Thiếu nhi “hát ké” bài người lớn

22/05/2011 16:52 GMT+7 | Âm nhạc

(TT&VH) - “Trong số bài hát cho nhà trường, thiếu nhất là bài cho học sinh phổ thông. Các em đang ở ngưỡng giữa thiếu niên và thanh niên, do đó không thích nghe bài thiếu niên nữa. Các em nhảy sang bài người lớn. Nhiều bài không trực tiếp cho tuổi hồng nhưng các em vẫn hát”- nhạc sỹ Hoàng Lân, Trưởng ban Sáng tác thiếu nhi của Hội Âm nhạc Hà Nội.

Trước tình hình này, ngày 24/5, Hội Âm nhạc Hà Nội phối hợp với Trường Đại học Sư phạm nghệ thuật trung ương tổ chức hội thảo khoa học “Ca khúc cho nhà trường phổ thông - Thực trạng và giải pháp”. Hội Âm nhạc Hà Nội cũng sẽ phát động cuộc thi sáng tác cho lứa tuổi này cùng ngày tại đây.

Ca khúc thiếu nhi là bài người lớn nối dài

“Ca khúc trong nhà trường thiếu mà thừa. Bài hay không có. Bài không hay lại nhiều” - nhạc sỹ Hoàng Lân nói. Đôi mắt ông như hướng về thời vàng son của những Em đi thăm miền Nam, Em bay trong đêm pháo hoa, Trái đất này là của chúng mình.

“Thời ấy, thanh thiếu niên có những bài hát được “đo ni đóng giày” cho lứa tuổi, thật phù hợp với tâm lý tình cảm của các em - ông tâm sự - “Giờ bài hát hay thiếu đến nỗi có những bài hay mãi đến vài chục năm. Mấy chục năm người ta vẫn hát. Cái đó cũng tốt thôi. Nhưng hát mãi rồi cũng chán, các em sẽ hát sang những bài mới khác. Bài không hay các em vẫn hát. Có điều, hát bài chán thì thẩm mỹ đi xuống”.

Bé Lon Ton biểu diễn bài người lớn. Ảnh chụp lại từ đĩa VCD


Như thế, theo nhạc sĩ Hoàng Lân, bài hát người lớn phải “mở rộng biên độ” để chung với trẻ. Các em hát Việt Nam quê hương tôi cũng rất tốt. Nhưng vẫn có bài phải riêng cho các em, để cho các em đỡ mơ hồ, chao đảo. Tâm lý tuổi này rất chông chênh.

Chính vì sự mở rộng biên độ này mà ông Lân không ít lần nghe thấy các em hát bài hát não tình, đặc biệt các em thiếu nhi ở khu vực phía Nam.

Về việc trẻ em “hát nhầm” tình ca, nhạc sỹ Hồ Quang Bình, Chủ tịch Hội Âm nhạc Hà Nội cho biết: “Thực ra, đối với tuổi trăng tròn viết thế nào rất khó. Bài hát cho các em thiếu tình yêu cũng không được, vì lớp mười đã bắt đầu yêu rồi. Nhưng nếu hát những bài tình ca cháy bỏng cũng thật nguy hại. Điều này làm tôi nhớ đến những bài hát về con dế vô tư, bài hát về cậu học trò đi theo bạn gái sau giờ tan trường. Cảm xúc đó thật thánh thiện, trong sáng. Nhưng dù thánh thiện, trong sáng nó cũng không thể tiếp tục mới đến hàng chục năm”.

Theo nhạc sỹ Hoàng Lân, “hát ké” bài người lớn, các em cũng nhiễm luôn phong cách người lớn. Trong đó có cả lối hát gào thét thường gặp trên các sân khấu ca nhạc hiện nay. Các em quen nghe những rock- pop sôi động, mãnh liệt nên không mặn mà với những bài hát mượt mà hiền lành. Điều này dễ dẫn đến phiến diện về cảm thụ.

Ngoài ra, còn một hiện trạng nữa là các em đang thiếu nghiêm trọng những bài hát dùng trong sinh hoạt tập thể những bài hát kiểu như Nối vòng tay lớn hay Như có Bác Hồ trong ngày vui đại thắng. Những bài hát nhà trường hay hiện đang lưu hành chỉ có thể biểu diễn trên sân khấu, hát với tốp - nhóm nhỏ, hoặc hát cá nhân mà không thể hát chung với cả một tập thể lớn.

Nhà trường lỏng tiêu chí

Trong khi bài hát trong nhà trường thiếu đủ đường thì lại có nhiều bài tình ca tràn lan trên băng đĩa khiến cho việc lựa chọn của các em trở nên nhiều ẩn họa. “Trước tình trạng CD âm nhạc như bát quái trận, chính UNESCO cũng khuyến cáo về việc âm nhạc tràn khắp nơi và trong nhiều trường hợp hết sức xô bồ, nặng tính thương mại” - nhạc sĩ Hoàng Lân nói - “Chính vì thế khi đưa vào nhà trường phổ thông phải chọn lựa. Nhà trường phổ thông phải có tiêu trí, nếu không học sinh sẽ tiếp cận lung tung”.

Nhạc sỹ Hồ Quang Bình cho biết sự tiếp cận “lung tung” này thể hiện rõ trong các hội diễn văn nghệ của trường phổ thông. Trong hội diễn chính thức, các em hát những bài rất hay. Âm nhạc đẹp. Ca từ trong sáng, giàu ý nghĩa. Nhưng ở chương trình liên hoan văn nghệ bên lề hội diễn chính, các em hát nhiều tác phẩm “cực kỳ vớ vẩn”. Nó chứng tỏ, phễu lọc của nhà trường và các em có vấn đề.

“Thời trước, giáo dục khá hoàn chỉnh đi kèm theo đó là môn giáo dục âm nhạc, mỹ thuật. Vì thế, thế hệ của chúng tôi rất thích âm nhạc cổ điển. Nếu trẻ được giáo dục âm nhạc cẩn thận, các em sẽ trân trọng âm nhạc. Nhờ đó, trẻ đề kháng tốt để phản ứng với những bài hát dở” - nhạc sĩ Hồ Quang Bình nói.

Ca khúc thiếu nhi thiếu đất “sống”

Sáng tác cho thiếu nhi không có nơi tiêu thụ nên ít ưu đãi vật chất. Tôi từng sáng tác nhiều bài hát thiếu nhi được đưa vào tuyển tập. Nhưng mỗi bài hát được in, tôi chỉ nhận 50 nghìn đồng nhuận bút. Như vậy, nhạc sỹ trẻ không mặn mà với việc sáng tác ca khúc nhà trường cũng không trách được.

Bài hát đã ít, việc phổ biến cũng ít. Hội nghệ sĩ hàng năm vẫn trao giải cho bài hát thiếu nhi nhưng không ai có trách nhiệm phổ biến cả. Còn mình tác giả thì làm sao phổ biển được.

Đài phát thanh là nơi chuyển tải ca khúc cũng không giúp gì nhiều cho nhạc sỹ. Hiện có tình trạng, nếu tác giả gửi ca khúc dạng bản nhạc đến thì việc phát là điều hy hữu. Còn muốn nhanh, ngoài chất lượng, tốt nhất tác giả hãy tự bỏ 5 triệu đồng thu đĩa rồi hẵng gửi.

(Nhạc sỹ Hoàng Lân, Trưởng ban Sáng tác thiếu nhi, Hội Âm nhạc Hà Nội)


Ngữ Yên

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm