Cụ Rùa muốn có bãi nghỉ

12/02/2011 14:35 GMT+7 | Văn hoá

(TT&VH) - Như TT&VH đã phản ánh, bức ảnh cụ rùa bấu chân lên bờ bê tông ở hồ Gươm với bàn chân và thân hình nhiều vết lở loét đã làm chấn động lòng người. Cụ muốn nói, điều gì, tại sao?

Hôm qua, phóng viên TT&VH đã trao đổi với ông Nguyễn Ngọc Khôi, Phó trưởng ban thường trực Hội Bảo tồn Sinh thái Hà Nội, đồng thời là chủ doanh nghiệp nuôi rùa. Ông Khôi cho biết, ông cũng vừa có chuyến đi thuyền khảo sát xung quanh hồ. Theo ông, thòi tiết đang bắt đầu nóng lên, trên người cụ rùa có rất nhiều nấm, trùng roi ký sinh, vì thế cụ phải liên tục nổi lên, thậm chí bám vào bờ để “phơi nắng”.


Cụ rùa bấu chân lên bờ như muốn nói điều gì? Ảnh: Hải Lê

Nếu cụ phơi nắng được liên tục khoảng 2 tiếng/ngày thì sẽ “tiêu diệt” được 70% số nấm ký sinh trên mình. Nhưng hơn chục năm qua, từ khi bờ hồ được “bê tông hóa” với vách xi măng quá cao, cụ rùa đã hết cách để có chỗ nghỉ ngơi. Còn ở đảo rùa giữa hồ thì sao? Đứng trên bờ thì có cảm giác đảo rùa xanh  mướt, là bãi nghỉ lý tưởng nhưng thực tế, ven đảo là dải bê tông lổn nhổn với rất nhiều gạch đá vương vãi, gây cản trở cho cụ khi muốn bò lên đảo để phơi nắng, thậm chí sẽ để lại nhiều vết xước trên mình, nếu cụ cố sức leo lên.

Chính vì vậy, trong cuộc họp vào ngày 15/2 tới đây do UBND TP. Hà Nội tổ chức để bàn cách “cứu” cụ rùa, ông Khôi sẽ kiến nghị cần khẩn cấp dọn sạch các chướng ngại vật quanh đảo rùa, và đổ cát xuống để tạo những “bãi nghỉ” cho cụ.

Chỉ bằng cách đó thì toàn bộ nấm và ký sinh trùng trên người cụ mới bị tiêu diệt, và như thế, sức khỏe của cụ sẽ được cải thiện ngay. “Nếu cụ còn có khả năng thì bãi cát còn là.... bãi đẻ của cụ nữa - ông Khôi hy vọng - hiện tại, quanh hồ không có vị trí nào thuận lợi cho cụ rùa đẻ trứng cả.

Phải chăng cụ rùa muốn có bãi cát để phơi nắng như trước đây? Ảnh: Internet

Sở dĩ ông Khôi hy vọng bãi cát còn là “bãi đẻ” của cụ rùa, vì các đợt khảo sát bằng thuyền trên mặt của hồ của ông liên tục trong thời gian qua cho thấy, hình như hồ Gươm có... hơn một cụ rùa. Tức là cụ có bạn. Đây là thông tin mà ông Khôi đưa ra một cách thận trọng nhưng chắc chắn, xuất phát từ những kinh  nghiệm của mình, chứ không phải “đoán mò”. “Tôi đã nuôi hơn 40 chú rùa lớn, với trọng lượng từ 10kg trở lên trong nhiều năm, tôi rất hiểu tập tính của loài rùa. Bằng việc quan sát “tăm rùa” nổi lên mặt nước tôi có thể phán đoán được sự tồn tại, kích cỡ, cũng như hướng di chuyển của rùa dưới nước. Khi đi thuyền trên hồ Gươm tôi đã sử dụng kinh nghiệm đó. Tôi tin rằng, dưới lòng hồ Gươm, ngoài cụ rùa mà chúng ta biết (do cụ già hơn và thường xuyên nổi lên) thì có thể còn cụ rùa nữa, nhỏ hơn, và thường xuyên “di chuyển” theo con thuyền của chúng tôi. Tôi đã trao đổi điều này với PGS-TS Hà Đình Đức, ông chưa tin, và nói “phải nghiên cứu đã”. Đúng vậy, muốn  biết sự thật phải làm cuộc điều tra thực tiễn.

Theo ông Khôi, nếu có bãi cát cho cụ rùa, thì việc “kiểm đếm” số rùa trong hồ sẽ tương đối dễ dàng. Với tư cách là chủ doanh nghiệp, ông Khôi đề xuất tài trợ để lập ban (hay văn phòng) nghiên cứu rùa hồ Gươm, do ông “trả lương” để một nhóm các nhà nghiên cứu có thể đảm trách việc này. Ông cũng sẵn sàng tài trợ để thiết lập một hệ thống quan sát điện tử nhằm “truyền hình trực tiếp” hoạt động của cụ rùa ở những vị trí cụ thường nổi (và cả ở tháp Rùa) nhằm phục vụ việc nghiên cứu.

Cái vướng, theo ông Khôi chính là ở sự quyết tâm. Việc diệt rùa tai đỏ đã được nhất trí từ hơn tháng nay, nhưng cho đến bây giờ đã triển khai bắt được bao nhiêu con rùa tai đỏ rồi? Mà theo ông Khôi thì với tình trạng cụ rùa bị nấm cũng như bị thương tích như hiện nay, thì các loài cá hiện có ở hồ Gươm như cá chép, trôi, rô phi sọc cũng có thể tấn công cụ rùa, và mức độ đe dọa của chúng (ví như rô phi sọc) thì còn được xếp trước rùa tai đỏ nữa kia.

Cụ rùa muốn nói gì với chúng ta khi bấu chân lên bờ? Có thể là cụ cần một bãi cát để nghỉ ngơi như ông Khôi phán đoán, và có thể cùng với đó, cụ còn muốn chúng ta phải hành động quyết liệt hơn nữa trong việc cứu cụ?

Nguyễn Mỹ

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm