Tân TGĐ Công ty CP thể thao SHB.Đà Nẵng, Bùi Xuân Hoà: Mừng bằng lo

23/11/2008 14:35 GMT+7 | Bóng đá Việt

(TT&VH) - Ông Bùi Xuân Hoà là một phần của lịch sử Bóng đá Đà Nẵng. Đến tận bây giờ, qua bao thăng trầm, ông vẫn trụ vững ở cái ghế quan trọng nhất. TT&VH thực hiện cuộc phỏng vấn với ông Hoà, khi các thủ tục thành lập Công ty đã xong, chỉ còn chờ ngày ra mắt. Ông Hoà bảo sẽ hoành tráng và chắc chắn, còn là ngày hội của người Đà Nẵng.

* Số vốn ban đầu của Công ty là bao nhiêu, thưa ông?

- Thì cũng cỡ 50 đến 100 tỷ đồng như HA.GL, hay SLNA thôi. Chúng tôi dự tính trước khi mùa giải chuyên nghiệp 2009 khởi tranh vài ngày, sẽ làm lễ ra mắt và xuất quân luôn một thể. Buổi lễ sẽ tổ chức ở sân Chi Lăng, dưới sự chứng kiến của nhiều doanh nghiệp lớn, khán giả, hội CĐV và tất nhiên lãnh đạo thành phố cũng có mặt.

* Thế cũng nên, bởi khi đội bóng đã thành lập Công ty thì thành công còn có sự đóng góp không nhỏ của nhiều thành phần. Ví dụ như khán giả, lâu nay bóng đá Đà Nẵng chưa bao giờ quan tâm đúng mức đến họ.

- Nói chung đã đến lúc phải thay đổi nhận thức lẫn cung cách làm bóng đá chuyên nghiệp. Tất cả sẽ phải thay đổi, kể cả vai trò của Hội CĐV sẽ được chúng tôi quan tâm hơn, kể từ mùa giải tới. Một đội bóng sẽ mạnh lên rất nhiều nếu có hội CĐV chuyên nghiệp, chung thuỷ. Bình Dương là một ví dụ. Trong xu hướng xã hội hoá bóng như hiện nay thì quan hệ tốt với doanh nghiệp sẽ có lợi rất nhiều. Họ tham gia góp cổ phần ngoài quyền lợi, còn chia sẻ gánh nặng với chúng tôi, góp phần đưa Công ty lớn mạnh hơn. Với lãnh đạo, dù bóng đá ta có phát triển thế nào cũng không nằm ngoài sự quản lý hay bảo hộ của Nhà nước, đặc biệt là lãnh đạo các địa phương. Tranh thủ được sự quan tâm của các anh ở trên thành phố là hành động luôn thiết thực.
 
Ông Bùi Xuân Hoà, TGĐ Công ty CP thể thao SHB.Đà Nẵng
 
* Nhân nói chuyện lãnh đạo địa phương, bóng đá ta sếp nào máu bóng đá thì đội bóng được nhờ. Dù doanh nghiệp hoá đội bóng, cũng không “qua được” tầm ảnh hưởng của họ.

- Để các CLB trở thành Công ty bóng đá thì có tồn tại và sự phát triển được hay không phụ thuộc rất nhiều vào đặc thù địa phương. Mỗi nơi con người, cá tính, văn hoá, tình hình kinh tế khác nhau. Đà Nẵng có thuận lợi khi lãnh đạo, nói theo kiểu dân dã là rất “máu” bóng đá. Cũng ít có nơi nào lãnh đạo lại quan tâm đến đội bóng bền bỉ như chúng tôi. Chúng tôi nói chuyện với doanh nghiệp về tài trợ bóng đá, dễ gì họ nghe. Lãnh đạo nói một tiếng, thông ngay. Thế nên, khi gặp người cũng máu bóng đá như bầu Hiển, đã tạo nên sự cộng hưởng. Khâu đào tạo của chúng tôi ở các tuyến rất tốt. Tính màu cờ, sắc áo địa phương rất cao. Cầu thủ Đà Nẵng chưa bị cơn lốc chuyển nhượng tác động đến mức tạo scandal như nhiều địa phương. Đấy là thuận lợi.

* Nhưng sự bao cấp đậm đặc, lâu dài cũng có hạn chế, đó là tính ỷ lại của đội bóng, cùng cung cách làm việc thiếu trách nhiệm, đặc biệt tinh thần chịu trách nhiệm trước mọi hoàn cảnh của những người làm bóng đá bao cấp lâu nay.

- Cả nước đều thế, nói gì bóng đá Đà Nẵng. Thế mới nói doanh nghiệp hoá bóng đá là xu hướng tất yếu. Nó sẽ tập hợp được nhiều nguồn lực, cả con người lẫn vật chất. Nó sẽ là bệ phóng để bóng đá ta nói chung phát triển có chiều sâu hơn.

Tôi lấy ví dụ vì sao Huỳnh Đức làm tốt thế, dù nói về chuyên môn thì Đức mới tiếp cận việc dẫn dắt bóng đá chuyên nghiệp. Tôi nói luôn, vì Huỳnh Đức sòng phẳng trong chuyên môn lẫn tiền bạc. Đơn giản vô cùng, nhưng trước đến nay ngoài Đức và HLV Lê Thuỵ Hải, không ai làm được.

* Cũng do bầu Hiển trao cho Đức toàn quyền sinh sát, trong bối cảnh đội bóng đá đã chuyển giao cho SH Bank thôi. Đấy là cơ chế của bóng đá doanh nghiệp. Cũng như ông và nhiều cán bộ của Sở TDTT Đà Nẵng trước đây. Nếu bây giờ không được việc, thì sẽ bị sa thải và thất nghiệp như chơi.

- Chứ còn gì nữa. Bây giờ bóng đá gắn với quyền lợi của Công ty, các cổ đông, không đủ năng lực làm bóng đá thì nên nghỉ.

* Hy vọng rằng, Công ty Cổ phần thể thao SHB Đà Nẵng sẽ bền và vững, chứ không chỉ có tiếng theo bắt buộc của AFC.

- Thực tế cho thấy, để thành công hay cụ thể có lãi thì ít ra phải mất vài chục năm nữa. Nếu không biết cách làm, trong xu thế bất ổn nền kinh tế thế giới hiện nay thì bất cứ Công ty bóng đá nào cũng phá sản như chơi. Bóng đá ở ta, có lãi là chuyện nằm mơ. Tôi mừng ngang bằng lo là ở chỗ ấy.

Thế nên, Công ty của chúng tôi phải có từng bước hành động. Trước mắt tránh “đốt tiền”. Chúng tôi sẽ xin phép Sở VH-TT& DL cùng thành phố tạo điều kiện để có thêm nguồn thu từ SVĐ Chi Lăng. Mùa tới, phải bán vé, khán giả phải ủng hộ. Tương lai, chúng tôi sẽ vận động các thành phần tham gia góp cổ phần, nhất là doanh nghiệp lớn trên địa bàn Đà Nẵng, rồi các cầu thủ, cán bộ CLB lâu nay. Bên cạnh lo đào tạo, Công ty sẽ tham gia vào thị trường chuyển nhượng để tạo nguồn thu. Khu liên hợp thể thao ở Hoà Minh sẽ được xây dựng, có khách sạn 3 sao cùng các dịch vụ thể thao khác. Chứ chơi riêng bóng đá thì khó sống.

* Cảm ơn ông về về cuộc trao đổi.

Hữu Quý (thực hiện)

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm