Sự thật về nhà văn “tướng cướp” Sơn Vương (Kỳ 1)

26/06/2008 20:04 GMT+7 | Đọc - Xem

Nhà văn Sơn Vương

LTS: Trong chương trình “Đấu trường 100” gần đây, có một câu hỏi khiến rất nhiều người ngỡ ngàng: “Ai là nhà văn tướng cướp trước năm 1945?” Đáp án là “Sơn Vương”.

Vậy Sơn Vương là ai? Đã viết những tác phẩm gì? Đã làm tướng cướp như thế nào? Đó có lẽ là điều băn khoăn của rất nhiều người xem truyền hình hôm đó bởi những thông tin ít ỏi mà chương trình đưa ra.

Năm nay, đúng kỷ niệm 100 năm ngày sinh của nhà văn Sơn Vương, chúng tôi xin giới thiệu bài viết của nhà nghiên cứu Nguyễn Q. Thắng, người đã sưu tầm các tác phẩm của Sơn Vương, và mới đây nhất, ông đã xuất bản cuốn “Sơn Vương- nhà văn, người tù thế kỷ” (NXB Văn học, 2007)

Sơn Vương (1908-1987) Nhà văn, mà cũng là tướng cướp, tự là Vạn Năng, hiệu Sơn Vương, tên thật là Trương Văn Thoại, quê làng Bình Nghị, (Tân Duân Đông), huyện Tân Hoà, tỉnh Gò Công cũ, (nay thuộc xã Bình Nghị, huyện Gò Công Đông, tỉnh Tiền Giang).

Gia tài sáng tác
 của ông khá đồ sộ
  với khoảng hơn
 30 tác phẩm
trong đó có nhiều
 trường thiên 
 tiểu  thuyết.

Trước năm 1928-1929 ông sáng tác một số tiểu thuyết (3 bộ) và các “đoản thiên tiểu thuyết” (truyện ngắn) được độc giả hoan nghênh. Nhưng máu giang hồ trong ông mạnh hơn máu văn chương, rồi nổi danh trong đám “anh chị” Sài Gòn thuở đó. Khi viết báo, làm văn ông tự đi bán tác phẩm của mình với ý đồ chuẩn bị kế hoạch “đi hát” (cướp) lấy tiền giúp các nhà hoạt động cách mạng, người nghèo khổ...

Ông là một nhà văn sáng tác truyện trong ý hướng hiện thực xã hội. Nhà văn muốn dùng ngòi bút để lên án cái xã hội mà dân ta phải gò lưng chịu đựng dưới chính sách khắc nghiệt của những kẻ đem chiêu bài “Cần lao, Bác ái...” làm một thứ huyền thoại để cai trị dân ta. Thế nhưng hoài vọng đó của nhà văn không cải tạo được xã hội hắc ám đó. Cuối cùng nhà văn phải làm một “tướng cướp” trong thế “chẳng đặng đừng” của một tất yếu xã hội; do đó, nhà văn phải vào sống nơi “trường học thiên nhiên” để chiêm nghiệm lẽ đời và lẽ sống!

Thế cho nên, khi còn ở Côn Đảo, ông có ghi ước nguyện của mình là ở lại đảo để viết được quyển tự truyện về đời tư như lời tự bạch của ông: “Quyển sách này, phải chăng là kết tinh của một đời tù trường kì gian khổ? Ngày ra đi, trước nhà tôi có những đám đất chưa trồng, ngày tôi trở về làng cũ thì trên các mảnh đất trống xưa kia đã có nhiều cội cây cằn cỗi: Quả là những chuỗi ngày dài lê thê gần như vô tận khiến nên mỗi lúc tôi:

Trông về cố quận phương trời thẳm

(mà) Cười lệ khôn ngăn; khóc nghẹn lời

                                                 (Sơn Vương, Máu hòa nước mắt, bản thảo)

Về đời tư (lúc ở đảo) có rất nhiều sự việc thực tế, giai thoại li kì về ông. Và chính các sự thật, giai thoại ấy nói lên cái ngang tàng, khẩu khí, bất cần đời, “mục hạ vô nhân” mà lại hay “lạt lòng” của ông như lúc ông nói về mình cũng như với nhiều người cùng cảnh ngộ ở An Ninh quần đảo, nơi ông điều hành việc nước tại hải đảo đầy máu và nước mắt này.

Các anh em Sơn Vương vào buổi vãn niên
 (Sơn Vương- thứ 2 từ trái sang)

Từ bản chất con người cá nhân mình, nên từ khi được chính quyền Nam Bộ (Ủy ban Hành chánh Nam Bộ) cho phép, ông cùng với các cộng sự, chính thức đổi tên Quần đảo Côn Lôn thành Quần đảo An Ninh (nơi nhà yêu nước Nguyễn An Ninh hi sinh năm 1943) như lời tự bạch của ông trong hồi kí “Máu hòa nước mắt”.

Trong hồi kí này, Sơn Vương đã rất thành thật, trung thực đến mức tối đa, trình bày lại các sự việc từ khi phái đoàn đại diện Ủy ban Nhân dân Nam Bộ ra đảo lần thứ nhất và lần thứ hai giải quyết các việc lớn ở Côn Đảo. Nhất là việc phái đoàn (do ông Văn Cừ làm trưởng đoàn) tổ chức bầu cử người đứng đầu điều hành chính quyền Côn Đảo.

Tác giả viết: “Nhưng định mệnh khắt khe một khi đã giáng vào tôi mối nợ Côn Nôn, tôi còn chạy trời đâu khỏi nắng? Vì vậy mà cuộc bầu cử hôm sau, bao nhiêu người đề tên ứng cử trước tôi đều bị dân chúng Côn Nôn cho rớt lợt đợt hết. Tất cả đều dồn vào tôi bằng một số thăm đa số tuyệt đối, để rồi bao gánh nặng ở Côn Nôn giữa thời kì li loạn đều đổ trút lên đầu lên cổ tôi một cách trắng trợn, mà người ta cứ nghĩ đó là điều vinh hạnh cho tôi. Tôi phải gánh mối nợ Côn Nôn bằng cách ấy, thử hỏi tôi là người ĐƯỢC đắc cử, hay BỊ đắc cử?” (...) vì không thể từ chối được với phái đoàn Việt Minh, và cũng vì không có quyền trốn tránh nhiệm vụ công dân trong lúc nước nhà hữu sự, buộc lòng tôi phải đảm nhiệm mối nợ Côn Đảo tạm một thời gian, để rồi tìm cách thối thoát chớ không phải tự tôi cướp lấy chính quyền hay tham quyền cố vị như người ta đã tưởng”

(Sơn Vương, Máu hòa nước mắt, bản thảo)..

Đó là sự thật và cũng là tâm sự của nhà văn, tướng cướp, kiêm người điều hành chính quyền ở Côn Đảo hồi năm 1945 – 1946 trong lịch sử hiện đại Việt Nam ở Nam Bộ.

NGUYỄN Q.THẮNG

Kỳ sau: "Tại sao tôi đi ăn cướp?"

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm