'Mộng Viễn Đông' nhìn từ lịch sử mỹ thuật

16/08/2023 07:48 GMT+7 | Văn hoá

Triển lãm lần thứ 2 của Sotheby's tại Việt Nam với chủ đề Mộng Viễn Đông diễn ra ở Park Hyatt Saigon từ ngày 14 đến ngày 17/8, bày hơn 50 tác phẩm chưa từng ra mắt đại chúng Việt Nam. Đó là tác phẩm của các giảng viên Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương, của các họa sĩ hải quân, của các họa sĩ đoạt giải Đông Dương từ Pháp và châu Âu.

Nếu so với triển lãm Hồn xưa bến lạ lần 1, nơi nghiêng hẳn về bộ tứ Paris "Phổ - Thứ - Lựu - Đàm", với những giá trị và giá cả mang tính hào nhoáng, thì Mộng Viễn Đông lần này ít hấp dẫn hơn. Thế nhưng, nếu nhìn ở khía cạnh lịch sử mỹ thuật và các nhân tố mới, thành tố mới, Mộng Viễn Đông sâu sắc hơn, nhà nghề hơn.

'Mộng Viễn Đông' nhìn ở khía cạnh lịch sử mỹ thuật - Ảnh 1.

Bức tranh to nhất triển lãm là “Vịnh Hạ Long”

Suốt nửa cuối thế kỷ 20, vì những lý do khách quan, mà các giảng viên người nước ngoài (chủ yếu là Pháp, Nhật…) tại các trường nghề, trường mỹ nghệ, trường mỹ thuật thời kỳ đầu ở Việt Nam ít được đề cập. Đây là chưa nói nhiều họa sĩ Pháp đã thực hiện các chuyến đi ngắn hạn, như một phần của nghĩa vụ quân sự, hoặc phần thưởng khám phá, hoặc tham gia các nhiệm vụ giáo dục.

Một trong những họa sĩ như vậy là André Maire (1898 - 1984), tốt nghiệp Beaux-Arts, sau đó gia nhập lực lượng bộ binh thuộc địa năm 1917. Ông theo lời khuyên của Émile Bernard và cũng là bố vợ tương lai để đến Việt Nam vào năm 1919 - 1920, nơi ông dạy vẽ tại Lycée Chasseloup-Laubat ở Sài Gòn. Sau những chuyến đi khác đến Italy, Tây Ban Nha, Ai Cập, Ấn Độ và châu Phi, ông trở lại Pháp vào năm 1948 để trở thành giáo sư tại École Supérieure d'Architecture. Ngay sau đó ông bị điều động đến Đông Dương, sống ở Đà Lạt cho đến năm 1950, rồi sống ở Sài Gòn cho đến năm 1958.

'Mộng Viễn Đông' nhìn ở khía cạnh lịch sử mỹ thuật - Ảnh 2.

Tác phẩm “Trà chiều” của Alix Aymé

Nhiều tranh của André Maire về phong cảnh Việt Nam chú trọng các yếu tố tuyến tính và bảng màu hậu ấn tượng. Tại Mộng Viễn Đông, khán giả có thể xem lại các tác phẩm của ông.

Một trong những người sớm nhận giải Prix de l'Indochine (Đông Dương) là Charles Dominique Fouqueray (1869 - 1956), con trai một sĩ quan hải quân. Fouqueray tốt nghiệp ngành nghệ thuật tại École des Beaux, theo chủ nghĩa hiện thực, nổi tiếng với các tranh về lịch sử hàng hải của Pháp.

'Mộng Viễn Đông' nhìn ở khía cạnh lịch sử mỹ thuật - Ảnh 3.

Tác phẩm “Rặng Ba Vì nhìn từ ruộng Sơn Tây” của Joseph Inguimberty

Tại Việt Nam vào đầu những năm 1920, Fouqueray đã vẽ những bức tranh màu nước sống động, bao gồm các nghiên cứu về thuyền buồm và tam bản, cũng như tranh bột màu về giới lao động và phụ nữ. Sau khi trở về châu Âu, Fouqueray được giao vẽ tranh cho ngôi nhà sang trọng của Bảo Đại (1913 - 1997), trên đại lộ Lamballe ở Paris.

'Mộng Viễn Đông' nhìn ở khía cạnh lịch sử mỹ thuật - Ảnh 4.

Tác phẩm “Thiếu nữ Việt Nam ngồi nghỉ” của André Maire

Nhà điêu khắc Paul Ducuing (1867 - 1949) cũng vậy, ông đến Việt Nam từ năm 1921, ông đã dành 3 năm để làm nhiều tượng, nổi bật nhất là chân dung hoàng đế Khải Định (1885 - 1925).

Jean-Louis Paguenaud (1876 - 1952) là họa sĩ hải quân, đã vẽ ở Tây Ban Nha, Tây Ấn, châu Phi, Polynesia… trước khi đến Việt Nam vào những năm 1930. Nay gặp lại những tác phẩm gần 1 thế kỷ trước của họ, dễ thấy xúc động.

Hai giảng viên, 2 họa sĩ nổi tiếng tại Việt Nam từ sớm là Alix Aymé (1894 - 1989) và Joseph Inguimberty (1896 - 1971) cũng có tác phẩm trưng bày tại Mộng Viễn Đông, chứng tỏ nỗ lực lớn của ban tổ chức. Gần như chỉ thiếu tranh của họa sĩ Nam Sơn (1890 - 1973) và các điêu khắc gia người Nhật.

'Mộng Viễn Đông' nhìn ở khía cạnh lịch sử mỹ thuật - Ảnh 6.

Vận chuyển một bức tranh

Một điều đáng tiếc, theo Ace Lê (Giám đốc điều hành thị trường Việt Nam của Sotheby's), những thiếu hụt nhân tố của công nghiệp mỹ thuật, của thị trường mỹ thuật đã khiến cho Mộng Viễn Đông thiếu một vài tác phẩm lớn ở nước ngoài, vốn yêu cầu cao về vận chuyển và bảo hiểm, mà những điều này ở trong nước chưa đáp ứng kịp.

Như Hà

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm