HLV Vũ Trường Giang (LSTH): Định nghĩa cái chết

19/06/2010 12:27 GMT+7 | World Cup 2010

(TT&VH) -  Có những cái chết khởi đầu cho mầm sống viên mãn hơn. Nhưng cũng có những cái chết khiến chúng ta đổ vỡ…

Bóng đá hấp dẫn ở chỗ có những cái chết bất ngờ, không ai nghĩ ra. Tây Ban Nha thua Thụy Sỹ là cái chết kinh điển, mà người ta còn phải nhớ rất lâu. Tôi nghĩ trong thâm tâm, đến giờ phút này Thụy Sỹ cũng còn bay bổng trong mơ. Đẳng cấp Tây Ban Nha vẫn được thế giới thừa nhận cao hơn, hình ảnh cơn lốc vẫn lung linh trong mắt người hâm mộ.

Tây Ban Nha xứng đáng nhận được sự tôn trọng đó. Trên thực tế, với những con người như hiện nay, họ vẫn đủ sức dẫn đầu bảng H và vô địch. Vấn đề, họ phải biết tự vấn về thái độ chơi, cách thức nhập trận. Hay nói cách khác họ cần phải học cách tôn trọng người khác.


Họ đã thua Thụy Sỹ do chủ quan, đến khi không đè bẹp được đối thủ lại bị dẫn bàn trước đã bấn loạn, trong khi Thụy Sỹ chơi quá hợp lý. Chẳng khác gì mới đây chúng tôi hạ gục XM.HP 4-1, chúng tôi nhập cuộc với tư thế cửa dưới, nhưng tinh thần tốt hơn, không cho Leandro khoảng trống để “vẽ”, tự khắc đối thủ sẽ ức chế mà đá lởm khởm thôi.



HLV Vũ Trường Giang (LSTH)

Lúc đầu giải thì Tây Ban Nha là đội bóng tôi yêu nhất. Một trận thua kiểu ấy đã làm tôi chuyển tình cảm sang cho Argentina mất rồi. Cho dù vậy, tôi vẫn tin sau cái chết, Tây Ban Nha sẽ tìm lại được hình ảnh của mình. Đấy là sự khác biệt với cái chết của Pháp trước Mexico. Một lời cảnh báo: một biểu tượng bóng đá thế giới như Pháp cũng sẽ chết nếu không tự làm mới mình. Tôi thấy hình như không có mấy người chia sẻ nối đau của người Pháp. Thậm chí, còn dè bỉu. Thái độ ấy chẳng phải ngẫu nhiên đâu!

Cái chết của Hàn Quốc với tỷ số đến 1-4 trước Argentina khiến tôi hơi choáng. Chắc cả châu Á cũng hụt hẫng. Tôi đã lầm khi nghĩ rằng sức vóc bây giờ Hàn Quốc vẫn còn thua xa đối thủ, nhưng có thua cũng chỉ vài bàn thôi. Một sự đổ vỡ niềm tin, lộ ra sự thật bóng đá châu Á vẫn là vùng trũng của thế giới. Vẫn chỉ trông chờ vào sức mạnh tinh thần, còn đẳng cấp chỉ đến khi gặp đối thủ lớn mới vỡ ra mình còn hạn chế lắm. Trước đó, Australia cũng trở thành bị bông để Đức “đấm” tơi bời. Liệu có cần thiết phải ngợi ca Triều Tiên đến mức như thế không?


Tôi thấy bóng đá châu Á còn những hạn chế cố hữu như sau. Thể lực, tầm vóc hạn chế, đấy là điều không thể bàn cãi dù nhiều người cứ bảo Hàn Quốc, Nhật Bản, Triều Tiên thể trạng đã ngang ngửa đối thủ. Đẳng cấp vẫn còn một khoảng cách rất xa với các nền bóng đá lớn châu lục khác. Xem đá với Argentina, Hàn Quốc không có thời gian, khoảng trống để triển khai ý đồ. Họ chỉ kết hợp bóng được hai nhịp là mất.


Tối nay chắc chắn lại có thêm 2 “cái chết” mang tên châu Á, khi Nhật Bản lại đụng một tên tuổi lẫy lừng như Hà Lan. Đá với Cameroon, Nhật Bản có hàng phòng ngự tốt, tất nhiên khả năng xuyên phá của tiền đạo đối thủ kém, chứ không như dàn “sát thủ” Robin van Persie, Wesley Sneijder, Kuyt và Rafael van der Vaart. Tuyến trên Honda cài người và giữ được bóng, tạo điều kiện cho đồng đội dứt điểm. Theo tôi Hà Lan sẽ thắng Nhật Bản 2 bàn cách biệt. Ghana cũng hoàn toàn có khả năng làm được điều đó để một đội bóng khác là Australia xách va ly về nước.


Trận Cameroon- Đan Mạch không mang lại nhiều cảm xúc cho tôi. Tôi đoán Đan Mạch sẽ thắng 1-0, hoặc 2-1.


Như vậy, dù có biến động kiểu nào thì World Cup vẫn là sân chơi của các ông lớn. Tôi nghĩ vô địch chỉ có một trong 3 đội: Argentina, Brazil, Tây Ban Nha. Những đội bóng kiểu như châu Á chúng ta tham gia cho vui và sẽ “chết sớm” mà thôi. Điều đó cũng như việc chủ nhà Nam Phi không thay đổi được nền bóng đá của họ….


HỮU QUÝ (ghi)

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm