Cận cảnh những samurai ở Fukushima

18/03/2011 13:44 GMT+7 | Trong nước

(TT&VH) - Bất chấp nguy cơ xảy ra cháy, nổ và nhiễm độc phóng xạ, một đội kỹ thuật viên nhỏ vẫn trở thành những cá nhân duy nhất ở lại xử lý sự cố tại nhà máy điện Fukushima và họ được xem là một trong những bức tường cuối cùng giúp ngăn chặn một thảm họa hạt nhân ở quy mô lớn.

>> Chuyên đề: Động đất, sóng thần kinh hoàng ở Nhật Bản

Được một số người gọi là samurai thời hiện đại, các kỹ thuật viên này đã trở lại làm việc vào cuối ngày 16/3, sau một đợt tăng mạnh phóng xạ buộc họ phải rời đến nơi an toàn trong nhiều giờ.

Đội đặc nhiệm Fukushima 50

Những người đang nỗ lực vật lộn với nguy hiểm để đảo ngược thảm họa có thể xảy ra tại nhà máy điện Fukushima Daiichi đã trở thành các anh hùng giấu mặt. Họ gồm khoảng 50 kỹ thuật viên, kỹ sư và công nhân nhà máy, được biết tới với tên “Fukushima 50”, đã phải làm việc thường trực dưới sự đe dọa nhiễm độc phóng xạ, cháy và nổ hình thành từ các lò phản ứng đang gặp vấn đề về hệ thống làm mát. ‘‘Tôi không biết phải nói thế nào nhưng họ giống như các chiến binh quyết tử trong trận chiến” - Keiichi Nakagawa, một giáo sư tại Khoa X quang, Bệnh viện Tokyo nhận xét.

Một người lao động ở Fukushima Daiichi trước khi tai nạn xảy ra


Thành viên của Fukushima 50 chia thành nhiều nhóm nhỏ, hoạt động liên tục theo các ca, mỗi ca dài từ 10 tới 15 phút. Trong khoảng thời gian làm việc, họ phải đi tới các khu vực chứa máy bơm nước biển vào các lò phản ứng đã quá nhiệt, vốn có nồng độ phóng xạ cao. Họ phải giám sát các máy bơm, đồng thời dập lửa cháy và dọn dẹp các mảnh vỡ hình thành từ các vụ nổ. Sau khoảng thời gian trên, họ phải về khu vực an toàn để những người khác lên thay, nếu không sẽ có nguy cơ bị nhiễm phóng xạ.

Hoạt động của Fukushima 50 hết sức khó khăn do họ còn phải đương đầu với tình trạng thiết bị hỏng hóc và thiếu điện. Để tới các máy bơm, họ phải chui qua một mê cung với đủ loại trang thiết bị và mảnh vỡ nằm lộn xộn trong nhà chứa các lò phản ứng, trong điều kiện không có ánh sáng. Phương tiện giúp họ nhìn đường chỉ là những chiếc đèn pin. Họ phải thở thông qua các mặt nạ phòng độc, vốn không hề dễ chịu, hoặc đeo bên người những bình oxy nặng trịch. Họ cũng buộc phải mặc các bộ đồ bảo hộ toàn thân màu trắng nhưng chỉ cung cấp sự bảo vệ hạn chế trước các tia phóng xạ vô hình. Công việc của họ diễn ra vô cùng nặng nhọc, nhưng gánh nặng đến từ sự kỳ vọng của dư luận Nhật Bản và thế giới về một kết cục tươi sáng cho thảm họa, còn lớn hơn rất nhiều.

Trong ngày 17/3, máy bay Nhật Bản đã đổ những quả “bom nước” xuống làm mát các lò phản ứng ở Fukushima Daiichi


Mấy chục người cứu hàng triệu người

Với khoảng hơn 700 đồng nghiệp đã được rút ra nơi an toàn, các kỹ thuật viên này đang phải chiến đấu đơn độc trên nhiều mặt trận chống lại sự tan chảy của các lò phản ứng. Người ta chỉ có thể phỏng đoán về điều kiện làm việc kinh khủng mà những con người này và các tình huống nguy hiểm mà họ phải trải qua.

Đầu tuần này, mức đo đếm cho thấy độ phóng xạ gần nhà máy đã tăng lên 400 millisievert/h, trước khi tụt xuống. Tuy nhiên các chuyên gia nói rằng nồng độ phóng xạ trong nhà chứa có thể cao hơn nhiều do cấu trúc của nó ngăn không cho phóng xạ thoát ra ngoài.

Andriy Chudinov, một trong những người lao động đầu tiên đi vào nhà máy điện Chernobyl trong năm 1986, đã nói rằng các đồng nghiệp của ông ở Nhật Bản hiện ở trong tình huống còn nguy hiểm hơn rất nhiều. “Họ là những người tốt. Họ đã phải đối mặt với tình hình tệ hơn chúng tôi. Họ đã bị sóng thần tấn công và giờ là vào lò phản ứng gặp sự cố. Đó là cơn ác mộng đối với mọi công nhân ở nhà máy điện nguyên tử” - ông nói.


Các nhân viên khác của Fukushima cũng như người dân Nhật chỉ biết nhìn họ bằng con mắt ngưỡng mộ. “Những người đang làm việc tại các nhà máy đó là các chiến binh không biết sợ hãi bỏ chạy” - Michiko Otsuki, một nhân viên ở nhà máy điện Fukushima Daini gần đó viết trên mạng xã hội Mixi của Nhật Bản - “Làm ơn đừng quên rằng có những người đang làm việc và đánh đổi mạng sống của họ để bảo vệ tất cả mọi người”.

Tiến sĩ Ian Haslam, lãnh đạo hoạt động nghiên cứu bảo vệ chống phóng xạ tại Đại học Leed nói rằng, càng ở lâu trong nhà máy, nhóm Fukushima 50 càng có nguy cơ nhiễm phóng xạ cao, dù họ đã làm việc theo nhiều ca và thường xuyên di chuyển giữa các vùng phóng xạ cao và thấp. Nhưng nếu nhóm này từ bỏ công việc của họ, thảm họa sẽ xảy ra. “Họ cần phải ở lại nhà máy để thực hiện các biện pháp cần thiết nhằm giữ nhà máy trong tầm kiểm soát” - ông nói - “Nếu họ bỏ đi, lò phản ứng sẽ ngày càng nóng, nguy cơ cháy nổ sẽ xảy ra và mọi chuyện sẽ thay đổi rất nhanh từ mức độ rò rỉ phóng xạ hiện nay, dù đáng lo ngại nhưng vẫn ẩn chứa các nguy cơ nhỏ, thành ra thảm họa đe dọa cả hiện tại và tương lai”.

Sẵn sàng ghép tủy nếu họ bị nhiễm phóng xạ

Công việc nặng nề và trách nhiệm của Fukushima 50 lớn như vậy nhưng cho tới nay Công ty Điện lực Tokyo (TEPCO) đã cung cấp rất ít thông tin về những người hùng thầm lặng này. Họ cũng không nói gì về việc nhóm Fukushima 50 có được đưa ra khỏi nhà máy nếu họ mệt hoặc ốm hay không. Các thông tin khác mà TEPCO cung cấp chỉ vẽ nên một bức tranh toàn màu xám. Tính tới nay đã có 5 lao động tại Fukushima Daiichi thiệt mạng kể từ khi động đất xảy ra, 22 người bị thương vì nhiều lý do trong khi 2 người mất tích.

Trong một động thái thể hiện sự ủng hộ các người hùng của Nhật Bản, 500 trung tâm ghép tủy xương ở dọc theo 27 quốc gia châu Âu đã ở trong tình trạng sẵn sàng cao để chữa trị cho các công nhân nhà máy điện Fukushima Daiichi, nếu mạng sống của họ bị đe dọa trong quá trình chống thảm họa. Tổ chức Máu và Ghép tủy châu Âu (EGBMT) đã đề nghị được chữa trị từ 200 - 300 người nếu cần thiết. “Nếu một người phơi nhiễm phóng xạ, bạn chỉ có từ 3-4 ngày điều trị trước khi bệnh tình của họ biến chứng, chuyển sang tình trạng nặng hơn” - Ray Powles, Chủ tịch Ủy ban Tai nạn nguyên tử của EGBMT nói - “Một khi nhiễm phóng xạ, họ hoàn toàn có thể được đưa ra máy bay tới thẳng châu Âu, nếu các bệnh viện ở Nhật Bản đã trở nên quá tải”.

Tường Linh

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm