Hãy mang “Tết sách” về nông thôn

25/04/2011 10:47 GMT+7

(TT&VH) - Ngày hội đọc sách đầu tiên kết thúc thành công ngoài mong đợi. Từ nay, trong danh mục Tết của người Việt có thêm một cái Tết mới, diễn ra hàng năm vào ngày 23/4: Tết sách - Tết tri thức.

1. Nhớ lại cảnh tượng hàng nghìn người chen chúc nhau để nhận sách miễn phí (hơn 5.000 cuốn) vào giờ vàng (sáng từ 10 giờ - 11 giờ, chiều từ 15 giờ - 16 giờ) trong Ngày hội đọc sách, có thể thấy rằng, đó là chỉ số về nhu cầu đọc sách của người dân ngày càng cao. Có người xin để đọc, có người xin để biếu, có người xin để tặng và xúc động hơn, có nhiều người xin sách không phải để đọc mà gửi về cho người thân ở quê.

Vì sao nhu cầu này chỉ được thể hiện và “bùng nổ” mỗi khi sách giảm giá hoặc sách phát miễn phí? Hay khi đứng bên những quầy sách, ít thấy người lật dở xem qua nội dung cuốn sách hay tác giả sách là ai mà thường chỉ xem niêm yết giá ở bìa cuối rồi hoặc đặt sách xuống bỏ đi, hoặc ra nhời mặc cả (dù đã giảm giá)? Điều này không có gì là lạ vì nhu cầu đọc sách cao không có nghĩa người đọc cũng phải trả giá cao cho nhu cầu của mình, nhất là với nông dân, khi thu nhập của họ còn thấp hơn cả “giá bìa” một cuốn sách.

Rất đông người đến tham gia Ngày hội Đọc sách 2011 - Ảnh: Vũ Ngọc

2. Nước mình, như ai đó đã nói, có 3 chữ N (viết tắt của Tam nông): Nông nghiệp, Nông thôn, Nông dân. Trong đó, nông dân chiếm 80% dân số. Con người vừa là động lực, vừa là mục tiêu của sự phát triển, là trung tâm của chính sách. Nếu nông nghiệp phát triển, nông thôn khởi sắc nhưng nông dân lại khốn khó, vẫn hết thập niên này đến thập niên khác giữ vững con số 80% là nông dân,“bán mặt cho đất, bán lưng cho trời” thì mọi khẩu hiệu về sự phát triển chỉ là hình thức.

Thay vì đưa sách về nông thôn để qua sách nông dân có được tri thức thì hàng ngày, người ta lại đưa về những dự án lớn, nhỏ như sân golf, các khu công nghiệp, nhà máy mới... Từ đó thu hẹp dần quỹ đất nông nghiệp, khiến càng ngày càng nhiều người phải đổ ra thành phố kiếm việc làm, lang thang với đủ thứ nghề (trong đó có bán sách, báo dạo), thì mơ gì đến chuyện mua sách để đọc, để lẩy ra những tri thức họ cũng rất cần ở trong sách?! Và dù, có được ít tiền đền bù cả đời mơ không thấy, nhưng “tiền vào nhà khó, như gió vào nhà trống”, người dân cũng phải dùng tiền đó để mở mang cơ nghiệp dài lâu, ai dám “đầu tư mạo hiểm” vào sách? Bên cạnh đó, bản thân nhiều trí thức còn lười đọc sách, thậm chí còn muốn bỏ phố về nông thôn “giả làm nông dân” thì đông đảo người dân xa lạ với sách cũng là điều dễ hiểu. 

3. Thay vì mời bạn bè đến nhà khoe một tủ rượu, hãy khoe với bất kỳ ai về một tủ sách, và mời họ đến đọc nếu có thời gian. Thay vì khoe với bạn bè một bộ thảm chùi chân được nhập khẩu từ nước ngoài, hãy giới thiệu cho họ một cuốn sách hay, có hàm lượng tri thức hữu ích dù được in ở thời cổ đại. Ngày lễ, tết, thay vì dấm dúi phong bì, khệ nệ với những giỏ rượu tây, bánh mứt... hãy ôm trên tay dù chỉ một cuốn sách để tặng nhau có lẽ sẽ lành mạnh hơn nhiều.

Tất cả là do tri thức, từ tri thức. Trên 80% tri thức được nạp vào não bắt nguồn từ sách. Đó là thứ tài sản duy nhất của con người không bị mất đi, hoặc chỉ chuyển “từ đầu người này sang đầu người khác” thông qua sách. Thời vua Minh Trị đã chọn những cuốn sách tốt nhất của nhân loại để đưa vào Nhật, tạo cơ sở cho cuộc bứt phá kỳ diệu của đất nước này, thì cớ gì ngay nay, bằng tri thức có từ sách, chúng ta không làm ra được những cuốn sách tốt, đưa tri thức đến toàn dân như hạt gạo, bát cơm, cái bánh, cái kẹo để khi cần toàn dân có thể ăn, có thể đọc, để người dân (nhất là nông dân) phát huy được trí lực của mình, không tụt hậu trong thời hội nhập.

Huy Thông

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm