Hội thảo về phim lịch sử: Không thiếu kịch bản hay, chỉ thiếu...?

10/07/2010 10:51 GMT+7 | Phim

(TT&VH) - Lâu nay dư luận đã rung lên hồi chuông cảnh báo về sự thiếu vắng của dòng phim lịch sử VN với khán giả điện ảnh và truyền hình cả nước. Bởi thế không ít người đã nói rằng khán giả VN thuộc sử Tàu hơn sử Việt, hiểu về nàng Dae Chang Kưm hơn hiểu về công chúa Lê Ngọc Hân, Huyền Trân... Đã đến lúc, các nhà phim VN, các nhà quản lý cần xem đây là sự chậm chạp, sự thiếu trách nhiệm đối với khán giả của một đất nước có truyền thống lịch sử, có nền văn hiến lâu đời.

Hội thảo Phim truyện VN về đề tài lịch sử do Cục Điện ảnh tổ chức sáng qua (9/ 7), đã xới lên niềm khao khát làm phim lịch sử của các đạo diễn, biên kịch... về mảng phim đầy ý nghĩa nhưng đang bị bỏ ngỏ này!

Luôn gặp những phản biện cực đoan!

Tại hội thảo, ông Lê Ngọc Minh - Phó Cục trưởng Cục Điện ảnh đã đề xuất một số giải pháp xây dựng dòng phim lịch sử như: nhà làm phim phải am hiểu lịch sử, phải tạo ra một trào lưu, xu hướng phim lịch sử, phải có hệ thống trường quay nội ngoại hiện đại, có hệ thống dụng cụ, phục trang, vũ khí, quân trang chuyên dụng...

Theo ông Minh, làm phim lịch sử mà thiếu trường quay thì không những không có được những bộ phim lịch sử đúng nghĩa mà còn rất bấp bênh, tốn kém... Tuy nhiên, trong một nền điện ảnh rất thiếu cơ sở vật chất kỹ thuật, muốn tạo ra một dòng phim lịch sử mà luôn gặp những phản biện thiếu ủng hộ, cực đoan, thì không khiến những ai đã, đang và sẽ dấn thân vào dòng phim này nản chí, mà còn làm các nhà đầu tư, các nhà phổ biến phim cũng không mặn mà mở hầu bao vốn liếng!

Phát biểu tại hội thảo, nhà văn Chu Lai cho rằng, đề tài phim lịch sử là rất mênh mông, nhưng hầu bao thắt chặt khiến các nhà biên kịch, đạo diễn dù có can đảm đến mấy cũng chỉ dám miêu tả về nội thất.

Không thiếu kịch bản hay!


Phim Thái sư Trần Thủ Độ phải thuê trường quay ở Trung Quốc

“Chúng ta chưa viết được câu chuyện nào hay cả, nên phim chưa hay”. Trước ý kiến trên của đạo diễn Hà Sơn, nhà biên kịch Nguyễn Thị Hồng Ngát bác lại và cho rằng: Chúng ta không thiếu những kich bản hay, không thiếu những tài năng, không thiếu đam mê sáng tạo.

Bà Ngát cho hay, bà vừa tìm lại được rất nhiều đề cương, kịch bản, dự thi để hưởng ứng 1.000 năm Thăng Long từ năm 2003. Có đến gần 600 kịch bản tham dự và không thiếu những kịch bản tử tế. Thời đó, bà Ngát còn ở Cục Điện ảnh và đã ngồi chọn những kịch bản hay nhất đưa vào làm phim. Thế nhưng, khi trình các kịch bản đó lên, cấp cao hơn không duyệt, thế là dãn tiến độ và đến tháng 10 này không có phim truyện nhựa về Lý Thái Tổ. Lỗi, trách nhiệm không phải từ các nghệ sĩ, mà những người cầm cân nảy mực. “Chỉ cần một câu nói: Rất cần phim lịch sử, các nghệ sĩ cứ làm đi. Xin 200 tỷ, đấy là mong muốn của các nghệ sĩ để nghĩ ra trường quay, phục trang, ngựa... Nhưng nước mình nghèo, chỉ cho được các nghệ sĩ 50, 100 tỷ đồng thôi, chắc chúng ta vẫn làm và đi huy động thêm! Có cầu thì ắt có cung, hiện nay chúng ta đang có 30 tập Thái sư Trần Thủ Độ và 70 tập về Thăng Long của nhà biên kịch Nguyễn Mạnh Tuấn bằng xã hội hóa. Dù nhà nước không làm thì nhân dân vẫn làm và tìm được nguồn vốn cho thỏa niềm đam mê của các nghệ sĩ’’- bà Ngát tâm sự.

Nhà biên kịch Đình Kính (Hải Phòng)- từng đạt giải Nhì sáng tác kịch bản về 1.000 năm Thăng Long cũng cho rằng cấp vĩ mô phải quan tâm đến điều này, vì giới trẻ hiện nay nhầm lẫn về lịch sử rất nhiều.

Cơ hội trường quay

Một số ý kiến cũng cho rằng, làm phim lịch sử không có trường quay thì không làm được. Nhà nước có thể bỏ ra 1 triệu USD để xây 1km đường, vậy tại sao không xây được một trường quay để các nghệ sĩ được thể hiện tài năng? Tuy nhiên, ta cũng đã từng bỏ lỡ một trường quay ở Hòa Bình khi người Pháp sang làm phim về Điện Biên Phủ. Hồi đó, làm xong phim là giải tán, dỡ hết đi. Cũng như bây giờ, nếu không giữ ngay, sẽ bỏ lỡ một cơ hội về đạo cụ, phục trang của các phim kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long. Do vậy, nên chăng cần thu gom lại và tổ chức xây dựng một hãng phim chuyên làm phim lịch sử.

Hoa Chanh

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm