"Gangnam Style" thành công nhờ… kỳ thị chủng tộc?

02/10/2012 11:08 GMT+7 | Văn hoá

                   

(TT&VH) - Nam ca sĩ Psy từng công nhận, ca khúc của mình nói về con người và xã hội Hàn Quốc. Nhưng đã bao giờ một nghệ sĩ kiểm soát được ảnh hưởng của tác phẩm của mình, cũng như cách nghĩ của người khác về tác phẩm đó chưa?

Trong MV Gangnam Style, có sự xuất hiện của những khách mời vốn là người nổi tiếng ở Hàn Quốc như MC truyền hình đầy quyền lực Yoo Jae Suk, diễn viên hài đồng tính Noh Hong Chul, nữ ca sĩ 20 tuổi Hyun A vốn được biết đến với phong cách sexy.

Tranh cãi chưa có hồi kết

Nhưng, công bằng mà nói, với những người không biết gì về văn hóa đại chúng Hàn Quốc thì những cái tên này chẳng có ý nghĩa gì. Nói ngắn gọn là khi "sang" Mỹ (qua trang YouTube) thì Psy không thể trông cậy vào danh tiếng của một ai khác.

"Có phải Gangnam Style thành công vì người Mỹ, với thói kỳ thị chủng tộc, luôn muốn cười nhạo người châu Á, và đây lại còn là một người đàn ông châu Á béo, xấu trai, nhảy một điệu ngốc nghếch, gây cười?". Câu hỏi đó người Mỹ thảo luận sôi nổi trên các mạng xã hội suốt từ khi Gangnam Style vụt sáng với lượng “hit” cực lớn cho đến nay vẫn chưa dứt.

Các ý kiến chia làm hai phe rõ rệt: thừa nhận và phủ nhận. Chủ đề gây chú ý đến mức các mạng xã hội Hàn Quốc cũng không thể làm ngơ.

Tranh biếm họa ca sĩ Psy và Yang Hyun Suk, ông chủ hãng giải YG, công ty chủ quản các nhóm nhạc nổi tiếng của K-pop là Big Bang và 2NE1. Ảnh: Psypark.com

Vụ chửi thề (không phải của Psy) ở Seoul

Trong khi những tranh cãi chưa đi đến đâu thì xảy ra một vụ việc chứng tỏ rằng một số ca sĩ đồng hương của Psy cũng cảm thấy không thoải mái vì cách thành công của Gangnam Style.

Đó là vào ngày 22/9, trong một buổi biểu diễn ca nhạc ở Seoul, ca sĩ rap Tiger JK (người Hàn Quốc, lớn lên và học tập tại Mỹ) đã nổi giận và chửi bới khi được một số khán giả có vẻ là người da trắng yêu cầu anh ngừng biểu diễn ca khúc của mình và nhảy điệu nhảy ngựa của Gangnam Style. Tức giận, Tiger JK chửi thề ngay trên sân khấu trong vòng 10 phút (theo chính tiết lộ của ca sĩ này trên Twitter). "Hollywood nghĩ người châu Á chỉ là những thằng hề nhảy múa" - anh này viết trên Twitter và tuyên bố: "Tôi không ở đó để nhảy cho họ xem, làm hề cho họ cười".

Sau đó, Tiger JK đã xin lỗi những khán giả không liên quan và các nhà báo, blogger bất đắc dĩ phải nghe anh chửi thề, cho biết anh trân trọng thành công của Psy, nhưng vẫn khẳng định chắc nịch: "Tôi phải nói ra sự thật (suy nghĩ về sự kỳ thị chủng tộc)".

Đó là phản ứng gay gắt nhất của một nghệ sĩ từng sống ở cả Hàn và Mỹ về khía cạnh "đáp ứng thị hiếu mang tính kỳ thị chủng tộc" của Gangnam Style. Nhiều người khi nghe đến giả thiết này đã ngay lập tức phủ nhận, tuyên bố họ thích bài hát và điệu nhảy vì chúng hay và vui nhộn, đầy sức hút. Nhưng, phản ứng của Tiger JK cho thấy rằng, vẫn có những nghệ sĩ coi mọi chuyện không đơn giản như vậy.

Đàn ông châu Á trên truyền thông Mỹ

Mọi chuyện chưa bao giờ là đơn giản. Năm 1961, bộ phim kinh điển của Mỹ Bữa sáng ở Tiffany's cố lồng vài chi tiết gây cười nhảm nhí qua nhân vật phụ ông già Yunoishi, người Nhật, xấu xí và lúc nào cũng ngái ngủ.

Năm 2003, nước Mỹ cười nghiêng ngả trước anh chàng gốc Trung Quốc William Hung, khi anh này dự thi American Idol và biểu diễn quá dở ca khúc She Bangs của Ricky Martin. Ngoại hình của Hung cũng bị nhận xét là xấu xí, ngờ nghệch. William Hung bỗng dưng nổi tiếng ầm ĩ chỉ vì có khả năng làm cho người Mỹ cười, chế giễu và thương hại.

Và, thậm chí "người châu Á" trong giả thiết trên kia có thể khoanh vùng lại thành "đàn ông châu Á". Bởi, hình tượng phụ nữ châu Á trên truyền thông đại chúng và trong nghệ thuật ở Mỹ dường như ít bị "hề hóa" như đàn ông. Crystal Anderson, một blogger kiêm giảng viên Đại học Elon (Mỹ), người chuyên nghiên cứu về Làn sóng Hàn Quốc, nhận định: "Trước đây, Lý Tiểu Long đã không trở thành một ngôi sao võ thuật trên truyền hình Mỹ vì người Mỹ không sẵn sàng chứng kiến một người đàn ông châu Á vào vai chính với hình tượng mạnh mẽ như vậy. Đến nay, các phim truyền hình của chúng ta vẫn chưa có nhiều vai chính người châu Á cho lắm, và họ dường như không tồn tại trong đời sống âm nhạc Mỹ".

Crystal Anderson so sánh Psy với những hình tượng đàn ông châu Á gây cười trong các bộ phim Mỹ như nhân vật Long Duk Dong trong phim 16 Candles hay Leslie Chow trong The Hangover, gồm có các đặc điểm: trông như hề, không có sức hấp dẫn giới tính và gợi cảm giác yếu ớt, nhu nhược.

Gangnam Style ở đâu trong Làn sóng Hàn Quốc?

Nhiều người đặt câu hỏi thành công của Gangnam Style có giúp cho K-pop, một lĩnh vực quan trọng và được đầu tư mạnh của Làn sóng Hàn Quốc hiện nay, gặp thuận lợi hơn trong việc chinh phục nước Mỹ hay không? Câu hỏi này ngay từ đầu đã nhầm lẫn, vì Psy và K-pop hầu như chẳng liên quan gì đến nhau.

Psy chẳng giúp được gì cho K-pop là tên một bài viết gần đây trên Seoulbeats, một trang web chuyên thảo luận về nhạc Hàn. Lâu nay, các nhóm nhạc K-pop xinh trai đẹp gái vẫn trông nhang nhác nhau như đúc từ một khuôn nhưng chính điều đó lại tạo nên "bản sắc" của họ. Còn Psy thì khác. Anh thuộc về làng nhạc Hàn nhưng lại không phải là K-pop, trong khi Làn sóng Hàn Quốc thế hệ mới chủ trương lấy K-pop làm mũi nhọn.

Mặc dù vậy, cơn sốt vẫn có sức mạnh của nó. Nhiều người trên thế giới đã và đang nhảy theo Gangnam Style, các ngôi sao K-pop cũng không nằm ngoài xu hướng. Liên tiếp nhiều ca sĩ, nhóm nhạc thần tượng có video bắt chước điệu nhảy ngựa, thậm chí lên sân khấu trình diễn cùng Psy.

Và nếu việc Psy nhảy cùng các vũ công xinh đẹp trong MV được mô tả như "một giấc mơ" của những người đàn ông có ngoại hình không đẹp, thì ngoài đời, giấc mơ đó đã trở thành sự thực (với Psy). Hồi tháng 7, nam ca sĩ 34 tuổi vừa có màn biểu diễn Gangnam Style với thành viên các nhóm nhạc nữ After School, Sistar, Kara (hầu hết đều xinh đẹp) trong chương trình Inkigayo. Ở Mỹ, Psy cũng được nhảy cùng ngôi sao Britney Spears (cũng từng rất xinh đẹp).

Vụt sáng rồi chợt tối?

Các blogger khắp thế giới không ngần ngại dự đoán rằng Psy cùng Gangnam Style rất có thể sẽ là một "one-hit wonder" (ca sĩ có duy nhất một bài hát thành công) tiếp theo của làng nhạc thế giới, bởi họ không nhìn thấy ở Psy một tương lai rõ ràng nào đằng sau cơn sốt.

Danh sách này vốn đã dài ngoằng, trước đây từng có những ca khúc như Macarena của Los del Río - một ca sĩ người Tây Ban Nha (từng tạo nên một cơn sốt bắt chước điệu nhảy tương tự Gangnam Style vào những năm 1990, chứng tỏ cơn sốt dạng này cũng không có gì độc đáo), Who Let The Dogs Out? của Baha Men, Big Big World của Emilia, Stay The Same của Joey McIntyre... Tóm lại là rất nhiều ca sĩ, nhóm nhạc thuộc nhiều thể loại. Danh sách có thể được bổ sung bất cứ lúc nào.

Gangnam Style đang được coi là hiện tượng âm nhạc quốc tế thành công nhất năm 2012, đến nay đã có 336 triệu lượt xem trên YouTube.

Lời ca khúc là lời một người đàn ông tán tỉnh một cô gái. Không có gì đặc biệt. Sức hút nằm ở nội dung MV, theo báo chí Hàn Quốc, mang thông điệp châm biếm, giễu nhại lối sống vật chất của những người giàu ở quận Gangnam (hay Kangnam) của thủ đô Seoul (Hàn Quốc). Một phần không thể thiếu làm nên thành công của Gangnam Style là điệu nhảy như cưỡi một chú ngựa vô hình.


Thành công toàn cầu của Gangnam Style có được do ca khúc quá ăn khách tại Mỹ. Mà ở Mỹ, hầu hết người xem thừa nhận họ không hiểu lời bài hát (trừ hai chữ "sexy lady" mà ai cũng hiểu) cũng như không biết ý nghĩa của "Gangnam" trong văn hóa xã hội Hàn Quốc. Từ Mỹ, cơn sốt đã lan đi nhiều nước trên thế giới.

Mi Ly (tổng hợp)

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm