Nhà văn Nguyễn Nhật Ánh ra mắt "Lá nằm trong lá"

06/10/2011 10:44 GMT+7 | Đọc - Xem

(TT&VH) - Sáng 5/10, tại 12 Phạm Ngọc Thạch, Q.3, TP.HCM, nhà văn Nguyễn Nhật Ánh đã có buổi ra mắt và chính thức phát hành tác phẩm mới Lá nằm trong lá (NXB Trẻ).

Cũng như nhiều tác phẩm khác của Nguyễn Nhật Ánh luôn được độc giả tuổi mới lớn mong chờ, Lá nằm trong lá in lần đầu 10 ngàn bản bìa mềm và 3 ngàn bản bìa cứng. Dù in với số lượng nhiều như vậy, nhưng thông tin từ NXB Trẻ cho biết, Lá nằm trong lá đã được bạn đọc đặt mua hết và sách được tái bản ngay trong ngày ra mắt 5/10.

TT&VH có cuộc trò chuyện về tác phẩm mới đang “hút” độc giả với nhà văn “best-seller” Nguyễn Nhật Ánh.

Bút nhóm Mặt Trời Khuya

* Mở đầu Lá nằm trong lá thấy anh đề tặng “các văn hữu thuở học trò” in kèm 10 chân dung và bút danh lạ hoắc, 10 nhân vật này có phải là nguồn cảm hứng để anh viết Lá nằm trong lá?

- Không phải như vậy. Lúc viết Lá nằm trong lá, tôi không nghĩ đến chuyện đó. Tôi chỉ viết lại những kỷ niệm thời học trò của tôi, xoay quanh chuyện một nhóm bạn bè yêu văn chương, rủ nhau thành lập bút nhóm. Tất nhiên truyện có hư cấu thêm thắt nhiều. Bút nhóm Mặt Trời Khuya thời học trò của chúng tôi là có thật. Trong thực tế tôi là người thành lập và làm trưởng bút nhóm này ở trường Tiểu La (huyện Thăng Bình, Quảng Nam) vào năm học lớp 9. Anh em trong bút nhóm có tham gia cộng tác với vài tờ báo ở Sài Gòn trong thời kỳ đó.

Khi viết xong Lá nằm trong lá, nhớ lại lúc ngồi tán gẫu với nhà thơ Lê Minh Quốc, Đỗ Trung Quân, Vũ Trọng Quang, Nguyễn Thái Dương bên bàn rượu, nhắc đến chuyện bút nhóm học trò và cách đặt bút danh “hoành tráng” hồi xưa, tự nhiên tôi cao hứng đề tặng các văn hữu mà tôi biết bút danh thời học trò của họ - như một cách cùng nhau ôn lại kỷ niệm. Tôi điện thoại hỏi từng người, rất vui khi thấy ai cũng hào hứng với ý định của tôi.

* Trong 10 chân dung này, bút danh Hoàng Linh Vũ của Huỳnh Văn Hoa khá xa lạ với người đọc sách hiện nay. Xin anh giới thiệu thêm về nhân vật này!

- Huỳnh Văn Hoa, cũng như nhà báo Nguyễn Công Khế (nguyên Tổng biên tập báo Thanh niên), nhạc sĩ Phan Văn Minh (tác giả ca khúc nổi tiếng Cả nhà thương nhau) là thành viên của bút nhóm Mặt Trời Khuya, cũng là bạn cùng lớp với tôi thời trung học. Huỳnh Văn Hoa thuở học trò viết văn, làm thơ rất hăng, sau này không đi theo con đường văn nghệ, hiện ông là Giám đốc Sở Giáo dục TP Đà Nẵng.

“Chuyển thơ” thành… truyện

* Trong tờ lá dùng để đánh dấu các trang sách khi đọc Lá nằm trong lá có in một bài thơ của anh. Xin hỏi anh làm bài thơ này trước khi viết Lá nằm trong lá hay viết xong cuốn truyện mới “nảy hứng” làm bài thơ nhằm“khuyến mãi” bạn đọc?

- Bài thơ này tôi sáng tác đã lâu, cách nay khoảng 10 năm. Tôi thích bài thơ này, từng đưa vào truyện Những cô em gái như một chi tiết phụ. Ở cuốn sách Lá nằm trong lá, bài thơ này đóng một vai trò quan trọng hơn, thậm chí một câu thơ trong bài được dùng làm tên truyện.

* Với những người đã qua tuổi “teen” và đọc Nguyễn Nhật Ánh khá kỹ, phần nhiều họ thích thơ anh hơn thích truyện. Theo anh, những người thích thơ hơn truyện Nguyễn Nhật Ánh có phải là thiểu số? Khi mới cầm bút sáng tác, anh làm thơ hay viết văn trước, tại sao?

- Thuở tập tễnh đi vào con đường sáng tác, 90% các cây bút đều bắt đầu bằng thơ. Đó là tôi nói dè dặt, có khi 100% không chừng! Đối với người Việt Nam, thơ là một điều gì quá quen thuộc, gần gũi. Chẳng học sinh nào mà không thuộc vài bài thơ, câu ca dao. Nên làm thơ là một thao tác tự nhiên, lại thuần cảm xúc, không phải gắng công như viết văn xuôi. Hay dở là một chuyện khác, nhưng khi nói đến văn xuôi là nói đến bố cục, kịch tính, đường dây, tình tiết, nhân vật, nghe nó nhiêu khê rắc rối quá.

Thơ thì bất cứ người Việt Nam nào cũng làm được dăm câu, nếu muốn. Thơ là tôi viết cho mình, tức là cho đối tượng “người lớn”, nên người lớn đồng cảm và thích thơ tôi là điều dễ hiểu. Truyện là tôi viết cho đối tượng thanh thiếu niên, các em thích cũng là điều dễ hiểu, còn người lớn nếu có người không thích thì cũng... dễ hiểu không kém. Rõ ràng đó là hai thế giới khác nhau!

Nguyễn Nhật Ánh từng ký bút danh “rất sến”

Mở đầu Lá nằm trong lá in 10 hình chân dung do họa sĩ Hoàng Tường “hí họa” các “văn hữu thuở học trò” của Nguyễn Nhật Ánh. Những văn hữu này gồm các nhà văn, nhà báo mà khi nhắc đến tên có nhiều người biết. Nhưng đây chỉ là tên gọi nổi tiếng của họ, còn thời học trò họ ký các bút danh nghe sặc “mùi kiếm hiệp”, “rất sến” hoặc “rất ngông”. Chẳng hạn nhà báo Kim Hạnh (nguyên Tổng biên tập báo Tuổi trẻ) có bút danh là Tiêu Phong, Nguyễn Công Khế là Thương Việt Linh, Bùi Chí Vinh là Trần Đại Việt, Nguyễn Thái Dương là Nguyễn Mặt Trời, Nguyễn Đông Thức là Long Nhi, Lê Minh Quốc là Thiên Bất Hủ, Vũ Trọng Quang là Vũ Thị Phù Sa... Và Nguyễn Nhật Ánh cũng có bút danh danh rất sến là Hoài Mộng Diễm Thư.

Những bút danh “hoành tráng” nhưng ít người biết thuở học trò của các nhà văn, nhà báo nổi tiếng được Nguyễn Nhật Ánh “tiết lộ” trong Lá nằm trong lá.

Hoàng Nhân (thực hiện)

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm