Bạc đầu thăm lại Long Biên...

12/10/2009 10:46 GMT+7 | Văn hoá

(TT&VH) - Xin mượn câu thơ ngẫu hứng của thư pháp gia Hà thành Cung Khắc Lược làm tiêu đề cho bài viết này. Trong dịp Lễ hội cầu Long Biên tổ chức đúng dịp 999 năm Thăng Long vừa qua, giữa cầu Long Biên lộng gió, ông Lược đọc rồi phóng bút viết luôn lên cả khổ lụa trắng chăng dọc theo thành cầu. Những khổ lụa dài Ban tổ chức chuẩn bị sẵn để những ai có dịp về với lễ hội cầu Long Biên năm nay lưu bút: “Bạc đầu thăm lại Long Biên/ Như ta đôi lứa dịu mềm bên nhau”. Thoáng nghe qua tưởng thơ con cóc, nhưng thấy vẻ mặt ông xúc động. Ông đang nhớ lại mối tình với người con gái Hà thành năm xưa khi còn là một chàng trai mới bước vào đời...

Khổ lụa trắng dài gần chục mét, ông đã hứng bút theo lối thảo thư riêng biệt của mình, xả một hơi. Dòng thơ theo chữ tượng hình dài ra như cây cầu nằm vắt ngang sông đưa về kỉ niệm xưa khiến ông bùi ngùi ...


TS Cung Khắc Lược viết chữ trên cầu Long Biên

Một họa sĩ đọc câu lục bát để gỡ rối cho tâm trạng ông, nhờ ông nôm hóa lên mặt lụa “Hôm nay mùng Mười tháng Mười/ Ta đi lên phố với người ta yêu”. Ông khen hay quá, và cây cầu chữ thứ hai được hình thành trong chừng mười lăm phút.

Khách về chơi hội xuýt xoa, vòng trong vòng ngoài, nam thanh nữ tú và cả khách du lịch Âu châu cũng dừng lại ngắm nghía, giơ máy chụp hình ghi lại khoảnh khắc trên cầu mà mai này khó quên. Từ ngày cây cầu được sinh ra, chưa bao giờ nó được kết hoa chăng đèn cõng trên lưng mình cả một lễ hội hoành tráng vinh danh cái tuổi bách niên giai lão. Đoạn cầu nối vào nội thành được tạo hình thành rồng vàng bay thẳng vào ba sáu phố phường. Một sự trang điểm cầu kỳ chưa từng có từ ngày cây cầu xuất hiện đã hơn một trăm năm nay. Mỗi người đến với cây cầu trong ngày lễ hội này đều đem theo những kỉ niệm khác nhau. Một bác già có tấm áo lính sờn vai, bâng khuâng một mình trong đám nam thanh nữ tú ngược xuôi. Hỏi ra mới biết ông đã từng là lính cao xạ 12ly7 trụ trên đỉnh cầu trước những cuộc tiến công tàn bạo của giặc lái Mỹ trong chiến tranh phá hoại. Ông đến để tưởng nhớ những đồng đội đã hi sinh khi chúng đánh sập mấy trụ cầu. Một cụ già khác thì chỉ chăm chăm tìm xem có quầy văn hóa phẩm nào bán bức ảnh những tên lính Pháp cuối cùng giơ tay chào những người chiến thắng trước khi qua cầu sang sân bay Gia Lâm trở về cố quốc.

Một bà mẹ ngồi xe lăn đăm đắm nhìn xuống bãi sông Hồng, giọng chất chứa hồi ức: Khác quá, ngày xưa bãi bồi không lớn thế này, mà chỉ toàn lau sậy thôi. Ngày ấyCăn phải sông nước bạt ngàn. Bây giờ thì là ngô đậu bạt ngàn. Bà đã cố gắng từ xa về trong ngày hội này để ngắm một lần nữa cây cầu của thời con gái mà bà đã rời xa đến vài thập kỉ.

Mấy cụ cao niên khác từ Vĩnh Yên, Phúc Yên chỉ trỏ những bức ảnh tư liệu cây cầu trong những ngày rút ra ngoại thành lên Chiến khu năm 1946, vẻ mặt đăm chiêu..

Mới chín giờ sáng mà những tấm lụa dài chăng theo thành cầu đã dày đặc chữ kí và những dòng lưu bút của không biết bao nhiêu người dừng chân trên cầu sáng nay. Chữ Anh, chữ Pháp, chữ Tàu, chữ Hàn và nhiều chữ của các bạn nhiều nơi trên thế giới về cùng vui hội. Một không gian văn hóa thật tưng bừng trong sắc Thu lan trải dọc theo dòng Nhị Hà. Bất ngờ khi xuống chân cầu phía nội thành, tôi gặp bà Phạm Chi Lan và Tôn Nữ Thị Ninh trong một quầy bán áo phông. Hai bà cùng tham gia vào việc bán đồ lưu niệm thu tiền ủng hộ người dân bị bão lụt miền Trung. Một trăm ngàn cho một chiếc áo. Cuối buổi đảo lại thì được biết đã bán được năm chục cái. Trong vui chơi lễ hội, những người đồng hành với dân tộc cũng không quên chia sẻ với những vùng bị thiên tai.

Đỗ Đức

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm