Đọc "Dòng nhớ" của Nguyễn Ngọc Tư

04/08/2008 17:20 GMT+7 | Entry của bạn


“ Dòng nhớ”

“… Ôi những dòng sông bắt nước từ đâu

Mà khi về Đất Nước mình thì bắt lên câu hát...”

Vâng, trên những dòng sông quê hương ngày ngày vẫn âm vang tiếng hát, tiếng hát cất lên trong đầm đìa những giọt mồ hôi, tiếng hát xua đi những nhọc nhằn cho bao mảnh đời cơ cực, chở dùm những nỗi riêng tây, rồi cũng có tiếng hát lặn vào lòng miên man như “dòng nhớ”.

Tôi không biết mình đọc truyện ngắn này bao nhiêu lần rồi, rưng rưng, nghẹn ngào với nó bao nhiêu lần rồi! Nhưng lần nào cũng thế, đọc xong, tôi nhớ lắm dòng sông quê ngoại, nước đục ngầu một sắc phù sa, ngọt ngào như dòng sữa, có lẽ nó cũng như “Dòng nhớ” của Nguyễn Ngọc Tư, hiền hòa, tha thiết chảy… Hai bên bờ là những bến sông, mỗi bến có một cái tên riêng, bến nhà tôi là bến Cây Xoài Quỳ, gọi như thế vì cây xoài cổ thụ này ngã ra sông như đang quỳ, hướng về dòng sông mà ngóng đợi. Nó là một nơi lý tưởng để ngồi giặt áo mỗi khi nước lớn, để đong đưa nhìn bóng mình trên làn nước, thấy tóc bay giữa lồng lộng gió hè.

“Dòng nhớ” mang về một bến sông có mấy cây tra bông vàng như mật, có hàng mắm già, có đám dừa nước, bụi lức dại và cả những hoa nắng đậu trên mái tóc của một ông già – người giấu trong lòng một mối tình da diết như dòng nước ngày ngày trôi ra biển rồi lặng lẽ quay về vì không nỡ rời xa…

Có lần bạn tôi đã cho tôi một phát hiện: Trong câu chuyện này không có người xấu, không có người ác, ai cũng tốt cả, mọi người thương quý, yêu mến nhau, vì nhau đến cạn cuộc đời, vậy mà họ lại làm khổ nhau… Ồ! Quả là như vậy! Có khi trong đời, mỗi chúng ta đã làm khổ những người xung quanh bằng chính tình yêu của mình.

Bởi tình yêu và nỗi đau thì không biết lấy gì mà đong đếm nên tôi không rõ ai yêu nhiều hơn, đau nhiều hơn trong câu chuyện này. Đó là người mẹ đến cuối đời vẫn không nguôi câu hỏi: “Vậy ra má đã làm sai cái gì?”. Đó là người vợ, cứ tần ngần, ngẩn ngơ dưới những bến sông để tìm kiếm một cách vô vọng “tình địch” của mình, cuộc tìm kiếm diễn ra hơn mười mấy năm và cứ thế, vẫn tiếp tục như dòng sông vậy, không ngừng trôi chảy. Tìm để làm gì? Chỉ để thực hiện nỗ lực cuối cùng cho ấm lòng người quá cố, cho chấm dứt cái cảnh ông nằm bên bà mà lòng cứ hướng về sông, để nói một câu “Nếu sống mà không gần được, chừng nào chết,mời dì lên nằm trên đất vườn tôi”. Đó là người chồng cứ chong mắt theo ngọn đèn đỏ ối, buồn hiu và tiếng gàu tát nước cọ vô xuồng xao xác…với đốm lửa đỏ trên đầu điếu thuốc (hay đốm lửa cứ rực lên trong tim?) vào những đêm gió lớn… Hay đó là người đàn bà mang tên dòng sông “Giang”, có cuộc đời như dòng sông “ba chìm, bảy nổi, chín lênh đênh”, một cuộc đời mà sự thiếu thốn về vật chất – “chiếc áo bà ba mỏng te, nhiều mụn vá” “ tóc đã bạc nhiều, lơ thơ…”, “khuôn mặt đen sạm, nhăn nheo”, “đồ đạc món nào cũng nhỏ nhắn, tuềnh toàng” – không có ý nghĩa gì so với những mất mát trong tình cảm - ít ra hai người đàn ông đã lặng lẽ rời khỏi cuộc đời bà, một đứa con gái nhỏ đã trôi theo dòng nước và những tháng ngày còn nguyên một gia đình đã thoảng qua như sương… người đàn bà ấy lại cứ ngoảnh nhìn về phía sau lưng (trong khi ông trời cho cấu tạo đôi mắt của con người ở đàng trước!). Sao bà cứ cày xới lên vết thương của chính mình và những người thân yêu khác? Có những lời của bà khi nhìn mớ quần áo của chồng, con mà nói (tôi muốn diễn đạt kiểu Nguyễn Ngọc Tư) nghe nhẹ hều mà tủi vô phương: "Chồng tôi... tôi chỉ còn giữ lại bao nhiêu đây thôi. Chị coi, tôi khùng hôn, không giặt thì không được mà giặt hoài, tới hơi chồng cũng bay, tôi cũng quên mất rồi...".

Hãy cùng tôi đọc đoạn này:
"-Tại tôi nhiều chuyện làm chị thêu không xong...
- Không, người đàn bà cười, nét mặt thốt nhiên buồn bã, tôi thêu cho hết đêm, xong rồi lại tháo chỉ ra thôi, tôi sợ, nếu không làm gì, tôi... tôi sẽ nhớ chồng con tôi rồi mắc... khóc, cầm lòng không được. Mà, đàn ông chịu cực khổ nhiều lắm rồi, lấy nước mắt trói buộc họ nữa, tội họ lắm, chị à."

Thế đấy, nỗi đau trong câu chuyện thật nhẹ nhàng không làm xé lòng ai cả nhưng nó lặn vào trong , êm êm, như một vật gì bén lắm cứa khẽ vào tim, chưa kịp nghe đau thì rỉ máu.Trong thế giới của “Dòng nhớ”, hình như tình yêu không kết thúc cùng đời người, nó chỉ biến đổi về hình thái, con người mất đi nhưng tình yêu thì vẫn tồn tại, vẫn tái sinh …

Xếp sách lại rồi, sao tôi cứ nghe đâu đây tiếng hò cất lên khắc khoải – như đời thương hồ - trong bàng bạc gió, trăng:

“ Bớ chiếc ghe sau, chèo mau em đợi
Cho khỏi khúc sông này bờ bụi tối tăm……”

Lê Uyển Văn

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm