Nghệ sĩ Bùi Công Duy luôn sống là chính mình

21/12/2011 13:20 GMT+7 | Âm nhạc

(TT&VH) - Diễn ra vào đúng lễ Noel 2011, Không gian âm nhạc số 9, được tổ chức vào 20g ngày 24 - 25/12 tại khán phòng Ngụy Như Kon Tum (19 Lê Thánh Tông, Hoàn Kiếm, Hà Nội), lần đầu giới thiệu một tài năng âm nhạc cổ điển: nghệ sĩ vĩ cầm Bùi Công Duy.

Khi phóng viên đến gặp Bùi Công Duy thì anh vẫn còn chưa hết giờ lên lớp với học sinh, dù lúc đó đã 6g tối. Anh chia sẻ, đang phải thực hiện các chương trình lớn nhỏ dịp năm mới mà vẫn phải đảm bảo việc giảng dạy ở trường nên khá bận.

Đang rất hào hứng

* Anh có thể nói gì về sự có mặt của mình trong chương trình Không gian Âm nhạc (KGAN) số 9 diễn ra vào ngày 24 - 25/12?

- Tôi đang rất hào hứng vì đây là số khá đặc biệt của KGAN từ trước đến nay. Chương trình diễn ra vào đúng dịp lễ Noel nên chủ đề của chương trình khá tưng bừng, vui vẻ. Hơn nữa, các nghệ sĩ tham gia trong chương trình lần này sẽ là 4 gương mặt (bình thường là 2), khá là phong phú về màu sắc cộng với sự cộng tác rất ăn ý của ê-kíp đạo diễn Việt Tú. “Décor” của chương trình đêm Noel 2011 sẽ rất đặc biệt dành tặng khán giả. Hiện tôi đang luyện cho phần biểu diễn của mình và cảm thấy hi vọng, hồi hộp, chờ đợi đến hôm diễn cũng không khác gì khán giả.

* Vẫn ở vị trí solist nhưng đứng ở sân khấu của KGAN chắc sẽ không như với dàn nhạc giao hưởng?

- Tất nhiên là khác chứ. Vì ở chương trình này tôi sẽ chơi cùng ban nhạc (thay vì dàn nhạc). Tuy nhiên, vai trò chính của KGAN số 9 vẫn là giọng ca của Nguyên Thảo. Là khán giả của KGAN từ số đầu tiên, tôi thấy chương trình có một sức hút rất riêng với khán giả. Bản thân tôi cũng đang ấp ủ thực hiện một chương trình theo hướng semi classic. Tuy nhiên, thực hiện một chương trình như thế sẽ khó thành công so với làm nhạc nhẹ.

Khán giả đến với KGAN như 1 live show với sự xuất hiện của các nhân vật đặc biệt. Trong khi ở nhạc cổ điển, khán giả chưa quen và để nghe một chương trình từ đầu đến cuối toàn cổ điển thì sẽ rất mệt. Nhạc cổ điển cũng cần có thời gian để cảm nhận. Vì thế, sau những lần trao đổi với ê-kíp KGAN, chúng tôi quyết định thử đi theo một hướng mới lạ một chút, đó là đưa nhạc cụ solo kết hợp với giọng ca và ban nhạc.

Trong nghệ thuật thì sáng tạo là không biên giới nên cái cần là sự kết hợp hài hòa giữa các nghệ sĩ khi mà tất cả đều phải thể hiện tốt vẻ đẹp của các nhạc cụ mà mình biểu diễn. Vì thế, chương trình này có thể coi như một bước đệm, một sự thử nghiệm với cả nghệ sĩ và khán giả.

Tài năng âm nhạc = không có tài năng

* Góp mặt trong hội thảo về đào tạo âm nhạc trong thế kỉ 21 vừa diễn ra tại Học viện Âm nhạc Quốc gia, anh có thể cho biết hiện nay, tài năng âm nhạc Việt Nam đang ở đâu không?

- Tài năng âm nhạc có ở rất nhiều nơi nhưng mình chưa phát hiện và cách thực hiện của mình chưa đúng. Theo quan điểm của riêng tôi, con người Việt Nam rất thông minh và tài năng nhưng với cách làm của mình như hiện nay thì tài năng phát triển rất khó. Cái khó ở đây là sự hạn chế về môi trường, chính sách và cách phối hợp không đồng nhất giữa các yếu tố đó với nhau.

Nên câu hỏi “tài năng ở đâu?” sẽ trả lời thành “không có tài năng”. Sẽ chỉ có một số ít tài năng tự tìm đến, còn lại, tài năng ở đâu nếu không phải từ sự dày công tìm kiếm, rồi nuôi dưỡng và định hướng cho tài năng phát triển? Song, nếu tìm kiếm ra mà môi trường lại chưa đáp ứng được thì nhiều tài cũng chưa thể phát triển được.

* Có phải vì thế mà anh nói để phát triển tài năng thì cần nuôi dưỡng ở môi trường quốc tế?

- Tất nhiên, môi trường nước ngoài là quá lý tưởng vì xung quanh họ được trang bị đầy đủ hơn Việt Nam. Con người Việt Nam tuy nhanh nhẹn, biết thích nghi nhưng chỉ là đối phó tình huống chứ không đi theo hệ thống. Mà tôi nghĩ, cái này có ở tất cả các ngành nghề khác, không chỉ trong âm nhạc. Giỏi xoay xở trong tình thế sẽ chỉ có thể diễn ra ở phạm vi hẹp. Cũng như để chơi một tác phẩm thì dễ nhưng để có “một vốn bốn lời” để chạy đường dài thì phải có thêm những yếu tố khác mà cái này chúng ta lại bị hạn chế.

Chúng ta vẫn cần phải có thời gian, cần có những người thực sự có tâm huyết và cả kinh phí đầu tư cho cơ sở vật chất. Tài năng của chúng ta tuy nhiều mà ít vì không đủ khả năng để nuôi dưỡng tài năng.

Tôi tự điều chỉnh để cân bằng

* Còn với ý rằng việc đào tạo khiến học sinh bị “mất điện” khả năng ngẫu hứng, ứng tác tác phẩm vì quá phụ thuộc vào sách vở, anh có ý kiến gì?

- Hệ thống giáo dục từ nhỏ của mình đã là như thế rồi. Nếu ở nước ngoài họ rất đề cao sự sáng tạo vì học đi đôi với thực hành qua biểu diễn rất nhiều thì ở Việt Nam, kiến thức tuy nhiều nhưng không phải lúc nào cũng phù hợp với sự chuyển động của thực tế. Và để “khống chế” tính lười thì phải áp đặt. Nhưng áp đặt quá đà lại mất dần sáng tạo. Vì thế, tôi thấy cái khó ở đây là chúng ta chưa biết cách làm thế nào để con người trở nên tự giác.

* Sau “sự cố” vừa qua ở khoa, anh có nghĩ mình cần phải thay đổi một chút nào đó ở bản thân để thích nghi hơn nữa không?

- Có một chút điều chỉnh để cân bằng. Dù sao làm việc ở Việt Nam đôi khi tôi cũng thấy khó. Một bàn tay không thể che hết nổi mặt trời. Con người không ai hoàn hảo nên cũng có lúc này lúc nọ. Có thể có những hiểu lầm nên mới xảy ra chuyện như vậy nhưng những gì mình có được như ngày hôm nay, mình cũng đã lao động không hề dễ dàng để có được và mình sống thế nào thì mọi người đều biết nên có ở trong môi trường nào thì mình vẫn phải là chính mình. Hãy để thời gian và những việc mình làm trả lời xác đáng nhất về con người mình.

* Xin cảm ơn anh về cuộc trò chuyện này!

Lam Ngọc (thực hiện)

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm