TTVH Online

Lên Bắc Hà xem đua ngựa… thồ

30/05/2011 11:28 GMT+7

Từ tờ mờ sáng ngày 29/5, khắp các nẻo đường, gốc phố, người dân nô nức trong những bộ váy thổ cẩm đầy màu sắc đổ về sân vận động thị trấn Bắc Hà, tỉnh Lào Cai để chứng kiến Giải đua ngựa Bắc Hà mở rộng năm 2011.

(TT&VH) - Từ tờ mờ sáng ngày 29/5, khắp các nẻo đường, gốc phố, người dân nô nức trong những bộ váy thổ cẩm đầy màu sắc đổ về sân vận động thị trấn Bắc Hà, tỉnh Lào Cai để chứng kiến Giải đua ngựa Bắc Hà mở rộng năm 2011.

8 giờ sáng, tiếng còi xuất phát vang lên, 24 kỵ sĩ người chân đất, người đi giày ba ta, người đi dép, rạp mình trên lưng ngựa trần không thắng yên lao về phía trước trong tiếng hò reo cổ vũ vang dậy.

Kỵ sĩ chân đất

Đây là 24 kỵ sĩ về nhất, nhì trong số 72 người đến từ 4 huyện Bắc Hà, Si Ma Cai, Mường Khương (Lào Cai) và huyện Sín Mần (Hà Giang) trong cuộc tranh tài sơ loại trước đó. Vòng bán kết, ban tổ chức chia 24 VĐV thành 6 tốp, mỗi tốp 4 người thi đấu tính giờ để chọn ra 6 VĐV xuất sắc vào chung kết.

Hàng nghìn du khách vây kín xung quanh đấu trường xem các kỵ mã đua tranh quyết liệt. Kỵ sĩ thi đấu là những nông dân ở các thôn bản vùng cao. Ngựa đua vốn là những chú ngựa hàng ngày vẫn thồ hàng trên núi cao, gần đến ngày đua, tuấn mã mới được cho nghỉ thồ hàng, được tăng khẩu phần ăn và dắt ra đường cái cho quen với chỗ đông người.


Các chú ngựa thồ hăng hái phi về đích


Tuy vậy, vẫn có chú ngựa chưa quen chỗ đông người, tiếng hò reo náo động làm một số tuấn mã đang phi rất hăng, bứt lên về đích, bỗng dở chứng, đứng lại hoặc quay đầu rẽ ngang. Có chú đứng có chú đứng yên tại chỗ hoặc lững thững đi dạo, dù bị kỵ sĩ thúc roi ra lệnh chúng cũng không nhập cuộc lại, khiến chủ nhân được phen dở khóc dở cười.

Kỵ sĩ Vàng Văn Thức ở xã Na Hối, huyện Bắc Hà, cựu Kỵ mã vô địch năm 2009 cho biết: “Giải đua ngựa hiện nay được tổ chức quy mô hơn, dân bản cũng chú trọng, đầu tư thời gian, công sức nhiều hơn cho giải đấu. Có một số con ngựa được mua hoặc lấy giống từ nước ngoài cũng xuất hiện tại giải, chúng có thể hình to, cao, khỏe hơn giống ngựa địa phương. Nhưng để giành được chức vô địch không chỉ phụ thuộc vào con ngựa tốt, người và ngựa phải là 2 người bạn thân thiết nhiều năm trong cuộc sống, hiểu nhau, kết hợp nhịp nhàng từng động tác thì mới giành được nhiều lợi thế trên đường đua”.

Mua lợn về khao cả bản

Sau gần 2 giờ tranh tài, VĐV Vàng Văn Huỳnh, xã Na Hối (Bắc Hà), giành giải nhất với số tiền thưởng 20 triệu đồng. Em trai Huỳnh là VĐV Vàng Văn Cương giành giải nhì 10 triệu đồng và Thào Seo Lềnh, xã Tả Văn Chư (Bắc Hà) giành giải 3 với số tiền 7 triệu đồng. Sau chức vô địch, anh em Huỳnh, Cương hồ hởi chia sẻ: “chúng em sẽ chung tiền mua lợn về khao cả bản”.

Anh Nguyễn Văn Bình (du khách đến từ tỉnh Bình Dương) cho biết: Tôi đã được xem nhiều cuộc đua ngựa như ở trường đua ngựa Phú Thọ - TP Hồ Chí Minh, nhưng chưa bao giờ tôi có cảm giác thích thú, hào hứng, hồi hộp như được xem giải đua ngựa ở Bắc Hà lần này. Nhiều VĐV cưỡi ngựa không đóng yên, không đóng móng, VĐV không mặc các đồ bảo hiểm... nhưng đường đua lại có sự cạnh tranh khốc liệt. Nhiều tình huống dở khóc, dở cười như; ngựa không nghe lời chủ, khi có tín hiệu xuất phát rồi mà ngựa cứ đứng hý mà không chịu chạy, các đối thủ đã kết thúc hết vòng đua mà chú ngựa này vẫn chưa qua được vạch xuất phát; nhiều pha ngã ngựa của các VĐV lao cả vào khu cổ động viên...

Bà Bùi Thị Kim Dung- Phó Chủ tịch tỉnh Lào Cai cho biết: “Giải đua ngựa Bắc Hà đã khẳng định được thương hiệu độc đáo của tỉnh Lào Cai cũng như của khu vực miền núi Tây Bắc mà không nơi nào có được, thu hút được hàng vạn khách du lịch đến tham quan. Đồng thời giải đua ngựa là cách tuyên truyền, quảng bá du lịch tốt nhất cho du lịch địa phương. Giải đấu bảo tồn được các giá trị văn hóa truyền thống không bị mai một, đồng thời tạo nguồn thu nhập kinh tế cho người dân thông qua phát triển du lịch theo hướng bền vững”.

Bùi Thanh Hải

Bản quyền © Báo điện tử Thể thao & Văn hóa - TTXVN