Hà Nội lại ngập ngay từ cơn mưa đầu mùa!

09/05/2009 15:27 GMT+7 | Thế giới

(TT&VH) - Hôm qua 8/5, ngay từ trận mưa đầu mùa, nhiều khu vực nội thành Hà Nội đã bị ngập cục bộ, trong khi Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn dự báo: trong những ngày tới, Hà Nội và miền Bắc thời tiết vẫn diễn biến phức tạp, có thể có mưa rất to. Cả Hà Nội đang thấp thỏm trước mùa mưa mới.

Trận mưa đầu tiên – trận ngập đầu tiên

Theo báo cáo mới nhất của Cty TNHH Nhà nước một thành viên thoát nước Hà Nội, từ 0h45 đến 09h50 ngày 8/5/2009, trên địa bàn TP Hà Nội đã xảy ra trận mưa với tổng lượng mưa đo được ở khu vực Nội thành: 122,3 mm; Láng 82,5mm. Tại điểm đo mưa của Công ty ở Vân Hồ là 103 mm, Long Biên 154mm. Đặc biệt trong thời gian ngắn từ 9h20 đến 9h45 lượng mưa đo được tại điểm đo của Cty lên tới 55mm.

Người và xe tắc cứng trên phố Tôn Đức Thắng


Do mưa nhanh, nước thoát không kịp nên khi mưa trên địa bàn thành phố xuất hiện khoảng 30-35 điểm ngập úng nặng, sâu xấp xỉ nửa mét có nơi tới gần 1 mét. Các điểm ứ đọng cục bộ trên các tuyến đường, khu vực như: Điện Biên Phủ - Nguyễn Tri Phương, Nguyễn Thái Học, Ngã Năm Bà Triệu, Tôn Đản, Phan Bội Châu - Lý Thường Kiệt, Hàng Chuối, Hoà Mã, Nguyễn Khuyến, Nguyễn Lương Bằng, Quốc Tử Giám, Đội Cấn, Khu vực Gầm cầu chui (Long Biên)…

Tại sông Tô Lịch đoạn chảy qua phố Giang Văn Minh, lượng nước dâng lên bất thường, tất cả các con ngõ trên đường Kim Mã, Giang Văn Minh, Đội Cấn đều bị ngập nước. Việc ngập nặng tại khu vực này, theo Cty thoát nước Hà Nội là do các công trình thi công dở, nhiều cống thoát nước được nạo vét nhưng vẫn có ứ đọng rác thải, nhất là một số rác thải vật liệu xây dựng. Tại ngã tư Ngô Quyền - Lý Thường Kiệt, Hàng Bài - Hai Bà Trưng nước cũng dâng cao ngập quá nửa bánh xe và tới đầu gối người đi bộ. Đặc biệt, tại các tuyến phố thuộc quận Long Biên như Nguyễn Văn Cừ, Ngọc Thụy, Nguyễn Sơn… nơi có lượng mưa được đo cao nhất tại Hà Nội, nước ngập lên đến gần 1m, tràn vào nhiều nhà dân.

Cảnh di chuyển trên đường Cao Bá Quát sáng qua


Ông Nguyễn Lê, TGĐ Cty TNHH Nhà nước một thành viên Thoát nước Hà Nội cho biết, từ 5h sáng, Cty đã huy động 100% lực lượng với hơn 1.000 nhân viên và xe hút nước chân không, xe thông tắc ứng trực tại các điểm nóng, thực hiện tua vớt rác miệng thu hàm ếch, khơi thông dòng chảy, đưa các thiết bị cơ giới hỗ trợ tại các điểm trũng cục bộ để tăng cường khả năng tiêu thoát nước. Công ty đã phối hợp với chủ đầu tư và đơn vị thi công công trình cống hoá mương Hào Nam, Phan Kế Bính để phá đập quây thi công để tăng khả năng thoát nước. Trạm bơm Yên Sở vận hành 5 bơm thông thường và 3 bơm khẩn cấp. Do mực nước tại các sông, hồ nội thành đang thấp, thuận lợi cho tiêu thoát và công tác chuẩn bị từ đầu năm, hệ thống cống, mương, sông được tăng cường công tác nạo vét, thông thoáng dòng chảy, nên ngay sau khi ngớt mưa các điểm ứ đọng nước rút nhanh (sau từ 15 đến 30 phút) giao thông có thể đi lại bình thường. Một số điểm do ảnh hưởng của các công trình thi công cống hoá mương Hào Nam, mương Phan Kế Bính như Nguyễn Thái Học, Đội Cấn nên nước rút chậm.

Tuy ngập cục bộ trong thời gian ngắn, nhưng giao thông Hà Nội đã xảy ra những rối loạn nhất định. Tại một số tuyến phố ngập sâu, các phương tiện sau “kinh nghiệm” từ trận ngập chết người năm ngoái đã tìm cách tránh đường nhưng “tránh vỏ dưa gặp vỏ dừa” khi lâm vào tắc nghẽn ở nhiều tuyến phố bên cạnh. Các tuyến ngập nước như Đào Duy Anh - Phạm Ngọc Thạch; Quốc Tử Giám; khu vực bệnh viện Bạch Mai – Kim Liên; khu vực bờ hồ Hoàn Kiếm; Lê Lai; Lý Thái Tổ; Nguyễn Thái Học; Ngọc Khánh; Nguyễn Chí Thanh; Cát Linh - Tôn Đức Thắng… đều bị dồn ứ tại các ngã tư và lâm vào cảnh “tiến thoái lướng nan”. Nhiều xe máy cố đi qua chỗ ngập nước đã bị chết máy.

Thoát nước: vẫn phải đợi dài

Theo báo cáo nhanh của Cty thoát nước Hà Nội, đến thời điểm trưa hôm qua, cơ bản nước đã rút, giao thông có thể đi lại bình thường. Tuy nhiên hiện nay, trên địa bàn tiếp tục có mưa bổ sung và khả năng diễn biến của trận mưa còn phức tạp, Cty vẫn đang triển khai công tác ứng trực và vận hành trạm bơm Yên Sở và các trạm bơm cục bộ khác hạ mực nước trên hệ thống để chủ động đối phó.

Tại Cửa Nam, nhân viên môi trường đã phải tháo nắp để nước tràn lên, nhằm tránh vỡ hệ thống cống ngầm.


Theo Công ty TNHH Nhà nước một thành viên Công viên Cây xanh Hà Nội, trận mưa lớn đầu mùa kèm theo gió giật từ tối 7/5 đến sáng 8/5 đã làm đổ, gãy, bật gốc 17 cây xanh trên các tuyến phố trên địa bàn như: Tràng Thi, Hoàng Diệu, Hàng Bún, Ngọc Lai, Xuân Diệu, Ngô Gia Khảm, Xuân Thủy, Nguyễn Hoàng Tôn, Lê Thái Tổ, Minh Khai. Các cây xanh bị đổ, gãy là các loại cây muồng, bông gòn, trứng cá, bằng lăng, phượng, đường kính từ 10-30 cm. Ngoài ra, người dân cũng chứng kiến hàng trăm cây xanh từ 2 đến 3 năm tuổi trên đường vành đai 3, đoạn Khuất Duy Tiến, bị gió giật làm cho đổ rạp. Ngay cả cây xanh cao gần 8m trên đường Lê Thái Tổ cũng bị gió giật bật gốc. Rất may cây đổ gãy không gây thiệt hại về người và tài sản.

Trung tâm dự báo Khí tượng Thuỷ văn Trung ương cho biết thêm: Trong 2-3 ngày tới Hà Nội và toàn bộ khu vực phía Đông Bắc Bộ vẫn tiếp tục xảy ra những trận mưa to và kéo dài, những trận mưa này sẽ bắt đầu vào các buổi đêm và kết thúc vào trưa hôm sau. Vì vậy, người dân và chính quyền các khu vực thường xảy ra ngập lụt cần lên phương án đối phó với những trận mưa trong 3 ngày tới, cần dự trữ lương thực, nước sạch và đặc biệt là di dời khỏi những vùng nguy hiểm.

Theo Ban Quản lý Dự án thoát nước Hà Nội, giai đoạn 2 của dự án đang được gấp rút thực hiện gói thầu nâng gấp đôi công suất trạm bơm Yên Sở lên 90 m3 một giây, đồng thời đảm bảo an toàn cho trạm bơm Yên Sở không bị ngập lụt. Ngoài ra, dự án tập trung cải tạo kênh thoát nước, trong đó cải tạo thay thế cầu trên sông Tô Lịch, hạ lưu Kim Ngưu, sông Lừ, sông Sét, hồ nội thành Hào Nam, Đống Đa, Phương Liệt, Khương Trung 1,2, Hố Mẻ và Tân Mai, cải tạo các hồ điều hòa Linh Đàm, Định Công, Đầm Chuối, Hạ Đình, xây dựng trạm xử lý nước thải hồ Bảy Mẫu, xây dựng bãi bãi đổ bùn nạo vét, xây dựng cống vùng tiểu lưu vực sông Tô Lịch, Trúc Bạch, Kim Ngưu, Lừ và tiểu lưu vực sông Sét được tiến hành khẩn trương.

Tuy nhiên, ngay cả khi hoàn thành giai đoạn 2 dự án thoát nước Hà Nội (dự kiến cuối 2011) diện tích bao phủ của giai đoạn này chỉ mới dừng lại ở khu vực 4 quận nội thành, giới hạn bởi sông Tô Lịch và sông Hồng (77,5 km2). Còn lại lưu vực sông Nhuệ (135,4 km2), hai quận Cầu Giấy và Thanh Xuân và các huyện khác vẫn chưa nằm trong hệ thống thoát nước chung của Thành phố. Người dân thủ đô vẫn phải thấp thỏm mỗi khi mưa lớn.

Mạnh Cường – Thu Hoài

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm