Việt Tú: "Tôi không chảnh"

13/04/2011 08:07 GMT+7 | Âm nhạc

Chàng đạo diễn 34 tuổi nổi danh với việc dàn dựng các chương trình lớn cho biết, anh cố gắng để trở thành người chuyên nghiệp, dù sự kỹ tính khiến anh chịu không ít hiểu lầm.

Đạo diễn Việt Tú cho rằng, anh có được thành công vì gặp nhiều may mắn hơn người khác. Ảnh: Giang Huy.

* Sau “Con đường âm nhạc”, gần đây anh lại có một dự án dài hơi mang tên Music Space. Khán giả có thể chờ đợi gì ở chương trình này?

- Nói là mới nhưng cả êkíp đã chuẩn bị nó trong vài năm, từ khi chúng tôi tới khán phòng của Đại học Quốc gia - 19 Lê Thánh Tông, một trong 5 địa điểm còn bảo tồn được nguyên vẹn nét kiến trúc Pháp tại Hà Nội và nghĩ sẽ làm một chương trình thường niên theo kiểu âm nhạc gặp gỡ kiến trúc và văn hóa. Nhưng đó chưa phải lúc như các cụ nói: “Thiên thời - địa lợi - nhân hòa”.

Cả êkíp mong muốn ngoài việc tạo ra một chương trình tinh tế, đẳng cấp thì còn thay đổi được thói quen của người xem. Chúng ta nên bỏ tiền ra thay vì xem truyền hình trực tiếp, xem chương trình có vé mời vì như thế rất tội cho nghệ sĩ. Nghệ sĩ học bao nhiêu năm mới hát được một bài, chuẩn bị bao nhiêu lâu mới ra được một album. Tôi cho rằng, cái gì cũng từ hai phía. Nếu nghệ sĩ thuyết phục được rằng mình có chương trình hay thì khán giả mới bỏ tiền ra được.

* Số đầu tiên Music Space với hai gương mặt là Tùng Dương và Lê Cát Trọng Lý diễn ra vào 23-24/4 - bản thân anh đã chọn họ trước khi biết họ nhận được giải Cống Hiến. Anh nghĩ gì về sự khởi đầu quá may mắn của mình?

- Tôi nghĩ rằng, làm bất cứ điều gì cũng cần tính may mắn. Hiện tại cả êkíp rất vui vì việc Tùng Dương hay Lê Cát Trọng Lý được giải, cho thấy chúng tôi đã có những lựa chọn đúng. Hôm hai người đó được xướng tên trong lễ trao giải Cống Hiến, chúng tôi đã nhảy cẫng lên như trẻ con, chẳng cần chú ý có ai đang ở cạnh, cảm giác giống như trúng số vậy.

Chúng tôi không muốn làm những chương trình mang tính khu biệt. Như bạn biết, Tùng Dương, Lê Cát Trọng Lý là những người mà tên tuổi đã được khẳng định từ lâu. Bản thân chất lượng âm nhạc của họ được số đông khán giả thừa nhận. Tôi muốn chương trình này khán giả cả nước phải được xem, thậm chí là khán giả hải ngoại. Nghệ sĩ chắc chắn cũng không ai muốn khu biệt khán giả bởi nếu càng nhiều người xem, chứng tỏ sự thành công và sức hút của họ ngày càng lớn.

"Làm nghệ thuật là phải được thừa nhận chứ không phải để sau này mới được truy tặng" là quan điểm của lớp nghệ sĩ hiện đại như Việt Tú. Ảnh: VT.

* Chương trình của anh là chương trình hàng tháng, điều đó sẽ đặt ra bài toán làm sao để giữ sức hút lâu dài - ngoài ra, anh còn là một gương mặt đạo diễn đắt show. Anh tính toán thế nào để bảo toàn mọi việc?

- Đây là bài toán chúng tôi đã gặp trong “Con đường âm nhạc”. Hồi đó, chúng tôi còn bị động hơn vì phụ thuộc vào ngân sách nhà đài, còn bây giờ, tôi chủ động được nguồn vốn. Bản thân các nghệ sĩ chất lượng cũng ngày một nhiều - cả một thế hệ nghệ sĩ mới xuất hiện, những nghệ sĩ gạo cội thì đạt tới độ chín muồi.

Bản thân tôi xác định được cái gì là chính, cái gì là phụ. Ngày xưa, tôi quan niệm, nghệ sĩ một thời điểm chỉ làm được một thứ - bây giờ tôi cho rằng, người giỏi là người biết sắp xếp quản lý, cùng lúc làm được nhiều việc, mà việc nào cũng chất lượng. Bạn thử nghĩ xem, có những doanh nhân quản lý hàng chục tập đoàn trên thế giới, họ vẫn có thời gian dành cho gia đình, trong khi tôi chỉ có vài dự án.

* Năm năm trước, anh từng nói: “Tôi không cần tiền”. Đó là thời điểm anh đang trên con đường khẳng định tên tuổi của mình, còn hiện tại, khi được xem là đạo diễn sáng giá, lại đã có gánh nặng cơm áo, gạo tiền của người đàn ông trong gia đình, quan điểm của anh thế nào?

- Đó là câu người viết suy luận ra thôi. Điều này khiến tôi bị nhiều khách hàng hiểu lầm. Tôi cho rằng, tiền là sự trả công xứng đáng cho người nghệ sĩ. Tôi còn nhớ rất rõ, ý của tôi khi ấy là, tôi thấy may mắn vì tôi làm việc không cần phải căn ke đến chuyện cơm áo gạo tiền. Bây giờ, cuộc sống của tôi vẫn thế, nó cho phép tôi một tính toán đường dài, một sự tư duy rõ ràng mạch lạc thay vì phải làm tất cả công việc bằng mọi giá dù tôi đã có gia đình và hai đứa con.

Tôi thừa nhận may mắn đóng vai trò vô cùng quan trọng trong sự thành công của tôi. Tôi đi nhiều, gặp nhiều người và thấy họ nếu may mắn còn có thể thành công hơn tôi nhiều lần. Nhưng ở những thời điểm quyết định trong cuộc sống, họ không có những điều kiện như tôi.

* Một trong những may mắn của anh là khi bắt tay vào công việc đạo diễn, cha anh đã ủng hộ kinh tế cho anh. Bây giờ, sự hậu thuẫn của gia đình dành cho anh thế nào?

- Sự hậu thuẫn không còn ở hình thức ấy mà chuyển qua hình thức khác. Một người con trưởng thành phải phụng dưỡng bố mẹ nhưng bố mẹ tôi không bao giờ gây sức ép với những việc tôi làm. Mỗi khi tôi đi vắng quá lâu, bố mẹ tôi trông con cho tôi. Bố mẹ tôi không bao giờ dựa vào con cái mà tự lo cuộc sống cho mình. Đó đã là thứ vô cùng may mắn cho con người trong cuộc đời này bởi như ý chúng ta vừa đề cập đến, việc lo cơm áo gạo tiền người thân sẽ níu mình lại.

Còn trong cuộc sống vợ chồng, tôi cho rằng đó là một sự cộng sinh, cả hai người đều phải dựa vào nhau để sống. Nếu vợ tôi nhìn thấy ở tôi những tiềm năng, cô ấy sẽ giúp đỡ và tôi cũng vậy. Tôi có một gia đình mà tới lúc này, tôi không có gì để phàn nàn cả. Tôi cảm ơn cuộc sống đã cho tôi những gì tôi muốn và có thể thực hiện ước mơ.

Gương mặt khó đăm đăm của Việt Tú khi làm đạo diễn Hoa hậu Việt Nam 2010. Ảnh: Lương Trần.

* Không chịu sức ép kinh tế, có nghĩa là anh vẫn giữ thái độ “kỹ tính, cẩn thận và chảnh” như trước?

- Việc tôi kỹ tính sẽ là điều có lợi cho cả tôi và khách hàng. Tôi không bao giờ nhận việc mà bỏ giữa chừng. Tôi luôn đứng ở phía khách hàng để làm sao có một chương trình có lợi nhất cho họ, và sau đó mới là cho tôi và êkíp của mình. Nhiều khi chỉ là ngôn từ gây ra sự hiểu lầm. Tôi cố gắng trở thành người chuyên nghiệp chứ không cố gắng để trở thành một người chảnh.

Bài học đầu tiên khi tôi học trường Điện ảnh của Mỹ là bài học về quản lý chứ không phải bài học về ý tưởng, dù khoa tôi đăng ký là đạo diễn. Tất cả nghệ sĩ thành công trên thế giới là những nhà quản lý đại tài. Nghệ sĩ phải “bay” là quan điểm cổ điển. Người nghệ sĩ hiện đại, khi "bay" cũng phải tỉnh táo.

* Một Việt Tú từng đứng trên sân khấu Hoa hậu Việt Nam la hét và một Việt Tú ngoài đời có gì khác nhau?

- Việc bạn nói làm tôi cảm thấy rất xấu hổ. Lên sân khấu quát nạt mọi người không phải mong muốn của tôi. Tôi mong muốn trong một chương trình tôi có thể ngồi từ đầu tới cuối mà mọi việc vẫn diễn ra suôn sẻ nhưng điều đó chỉ có thể diễn ra với một mặt bằng showbiz phát triển. Điều tối kỵ của tôi là mang công việc vào cuộc sống riêng tư vì tôi luôn quan niệm, đó là hai mảng không liên quan gì tới nhau.

Tôi tự hào về những thứ tôi có và tôi hưởng thụ nó hàng ngày bất cứ khi nào có thể, vì tôi hiểu không dễ gì thành công trong một cuộc sống tốc độ chuyển động nhanh thế này, khi những đồng nghiệp cạnh tranh với mình xuất hiện thường xuyên, tài năng chẳng kém. Con tôi đến trường về khoe: Bạn con bảo bố vừa lên báo và cô giáo con nói rất thích những chương trình bố làm. Đó là những điều tôi có thể mang đến cho người thân của mình để trả lại những gì họ làm cho tôi trong cuộc sống. 

Theo Vnexpress

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm