Obama "ghi điểm" nhờ bán vũ khí

03/01/2012 10:26 GMT+7 | Trong nước

(TT&VH) - Thời gian gần đây, Mỹ đã đạt được thỏa thuận bán một loạt máy bay chiến đấu và vũ khí cho nhiều nước trên thế giới, tập trung nhiều tại khu vực Trung Đông. Việc bùng nổ các thương vụ kiểu này được đánh giá sẽ ghi điểm tốt cho Tổng thống Barack Obama, khi cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ đang tới gần.

Tuần trước, chính quyền của Tổng thống Barack Obama thông báo họ đã hoàn tất một hợp đồng bán vũ khí kỷ lục trị giá 29,4 tỷ USD, trong đó tập đoàn Boeing sẽ chuyển nhiều máy bay chiến đấu F-15 cho Arab Saudi.

Những điểm sáng hiếm hoi

Tổng cộng Mỹ sẽ cung cấp 84 chiếc F-15 đời mới cho quốc gia vùng Trung Đông, đồng thời sẽ nâng cấp 70 chiếc F-15 mà nước này đang có trong trang bị.

Thỏa thuận trên là một phần trong hợp đồng mua bán vũ khí trị giá 60 tỷ USD kéo dài từ 10-15 năm, vốn được Quốc hội Mỹ thông qua hồi năm ngoái.

Hợp đồng này đã phủ bóng lên hàng loạt các thương vụ buôn bán vũ khí trước đó của Mỹ và hứa hẹn sẽ mang tới nhiều việc làm nhờ tăng cường xuất khẩu.

Việc tăng cường bán máy bay quân sự là chiêu đơn giản nhất
giúp ghi điểm cho Tổng thống Mỹ Barack Obama

Trước đó, Mỹ cũng đã có kế hoạch bán thêm 18 máy bay chiến đấu F-16 cho Iraq trong bối cảnh Baghdad đang tìm cách bảo vệ không phận, sau khi Mỹ rút toàn bộ lực lượng khỏi nước này trong tháng 12. Có tin nói rằng Iraq sẽ mua tới 36 chiếc F-16 theo hai đợt khác nhau, trong một gói mua sắm vũ khí trị giá chừng 2,3 tỷ USD.

Tháng 12/2011, Oman cũng thông báo sẽ bỏ ra 600 triệu USD để mua thêm 12 chiếc máy bay F-16 đời mới nhất (F-16C/D Block 50). Số vũ khí mới sẽ bổ sung sức mạnh cho không lực nước này, hiện đã có khoảng một chục chiếc F-16C/D, trước các mối đe dọa tới từ Iran.

Các bên được lợi từ những thương vụ kiểu này bao gồm tập đoàn Lockheed Martin, nơi sản xuất máy bay F-16 và Boeing, vốn cho ra đời những chiếc F-15. Việc bán vũ khí ra nước ngoài sẽ giúp bù đắp việc cắt giảm các hợp đồng mua sắm vũ khí lớn tại Mỹ, trong đó dự kiến Bộ Quốc phòng sẽ giảm chi tiêu ít nhất 450 tỷ USD từ nay tới năm 2021.

Hoạt động máy bay chiến đấu kể trên được đánh giá là một điểm sáng hiếm hoi, trong bối cảnh nền kinh tế Mỹ đang phát triển chậm chạp suốt năm 2011. Nó như cơn gió mát, xoa dịu nỗi lo của cử tri Mỹ về các vấn đề nóng là việc làm và nền kinh tế trong nước. Nền kinh tế Mỹ hiện mới chỉ tăng trưởng đạt nửa tốc độ nó cần để giảm tỷ lệ thất nghiệp xuống ngưỡng 8,6%. Đây là vấn đề khiến ông Obama đau đầu bấy lâu nay.

Không phải "chiêu" mới

Josh Earnest, phát ngôn viên Nhà Trắng, đã mô tả hợp đồng với Arab Saudi là hoạt động đôi bên cùng có lợi, trong đó Arab Saudi sẽ tăng cường sức mạnh trước Iran còn Mỹ sẽ có thêm hơn 50.000 việc làm. Chương trình cung cấp máy bay cho Arab Saudi sẽ cần tới 600 nhà cung cấp tại 44 trên 50 bang của Mỹ và mang lại cho nền kinh tế khoản doanh thu thường niên chừng 3,5 tỷ USD.

Được biết bản hợp đồng với Saudi có độ lớn khoảng 3 lần so với bất kỳ hợp đồng buôn bán vũ khí nào Mỹ thực hiện cho tới nay. Theo Dennis Muilenburg, một quan chức phụ trách kinh doanh vũ khí của Boeing, hợp đồng sẽ kéo dài dây chuyền sản xuất F-15 của công ty thêm 5 năm nữa, vốn mang tới nhiều lợi ích cho sự phát triển của công ty.

Tương tự, các công nhân đang làm việc tại dây chuyền sản xuất máy bay F-16 của Lockheed Martin ở Fort Worth, Texas, cũng có kế hoạch nhận tin tức tốt lành về triển vọng việc làm của họ. Bộ Quốc phòng đã trao cho Lockheed bản hợp đồng trị giá 600 triệu USD vào ngày 14/12 để chế tạo những chiếc máy bay F-16 đời mới cho Oman.

Chiến đấu cơ không chỉ là những mặt hàng duy nhất mang lại nhiều lợi ích kinh tế cho nước Mỹ. Cuối tuần trước, Bộ Quốc phòng nói rằng Mỹ đã đạt thỏa thuận bán tên lửa đánh chặn cho Các tiểu vương quốc Arab Thống nhất trị giá 3,5 tỷ USD. Quốc hội Mỹ cũng được thông báo về khả năng Lockheed Martin sẽ bán được hệ thống tên lửa mang tên THAAD (Phòng thủ trên chiến trường độ cao lớn).

Giới phân tích đánh giá tất cả những thương vụ này, với doanh thu và sự hứa hẹn về số chỗ làm, sẽ là điểm cộng cho ông Obama khi cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ đang tới gần.

Cần biết rằng chuyện ghi điểm nhờ bán vũ khí chẳng phải là một chiêu mới mẻ tại chính trường Mỹ. Những chiếc F-16 cũng từng đóng vai trò lớn trong cuộc bầu cử Tổng thống trước đó. Đó là vào năm 1992, khi ứng viên George H.W. Bush hứa hẹn sẽ bán cho hòn đảo Đài Loan 150 chiếc F-16 A/B. Bush tuyên bố việc này trong lần vận động tranh cử tại một nhà máy của tập đoàn General Dynamics, đơn vị sản xuất những chiếc máy bay ở Texas, nơi tỷ lệ thất nghiệp đã cao ở mức đáng báo động. Hiển nhiên lời hứa này đã mang lại chiến thắng vang dội cho ông Bush trước các đối thủ chính trị.

Tường Linh

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm