Hầu đồng “xịn” và hầu đồng “thử nghiệm”!

28/07/2009 14:25 GMT+7 | Văn hoá

(TT&VH) - Nằm trong khuôn khổ lễ hội Lảnh Giang (diễn ra từ 23 đến 27/7 vừa qua tại Duy Tiên, Hà Nam), một "liên hoan hầu đồng" cũng được tổ chức với tên gọi đầy đủ là Liên hoan diễn xướng hầu thánh. Đây là lần thứ hai Viện Văn hóa nghệ thuật tổ chức một liên hoan như vậy (lần đầu là tại lễ hội Kiếp Bạc vào năm 2006). Tuy nhiên, trong lần tổ chức này, các diễn xướng hầu đồng đã được thêm vào một số yếu tố của nghệ thuật đương đại.

Các yếu tố đưa vào diễn xướng hầu đồng thuộc về nghệ thuật body art (vẽ lên mình người) và video art (sử dụng kĩ xảo video). Cụ thể, thay vì mặt chiếu, một màn hình phẳng và dày, có kính chắn được sử dụng làm “sàn diễn” cho các cô đồng. Trên mặt màn hình này là cảnh 3 chú rắn nở ra từ trứng. Với một số giá đồng cá biệt, “tứ trụ” ngồi 4 góc phụ đồng là những người được sơn, vẽ trên mình thay cho các bộ trang phục hầu đồng truyền thống. (Lý do của những việc này đều nằm ở huyền tích về đền Lảnh Giang, theo đó có 3 chú rắn hóa thân thành người anh hùng của làng).


Hầu đồng tại lễ hội Lảnh Giang

Tại các buổi diễn xướng hầu đồng, lượng khán giả tới xem đều rất đông và háo hức. Họ bị hấp dẫn bởi những nét độc đáo mà nghệ thuật đương đại mang lại. Tuy vậy, các nhà chuyên môn đang có những đánh giá khác nhau về việc này.

Gần đây, báo chí đã đưa về đề xuất đề cử hầu đồng là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại, và theo đơn vị tổ chức thì “lễ hội Lảnh Giang là cơ hội để hệ thống hóa tư liệu về loại hình di sản văn hóa phi vật thể này (hầu đồng)”. Vậy thì việc đưa body art, video art vào lễ hội như vậy có làm ảnh hưởng đến cái nhìn về một di sản văn hóa phi vật thể hay không? Bởi, theo công ước của UNESCO về một di sản văn hóa phi vật thể là: “Di sản văn hóa phi vật thể được các cộng đồng và các nhóm người không ngừng tái tạo để thích nghi với môi trường và mối quan hệ qua lại giữa cộng đồng với tự nhiên và lịch sử của họ, đồng thời hình thành trong họ một ý thức về bản sắc và sự kế tục, qua đó khích lệ thêm sự tôn trọng đối với sự đa dạng văn hóa và tính sáng tạo của con người”.

Dường như việc xuất hiện của body art, video art trong lễ hội này không chỉ khiến người ta quan tâm đến loại hình nghệ thuật mới này hơn mà ngay chính trong khâu tổ chức cũng đã làm mờ đi phần “lễ” với “hội”. Người ta liệu có quên đi rằng hầu đồng là một hoạt động tín ngưỡng dân gian, mang tính tâm linh cần diễn ra ở một không gian thiêng hay chí ít thì phải nâng cao sự trang trọng, tính thiêng ở phần lễ trước khi để phần hội diễn ra một cách tưng bừng với sự tham gia của những yếu tố nghệ thuật mới?

Nói công bằng, kể ra liên hoan hầu đồng lần này được mang cái tên là... Liên hoan diễn xướng “thử nghiệm” hầu đồng thì sẽ hợp lý hơn. Tạm bỏ qua những tranh cãi về việc “cách tân” như vậy có hợp với nguyên tắc của hầu đồng hay không, nhưng rõ ràng nghệ thuật hầu đồng đệ trình lên UNESCO (nếu quả thực có chuyện đó) thì phải là hầu đồng “xịn” chứ không phải hầu đồng “thử nghiệm”.

Ngọc Minh

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm