổ của một đội tuyển hay một CLB, một quốc gia hay một vùng lãnh thổ, mà nó đã trở thành lối đá được vận dụng trên toàn thế giới. Đâu đó trong những Hy Lạp hay Chelsea, M.U, Real thì người ta vẫn phần nào thấy thấp thoáng bóng dáng của lối đá này. Và với Catenaccio có thể có người thích, có người không thích, nhưng trên hết nó tồn tại vì nó còn hữu dụng. Và trong thời điểm tiqui-taca của Barca vẫn tỏ ra quá ưu việt, để ngăn chặn được nó, có lẽ không thể không dùng đến Catenaccio. Và trách nhiệm lịch sử lại một lần nữa được đặt lên vai Jose Mourinho. Mùa trước, Mou đã thất bại thảm hại với bóng đá tấn công khi đối đầu với Barca, và ngay khi trở lại với Catenaccio, Real Madrid của ông đã khiến người Barca khốn khổ, dù kết quả thu được chưa được như mong muốn.

Phạm Hoàng

Lớp K12, khoa STLLPBVH, đại học Văn Hóa Hà Nội

* Bài viết thể hiện quan điểm cá nhân của độc giả. Bạn có thể phản hồi ngay trong mục comment đưới đây, hoặc gửi bài viết vào hòm thư điện tử quocte.ttvhonline@gmail.com.

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm