Văn học chiến tranh không dành cho nhà văn trẻ?

15/09/2008 02:10 GMT+7 | Văn hoá

(TT&VH Cuối tuần) - Được chú ý thời gian gần đây một phần với các đề tài “nóng” như đồng tính, tính dục, các nhà văn trẻ dường như xa lạ với đề tài chiến tranh. Văn học chiến tranh phải chăng không dành cho những nhà văn trẻ, những người không phải trải qua thời kỳ máu lửa chiến tranh? Hai nhà văn trưởng thành trong hòa bình tham gia trao đổi về vấn đề này gồm: Trần Nhã Thụy (1973, TP.HCM) và Nguyễn Đình Tú (1974, Hà Nội).

* Chiến tranh là một đề tài khá đặc biệt đối với văn học nghệ thuật ở Việt Nam nhưng các nhà văn trẻ hiện đã bỏ qua một “mảnh đất màu mỡ” này. Các anh có đồng ý với nhận xét đó không ?

Trần Nhã Thụy: Ở một khía cạnh nào đó, có thể nói chiến tranh là một đề tài hấp dẫn, cuộc chiến tranh Việt Nam (VN) lại càng hấp dẫn hơn bởi tính chất đa diện của nó. Bỏ qua đề tài này, có thể xem là bỏ qua một “cơ hội văn chương” quý giá của các nhà văn. Thú thật, cho đến gần đây tôi mới bắt đầu ý thức đến chuyện này. Chiến tranh, dù xảy ra ở đất nước nào cũng là sự bất thường, văn chương kỳ thực cũng là sự bất thường. Cho nên, tôi nghĩ đề tài chiến tranh VN sẽ không quá xa lạ đối với các nhà văn trẻ VN.
 
 Nhà văn Trần Nhã Thụy

Nguyễn Đình Tú: Dưới góc nhìn của một người biên tập văn xuôi ở Tạp chí Văn nghệ Quân đội, tôi không nghĩ đề tài chiến tranh ít được lớp trẻ quan tâm. Trong số hàng ngàn những sáng tác gửi về tham dự cuộc thi truyện ngắn của chúng tôi hiện nay, có rất nhiều những sáng tác về chiến tranh của những cây bút trẻ. Mới đây nhất chúng tôi đăng tải hai truyện ngắn về chiến tranh của hai cây bút thuộc thế hệ 8x, đó là truyện ngắn Những đứa con của mẹ của Thiên Di (sinh năm 1983) và Ngủ giữa hoa sen của Nguyễn Anh Vũ (sinh năm 1980) rất gây được sự chú ý và thiện cảm của bạn đọc.

Tất nhiên nhìn trên bình diện rộng hơn thì đề tài chiến tranh đang mất dần vị trí độc tôn, nhường cho nhiều đề tài khác. Đây là sự vận động hợp lý của dòng chảy văn học nước ta và tôi nghĩ đó điều hoàn toàn bình thường.

* Theo các anh nguyên nhân từ đâu nhà văn trẻ ngại đụng đến đề tài chiến tranh? Có phải vì không tham gia cầm súng nên ngại cầm bút?

TNT: Một nhà văn viết về buôn lậu không phải cứ là kẻ buôn lậu. Tương tự như vậy, chuyện có cầm súng tham chiến hay không không liên quan gì đến công việc viết văn. Tuy nhiên, ở đây có thể thấy sự “e ngại” của các nhà văn (không chỉ nhà văn trẻ) về đề tài chiến tranh là bởi lâu nay đề tài chiến tranh vốn vẫn được xem là “đề tài chính trị”. Các nhà văn thành danh nhờ tác phẩm viết về chiến tranh VN, hầu như cũng chỉ dừng lại ở mức độ minh họa, hoặc khắc họa những “khoảnh khắc anh hùng” trong chiến tranh, “nỗi đau đời thường” thời hậu chiến v.v…

NĐT: Cũng nên thống nhất lại khái niệm “đề tài chiến tranh” ở đây. Đề tài chiến tranh là viết trực diện về chiến tranh hay viết về nỗi đau hậu chiến, đặt chiến tranh trong thì quá khứ hay đặt nó trong thì hiện tại tiếp diễn? Từ đây mới có thể bàn thấu đáo được là các cây bút trẻ ngại đụng đến đề tài chiến tranh là ngại đụng đến khía cạnh nào của đề tài này?

Nếu là viết trực diện về chiến tranh thì không chỉ các cây bút trẻ mà các cây bút thuộc mọi thế hệ đều đã ít nhiều nhạt phai nhiệt huyết với đề tài này. Điều này dễ hiểu vì chiến tranh là mảng đề tài màu mỡ nhưng đã có quá nhiều người khai phá rồi thì cũng có nghĩa là nó đã trở nên “xương xẩu”.

Còn viết về chiến tranh trong tương quan với nhiều lĩnh vực khác của đời sống xã hội, với các trục thời gian và không gian đa chiều thì tôi nghĩ chiến tranh vẫn được khai thác khá đa dạng trong các sáng tác văn học. Nếu chúng ta đọc Kapkaz bên bờ biển của Murakami thì không ai bảo đó là tác phẩm viết về chiến tranh, nhưng lại hoàn toàn có thể chọn ra được những trang viết hay và ám ảnh về chiến tranh. Như vậy có nghĩa là tính đa đề tài trong một văn bản văn học có vẻ là điều mà các nhà văn đang hướng đến. Có lẽ chúng ta nên hy vọng chiến tranh được văn học khai thác theo hướng này, đặc biệt là với những cây bút trẻ.

Không cầm súng cũng là một lý do để các nhà văn ngại viết về đề tài chiến tranh. Nhưng cũng còn nhiều lý do khác nữa. Đó là sự nguội lạnh của độc giả trước những tác phẩm viết về đề tài này. Độ mở của các nhà quản lý trước những cách lý giải khác nhau của nhà văn khi khai triển đề tài. Những quan tâm thời đại không có chỗ dành cho cái gọi là chiến tranh.
 
 Nhà văn Nguyễn Đình Tú

* Nhà văn trẻ ít viết về chiến tranh có phải vì tưởng tượng kém (nói đúng hơn là kém tài) dù hiện thực thời hậu chiến của chiến tranh gần đây nhất chỉ mới kết thúc có hơn 30 năm vẫn còn nguyên trước mắt chúng ta ?

TNT: Tôi không nghĩ nhà văn Trung Quốc, Mỹ, Pháp… biết tưởng tượng còn nhà văn VN thì không. Nhưng cái khó ở VN là có nhiều chuyện “tưởng tượng cũng không ra” hay là “không dám tưởng tượng”.

NĐT: Chính vì chiến tranh mới kết thúc có hơn 30 năm nên người đọc nước ta vẫn còn bội thực những tác phẩm viết về chiến tranh. Suốt bao nhiêu năm ngồi trên ghế nhà trường chúng ta đã học về văn học chiến tranh. Bao nhiêu ngày lễ lớn trong năm là bấy nhiêu ngày tâm hồn chúng ta lại được khuấy động bởi các tác phẩm văn học nghệ thuật liên quan đến chiến tranh. Và đương nhiên là người ta có nhu cầu thoát ra khỏi nó. Trong khi đó đời sống hội nhập có bao nhiêu thứ để quan tâm. Nhà văn cũng theo tâm thế thời đại mình đang sống mà cầm bút, mà sáng tác. Tôi nghĩ đề tài chiến tranh bây giờ nguội đi là hợp lý. Nguội nhưng vẫn chảy trong dòng máu sáng tạo của những người viết trẻ thế hệ 7, 8x để vài chục năm nữa chúng ta lại có một sự trở lại thăng hoa và được mùa hơn trong đề tài này.

* Lâu nay, các tác phẩm văn học viết về chiến tranh ở ta, cụ thể là viết về hai cuộc chiến chống Pháp và Mỹ vẫn theo mô - tip “ta thắng địch thua”. Có phải vì vậy nên độc giả nhàm chán và chưa có tác phẩm vĩ đại xứng đáng với hàng triệu con người đã đổ xương máu xuống mảnh đất này, hay đúng hơn là chưa nói được số phận, tâm trạng của một dân tộc. Nếu viết về chiến tranh, các anh sẽ khai thác như thế nào để tác phẩm của mình “đọc được”?

 Tác phẩm của Nguyễn Đình Tú

TNT: Tôi thấy các nhà văn VN, trong đó có cả Bảo Ninh tác giả của Nỗi buồn chiến tranh rất nổi tiếng, khi nói về cuộc chiến tranh VN luôn có lời tiếc nuối rằng: “Cuộc chiến tranh dân tộc vĩ đại như thế, nhưng chúng ta thiếu những tác phẩm hoành tráng như Chiến tranh và hòa bình”… Tôi thì nghĩ khác, không phải cứ viết về một cuộc chiến “hoành tráng” là phải có một tác phẩm “hoành tráng”. Tôi từng đọc những tác phẩm viết về chiến tranh, không “hoành tráng” gì cả nhưng rất hay, như: Chuyến tàu đi Pakistan (của Khushwant Singt, viết về cuộc chiến vùng biên giới trong thời kỳ tách Đông Pakistan và Tây Pakistan ra khỏi Ấn Độ) Rừng thẳm (của Julien Gracg, viết về cuộc đổ bộ của Đức quốc xã vào Pháp năm 1939), Tuổi sắt đá (của J.M Coetzee, viết về cuộc chiến phân biệt chủng tộc ở Nam Phi), hay mới đây là tiểu thuyết Giữa lưng chừng thời gian (của David Bergen, viết về cuộc chiến tranh chống Mỹ của VN)…

Không phải là nếu, mà tôi đang hình thành ý tưởng viết về chiến tranh. Tôi sinh năm 1973, lớn lên trong hòa bình, nhưng tuổi thơ trải qua nơi làng quê vẫn còn in đậm dấu vết chiến tranh. Tôi sẽ bắt đầu bằng một chi tiết chiến tranh trong tuổi thơ. Tôi sẽ chú trọng đến cảm giác sống của những nhân vật.

NĐT: Tôi đã có một cuốn tiểu thuyết về chiến tranh, đó là cuốn Bên dòng Sầu Diện được tặng thưởng của NXB Thanh Niên và sau này NXB Quân đội nhân dân có in lại. Tôi tránh lấy bối cảnh hoành tráng của cuộc chiến ra làm đối tượng miêu tả mà thông qua một nhân vật trung tâm có vẻ như bị “trôi giạt” của thời cuộc để nói về chiến tranh. Nhưng tôi nhận thấy cách làm đó sẽ chỉ ra được một cuốn sách dành cho những người có thời gian nhàn tản, thích hồi tưởng quá khứ, có tâm hồn hoài cổ đọc thôi, lớp trẻ không dành cho nó sự lựa chọn đầu tiên của mình trước một quầy sách trăm hồng ngàn tía. Vì thế cuốn tiểu thuyết Nháp mới nhất của tôi vừa xuất bản, đã khai thác chiến tranh theo hướng khác, đặt nó trong trục quá khứ - hiện tại - hiện tại tiếp diễn. Và tôi vui mừng khi có bạn đọc nhận xét rằng Nháp không phải là tiểu thuyết viết về chiến tranh, nhưng ở trong đó có những trang viết ám ảnh về chiến tranh.

* Chúng ta là thế hệ sinh sau nên có quyền nhận xét, đánh giá thành tựu của nhà văn lớp trước. Nếu được chọn một tác phẩm viết về chiến tranh VN để “gối đầu giường”, các anh sẽ chọn tác phẩm nào, vì sao?

TNT: Những cuốn sách viết về chiến tranh mà tôi có điều kiện đọc và thích thú, tôi đã nêu ở trên. Còn tác phẩm viết về cuộc chiến tranh VN, tôi vẫn chờ đợi từ những nhà văn trẻ.

NĐT: Tôi thích rất nhiều cuốn sách viết về chiến tranh nhưng tôi lại phủ định ngay nó khi ngồi trước bàn phím để nghĩ suy về tác phẩm của mình.

Trần Hoàng Nhân (thực hiện)

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm