Nghệ thuật đương đại bị phản đối, tại sao?

17/03/2013 09:35 GMT+7

Nhiều ngày qua, trên các diễn đàn xã hội xôn xao bàn tán về buổi trình diễn nghệ thuật đương đại (NTĐĐ) mang tên Chợ quê của nhóm nghệ sĩ Đào Anh Khánh diễn ra hôm 2/3 và đã phải dừng lại giữa chừng vì bị người dân phản đối. Xem ra, dù đã du nhập vào Việt Nam gần chục năm, song những màn trình diễn mới lạ như sắp đặt, body painting, múa đương đại, video art hay digital art vẫn chưa tìm được tiếng nói đồng thuận với công chúng, chưa được đông đảo công chúng đón nhận!

Khi nghệ thuật bị công chúng xua đuổi

Chợ quê diễn ra tại bãi giữa sông Hồng, có sự tham gia của họa sĩ Nguyễn Thân, nghệ sĩ Đào Anh Khánh, Đoàn Minh Hoàn, nhạc sĩ đương đại Robert Pepper và Brett Zweiman (đến từ New York, Mỹ). Tại đây, các nghệ sĩ vừa trình diễn sắp đặt vừa biểu diễn nhạc cụ và múa đương đại. Vừa bắt đầu được ít phút thì một số nông dân kéo đến xua đuổi, không cho nhóm nghệ sĩ tiếp tục chương trình vì làm cản trở đường đi lối lại, làm tổn hại đến hoa màu của họ. Sau đó, các lực lượng chức năng xuất hiện, buổi trình diễn không có giấy phép này đã buộc phải dừng lại.

Nhưng câu chuyện vẫn chưa dừng lại ở đó. Vụ việc Chợ quê đã khiến cho cuộc tranh luận về NTĐĐ vốn âm ỉ từ lâu một lần nữa lại bùng lên gay gắt. Dù chủ nhân lý giải Chợ quê được thực hiện với mục đích giới thiệu cho công chúng, đặc biệt là người nước ngoài, biết về địa danh sông Hồng nhưng khi video clip ghi lại buổi diễn được đưa lên mạng đã bị cư dân mạng phê phán kịch liệt. Nhiều người bảo các nghệ sĩ đang “lên cơn” chứ không phải biểu diễn, rằng đó không phải là “nghệ thuật đương đại” mà là “nghệ thuật điên dại”… Bên cạnh đó, một số ý kiến trái chiều khác thì cho rằng người dân và chính quyền địa phương không hiểu biết gì về nghệ thuật nên mới ngăn cản các nghệ sĩ.


Một cảnh trong màn biểu diễn múa đương đại mang tên Chợ quê của Đào Anh Khánh.

Đây không phải là lần đầu tiên một buổi trình diễn NTĐĐ phải dừng lại giữa chừng vì bị người dân phản đối do “gây mất trật tự công cộng”, “cản trở giao thông”, “gây phản cảm”. Còn nhớ, hồi tháng 4/2012, nghệ sĩ Trần Trọng Linh mở triển lãm Thương thuyết tại Trung tâm Văn hóa Pháp L’Espace Hà Nội với ý tưởng lấy gợi ý từ sông Tô Lịch - dòng sông rác ô nhiễm bậc nhất tại Hà Nội. Nghệ sĩ đã dùng chính nước thải của dòng sông để đóng băng, làm thành các tác phẩm sắp đặt. Tuy nhiên, dòng nước đen ngòm, hôi thối tan chảy từ khối đá đóng băng rác sông Tô Lịch đã tràn ra mặt đường, vỉa hè khiến ai đi ngang qua cũng phải bịt mũi bởi mùi hôi thối bốc lên. Vậy là chưa hết 3 ngày triển lãm, Cục Mỹ thuật - Nhiếp ảnh và Triển lãm đã phải ra quyết định yêu cầu dừng triển lãm trước sự “bịt mũi” và lên án của dư luận.


Triển lãm Thương thuyết của Nghệ sĩ Trần Trọng Linh.


Cần những sợi dây kết nối

NTĐĐ vốn không xa lạ ở các nước phương Tây nên được người dân đón nhận với cái nhìn thoáng mở hơn. Thế nhưng, ở Việt Nam, hiện nay, loại hình này vẫn khá xa lạ, chưa nhận được sự đồng cảm của số đông công chúng. Số người biết đến và thấu hiểu về NTĐĐ chưa nhiều. Vì vậy, chỉ cần thấy lạ mắt, chướng tai, “lệch chuẩn” một tí là bị lên án phản đối ngay. Đã thế, một số nghệ sĩ theo đuổi NTĐĐ dường như không quan tâm đến công chúng khán giả. Khi sáng tạo nghệ thuật, họ không cần biết khán giả của mình là ai, có thể tiếp nhận thứ nghệ thuật mà mình mang đến hay không và tiếp nhận thế nào, thậm chí có người còn cho rằng công chúng “chưa đủ tầm” để tiếp nhận NTĐĐ. Thế nên, trong khi nghệ sĩ mê mải dồn mọi tâm huyết cho khuynh hướng nghệ thuật mới thì khán giả mặc sức bịt mũi, quay lưng, còn cấp quản lý văn hóa lại không khỏi lúng túng và lo lắng trước sự xuất hiện ngày một nhiều những màn trình diễn “gây sốc” của các nghệ sĩ.

Trước thực trạng này, PGS.TS. Nguyễn Thị Minh Thái cho rằng, nghệ thuật, cho dù là bất kỳ loại hình nghệ thuật gì cũng cần có khán giả. Vì thế, để NTĐĐ ở Việt Nam có khán giả, những nghệ sĩ đương đại cần thông qua truyền thông để giải thích, giúp cho công chúng hiểu hơn về nghệ thuật này. Trong giai đoạn đầu, khi chưa thể được số đông công chúng tiếp nhận thì các nghệ sĩ phải có sự tìm hiểu, chọn lựa đối tượng khán giả cho mình. Việc lựa chọn bối cảnh, môi trường để biểu diễn, trình diễn cũng cần được xem xét kỹ để sáng tạo ra những màn trình diễn mới mẻ mà không lố lăng, lạ mắt mà không phản cảm.

Từ góc độ một nhà quản lý văn hóa, họa sĩ Vi Kiến Thành - Cục trưởng Cục Mỹ thuật - Nhiếp ảnh và Triển lãm - Bộ VH-TT&DL cho biết: Tuy cơ quan quản lý vẫn luôn mở rộng cánh cửa để tiếp nhận những khuynh hướng nghệ thuật mới lạ nhưng không vì thế mà mọi sáng tạo không thích hợp với hoàn cảnh, trái ngược với thuần phong mỹ tục cũng được chấp nhận. Thực tế là trong thời gian qua, Cục Mỹ thuật đã kiên quyết không cấp phép cho một số chương trình biểu diễn NTĐĐ. Ngay cả khi nó diễn ra “chui” thì sau đó đều gặp phải sự phản đối mạnh mẽ của dư luận. Đáng tiếc là cho đến nay, chúng ta vẫn chưa có văn bản riêng quy định cụ thể, chi tiết việc trình diễn, biểu diễn NTĐĐ. Đây chính là lỗ hổng để những tác phẩm quái dị, phản cảm “vượt rào” đến với công chúng theo đường “biểu diễn chui” mà chưa hề được các cơ quan quản lý xét duyệt, cấp phép.

Thiết nghĩ, công chúng cũng nên có cách nhìn cởi mở hơn với NTĐĐ. Trên con đường tìm tòi những cái mới, có thể một số tác phẩm chưa đủ độ chín, chưa phù hợp thị hiếu của một bộ phận khán giả. Điều không thể phủ nhận là người nghệ sĩ đã nỗ lực sáng tạo mà không ngoài mục đích nào khác là tạo dựng hình ảnh phản chiếu đời sống đương đại, đem lại những đóng góp mới mẻ cho nghệ thuật.

Theo Sức khỏe & Đời sống

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm