Tô Hoài - một người Hà Nội (Bài 2): Tô Hoài và một phong cách tiểu thuyết

13/10/2009 07:58 GMT+7 | Đọc - Xem

(TT&VH Cuối tuần) - Tô Hoài là cây đại thụ trong khu rừng văn học hiện đại Việt Nam, nói cho đúng hơn thì thế giới nghệ thuật của ông cũng là cả một cánh rừng với bao nhiêu loài thảo mộc lớn nhỏ, đa dạng về chủng loại. Nói đến Tô Hoài, người đọc nhớ ngay đến Tô Hoài của những sáng tác về Hà Nội, Tô Hoài với miền núi Tây Bắc, Việt Bắc, Tô Hoài của Dế Mèn phiêu lưu ký và những sáng tác cho thiếu nhi, Tô Hoài của hồi ký tự truyện... Ở phương diện nào, Tô Hoài cũng tạo lập được một giá trị riêng, một gương mặt riêng không thể nhòe lẫn. Trong cái thế giới nghệ thuật hết sức đa dạng ấy, về mặt thể loại, không thể không nói đến tiểu thuyết, bên cạnh truyện ngắn, hồi ký, bút ký, chân dung văn học.


 Ảnh: Nguyễn Đình Toán
Nếu tính về số lượng thì trong hơn 150 đầu sách của Tô Hoài, tiểu thuyết và truyện dài chỉ chiếm khoảng 15 cuốn, hành trình viết tiểu thuyết của Tô Hoài cũng trải dài trên suốt cả gần 70 năm viết của ông cho đến nay, kể từ tiểu thuyết đầu tay Quê người (1942) cho đến cuốn gần đây nhất: Ba người khác (2006). Với thể loại tiểu thuyết, nhà văn Tô Hoài từng được nhận những vinh quang và cả những cay đắng của người cầm bút: Quê người được Vũ Ngọc Phan đánh giá cao trong bộ sách Nhà văn hiện đại, tiểu thuyết Miền Tây đem đến cho Tô Hoài giải thưởng Hoa Sen của Hội nhà văn Á - Phi, nhưng Mười năm lại từng bị chỉ trích gay gắt của một số cây bút phê bình và giới lãnh đạo văn nghệ đương thời, còn một số tiểu thuyết được tác giả viết với nhiều tâm huyết, công phu và vốn sống thì lại gặp sự thờ ơ của dư luận.


Tô Hoài đến với tiểu thuyết khá sớm, ngay từ chặng đầu sáng tác: Quê người in năm 1942, cùng lúc với các tập truyện ngắn O chuột, Nhà nghèo, Giăng Thề .... cũng đều khai thác đề tài về cuộc sống và con người ở vùng quê ven thành của tác giả. Có thể nhận ra một đặc điểm này trong hành trình viết tiểu thuyết của Tô Hoài. Với cùng một đề tài, ông thường bắt đầu bằng những truyện ngắn, ký rồi mới tích tụ trong các tiểu thuyết.

Nếu các truyện ngắn là những mảnh nhỏ của cảnh đời, những ký họa chân dung con người, thì truyện dài và tiểu thuyết là cả một dòng sông cuộc đời trôi chảy của bao nhiêu sự việc, câu chuyện, đời người.

Nhìn đề tài, tiểu thuyết Tô Hoài có ba mảng lớn: Về Hà Nội (chủ yếu vùng quê ven thành) về miền núi (Tây Bắc, Việt Bắc), về thời huyền sử xa xưa của đất nước (khai thác các truyền thuyết, cổ tích) ngoài ra còn có một vài cuốn thuộc những mảng đề tài khác (Một mình kể chuyện, Ba Người khác). Tô Hoài là nhà văn của Hà Nội, không chỉ ở tập ký đặc sắc Chuyện cũ Hà Nội và những tâp truyện ngắn Nhà nghèo, Giăng thề, Người ven thành..., mà còn phần quan trọng là ở tiểu thuyết, trong đó có bộ ba tác phẩm về vùng ven thành quê ngoại nhà văn Quê người (1942). Mười năm (1958) Quê nhà (1980) nếu xếp theo thời gian lịch sử được miêu tả, thì trình tự sẽ là Quê nhà - Quê người - Mười năm.

Quê người là cuốn tiểu thuyết đầu tay, nhưng đã bộc lộ khá rõ cái “tạng” riêng của tác giả, những đặc điểm của cây bút văn xuôi Tô Hoài. Không có những biến cố lớn lao, xung đột xã hội gay gắt, cả truyện chỉ là những cảnh sống diễn ra thường ngày ở một vùng quê ven thành có nghề thủ công. Có chuyện làm ăn, đám cưới, đám giỗ, cảnh hội hè, đình đám, có đủ cả buồn vui, yêu đương, sum họp, chia lìa. Trên cái nền cảnh của cuộc sống đời thường ấy, là câu chuyện của mấy gia đình và hai đôi nam nữ: Hời - Ngây, Thoại - Bướm. Nhưng qua những bức tranh  sinh hoạt phong tục ấy, vẫn hiện lên rõ sự sa sút, tiêu điều của một vùng quê vào thời kỳ kinh tế khủng hoảng và cùng với đó là những kiếp sống quẩn quanh, buồn bã, bị dồn đẩy tới đói nghèo, ly tán, tha hương. Mười năm được Tô Hoài viết không chỉ bằng những hiểu biết mà cả những trải nghiệm, những háo hức, say mê bồng bột của một thời tuổi trẻ tác giả đến với phong trào cách mạng từ thời kỳ Mặt trận dân chủ đến Cách mạng tháng Tám. Trong những nhân vật Lê, Lạp, Ba, Trung - những thanh niên Làng Hạ được giác ngộ, tham gia phong trào cách mạng với những nhận thức quan niệm ban đầu còn khá đơn giản, có một phần bóng dáng của chính tác giả. Nhớ lại hồi 1958 - 1959, khi cuốn tiểu thuyết này mới ra mắt bạn đọc, tác giả đã phải hứng chịu không ít những lời phê bình, chỉ trích khá gay gắt từ một số nhà phê bình, về những cái gọi là “tự nhiên chủ nghĩa”, tầm thường hóa những người cách mạng, sa vào quan niệm “con người trung bình”.v.v... Đến thời kỳ đổi mới, tiểu thuyết Mười năm đã dần được nhìn nhận lại, để đánh giá đúng giá trị và cả những hạn chế của tác phẩm. Mười năm là một tiểu thuyết đạt được nhiều thành công cả ở phương diện tái hiện bức tranh xã hội và cả ở một số hình tượng nhân vật rõ nét, có sức sống. Quê nhà trở lại với một giai đoạn lịch sử đầy biến động trên đất nước ta, cũng như với Hà Nội: Khi quân viễn chinh Pháp tiến đánh và chiếm được thành Hà Nội, chúng cố mở rộng phạm vi chiếm đóng ra các vùng xung quanh, nhưng đã vấp phải sự kháng cự quyết liệt và bền bỉ của dân chúng, tập hợp trong các đội nghĩa binh hoạt động trên một vùng rộng lớn từ chân núi Ba Vì đến các làng ven thành Hà Nội. Trên cái nền cảnh bi tráng của một giai đoạn lịch sử, tác giả tập trung làm nổi bật hình ảnh của những nghĩa quân yêu nước, giàu khí phách và mưu trí.


Miền núi, nhất là Tây Bắc, đã trở thành một đề tài gắn bó lâu dài và nặng tình, nặng nghĩa với Tô Hoài sau nhiều tập truyện ngắn, bút ký rất thành công về miền núi. Năm 1967 Tô Hoài mới cho in tiểu thuyết Miền Tây. Cùng với vốn hiểu biết kỹ càng và nhiều mặt  về các dân tộc ở Tây Bắc, tác giả đã khai thác nhiều tư liệu lịch sử, chính trị, quân sự, với ý đồ dựng lại sự vận động của lịch sử qua những biến đổi của cuộc sống, con người ở vùng Phìn Sa. Cuốn tiểu thuyết trình bày những bức tranh đối lập của hai thời kỳ xưa và nay trong cuôc sống và số phận những con người miền núi ở một vùng xa xôi. Họ dàng ở Phìn Sa như là sự tiếp nối và mở rộng chủ đề của Miền Tây qua câu chuyện về lịch sử một dòng họ ở vùng đất ấy. Tiểu thuyết Nhớ Mai Châu đưa người đọc trở về với thời kỳ đầu cách mạng và kháng chiến hết sức căng thẳng, rối ren, phức tạp ở trung tâm xứ sở của người Mường.

Trong các truyện dài và tiểu thuyết của Tô Hoài còn phải kể đến bộ ba truyện viết về thời kỳ dựng nước từ xa xưa của dân tộc: Đảo hoang, Chuyện nỏ thần, Nhà Chứ. Những tác phẩm này khai thác các truyền thuyết, truyện cổ tích rất tiêu biểu và quen thuộc, nhưng đã được tác giả bổ sung, phát triển bằng những hiểu biết hết sức phong phú về phong tục, văn hóa cổ xưa và bằng trí tưởng tượng sáng tạo dồi dào.

Tiểu thuyết Tô Hoài là hình ảnh của dòng đời tự nhiên, chảy trôi miên viễn. Cuộc sống hiện ra dưới cái nhìn của Tô Hoài thật dung dị tự nhiên như nó vốn thế: có mọi thứ của sinh hoạt đời thường, vặt vãnh, cái tốt đẹp và cái tầm thường, có đời sống xã hội, vận động của lịch sử và đời sống thế sự, sinh hoạt phong tục. Cảm quan hiện thực đời thường và ngòi bút nghiêng về phong tục là đặc điểm riêng biệt của Tô Hoài, không chỉ trong tiểu thuyết. Tô Hoài vẫn được coi là nhà văn của những “chuyện thường, người thường, đời thường”. Nhưng cũng không vì thế mà lại không thấy ở tác phẩm của ông, nhất là tiểu thuyết, sự phản ánh những vấn đề xã hội và lịch sử, theo một cách riêng, xã hội và lịch sử được nhìn nhận được tái hiện trong những sự việc, chi tiết của đời sống sinh hoạt, thế sự, gắn kết tự nhiên với đời sống thường nhật, với công việc làm ăn, những buồn vui, đổi thay của số phận con người. Sự xen lẫn đan dệt một cách tự nhiên giữa những hoạt động cách mạng với những chuyện làm ăn, mưu sinh yêu đương, mọi tập tục quen thuộc trong đời sống một làng quê, đó chính là cái nhìn riêng của Tô Hoài trong tiểu thuyết Mười năm, làm hiện lên bức tranh đời sống nhiều mặt đa dạng, tự nhiên và rất thực. Nhưng ở Miền Tây, việc thể hiện những biến chuyển của xã hội, lịch sử và những đổi thay trong số phận con người còn khá giản đơn, một chiều.

Nhãn quan phong tục đem lại cho tiểu thuyết (và cả những thể loại khác) của Tô Hoài sức hấp dẫn riêng biệt và độc đáo. Đọc Tô Hoài, người đọc được tiếp xúc với vô số phong tục, tập tục từ sinh hoạt trong gia đình, trong nhà, đến những sinh hoạt cộng đồng, lễ hội, ma chay, cưới hỏi..., ở rất nhiều vùng, từ làng quê ven thành, vùng đồng bằng Bắc Bộ đến vùng đồng bào các dân tộc thiểu số ở miền núi, cả ở những xứ sở xa xôi ngoài bên giới. Bất cứ nhà dân tộc học, xã hội học nào cũng mong có được một vốn hiểu biết cực kỳ phong phú, sinh động như của nhà văn Tô Hoài. Trong những tác phẩm viết về thời dựng nước xa xưa, Tô Hoài tạo dựng được không khí và màu sắc huyền sử bằng những bức tranh chi tiết cụ thể sống động về phong tục, sinh hoạt, lao động của thời xưa cùng với những bức tranh thiên nhiên, trong thời kỳ mà bước chân và bàn tay khai phá của con người đang lấn dần từ vùng đồi núi xuống vùng châu thổ còn hoang sơ, rậm rạp, mênh mông, đến cả những hòn đảo ngoài biển (Đảo hoang, Nhà Chử).

Tiểu thuyết Tô Hoài thường có cốt truyện không phức tạp, cũng ít những sự kiện, biến cố quan trọng. Truyện cũng thường được trần thuật theo trình tự thời gian kể cả ở những tác phẩm dùng cách kể theo hồi tưởng của một nhân vật. Tô Hoài không hấp dẫn độc giả bằng các thủ pháp mới lạ trong cách viết, trong nghệ thuật kết cấu tác phẩm. Nhà văn cứ để dòng đời trên trang sách trôi chảy tự nhiên, nhiều khi khá lặng lẽ, với nhiều quãng dừng, mạch rẽ ở những chỗ miêu tả sinh hoạt, phong tục thiên nhiên. Mạch truyện vì vậy thường chậm, ít có những chỗ được đẩy tới căng thẳng, những cao trào. Người kể chuyện trong truyện của Tô Hoài cứ nhẩn nha, bình thản mà kể, mà tả. Nhịp điệu chậm trong tiểu thuyết của Tô Hoài có thể làm cho một số người đọc dễ sốt ruột, khó kiên trì theo cùng với tác giả trên hành trình của dòng đời và nhân vật. Đây phải chăng cũng là một đặc điểm khiến cho tiểu thuyết của ông khó đến được với một số người đọc. Nhưng vượt qua những hạn chế ấy, bạn đọc đến với tiểu thuyết Tô Hoài là đến được với những pho bách khoa thư về đời sống, cả hiện tại và xa xưa, ở nhiều vùng từ gần gũi đến xa xôi.

Tô Hoài là một cây bút có sức sáng tạo cực kỳ dồi dào, phong phú hiếm có. Tôi đã nhiều lần được gặp ông, hỏi chuyện ông, có cả những lần may mắn được ở gần ông trong những chuyến đi dài vào một số tỉnh phía Nam. Nghe cách nói chuyện rất tự nhiên, giản dị của ông, nhưng khi nào cũng cho thấy một sự hiểu biết hết sức phong phú, kỹ càng về đời sống, xã hội, với một sự lịch lãm, bình thản, pha chút dí dỏm, tinh quái, tôi vẫn không hết ngạc nhiên và thán phục về một năng lực sáng tạo, về sự tinh tường và trí nhớ kỳ lạ của Tô Hoài, một cây đại thụ độc đáo hiếm có trong làng văn Việt Nam.

Nguyễn Văn Long

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm