Lễ tế Xã tắc 2011: Từ lễ tế cung đình đến lễ hội của dân

16/03/2011 10:44 GMT+7 | Văn hoá

(TT&VH) - Nhằm tôn vinh nền nông nghiệp nước nhà, cầu mong cho đất nước mưa thuận gió hòa, từ 18h30 – 21h30 ngày 20/3/2011, tại cố đô Huế, Lễ tế Xã Tắc năm 2011 sẽ được tái hiện với sự tham gia của hơn 530 diễn viên với đầy đủ các nghi thức linh thiêng.

Gần với nguyên bản và chuẩn xác hơn

Lễ tế Xã Tắc thời Nguyễn ở kinh đô Huế là một lễ tế quan trọng xếp vào hàng Đại tự, chỉ đứng sau lễ tế Nam Giao. Từ năm 1806, vua Gia Long đã cho xây dựng Đàn tế Xã Tắc ở phía Tây Hoàng thành (gọi là Đàn Xã Tắc), đúng theo nguyên tắc bên trái thờ Tổ, bên phải thờ Xã Tắc của thành trì phương Đông truyền thống. Cũng vì tính linh thiên và tượng trưng cho đất đai, tổ quốc của Đàn Xã Tắc nên khi khởi công, tất cả các thành, dinh, trấn trong toàn quốc đều theo lệnh vua đóng góp đất sạch để đắp đàn.

Sau khi xây dựng xong, Đàn Xã Tắc có quy mô khá lớn, kết cấu gồm 2 tầng, đều hình vuông. Tầng thứ nhất (đàn thượng) cao 1,7m, mỗi cạnh 30m; tầng thứ 2 (đàn hạ) cao 1,2m, mỗi cạnh 74m. Theo qui định của triều Nguyễn, vào các năm Tý, Ngọ, Mão, Dậu, vua “ngự giá” làm lễ tế Đàn Xã Tắc, những năm còn lại các ban đại thần thay nhau thực hiện công việc này. Từ thời Minh Mạng trở đi, triều đình tổ chức cúng tế Đàn Xã Tắc mỗi năm hai lần vào tháng 2 và tháng 8 âm lịch. Cả 13 đời vua Nguyễn đa phần đều thân hành đến làm chủ lễ ở Đàn Xã Tắc.

Lễ tế Đàn Xã Tắc ngày càng “đúng chuẩn”

Từ ngày kết thúc chế độ phong kiến tại Việt Nam, trải qua nhiều biến cố lịch sử, Đàn Xã Tắc chỉ còn là một phế tích và lễ tế chỉ còn lưu lại trong các tư liệu của triều Nguyễn như Đại Nam thực lục, Đại Nam nhất thống chí, Hội điển sự lệ.

Trên cơ sở tư liệu lịch sử, giá trị truyền thống, phù hợp với văn hóa tín ngưỡng của dân tộc, năm 2008 tỉnh Thừa Thiên - Huế đã khôi phục lại Đàn Xã Tắc cũng như nghiên cứu phục dựng lại lễ tế quan trọng này. Và cũng chính từ Festival Huế 2008, Lễ tế Xã Tắc lần đầu tiên được phục dựng, quy tụ 350 diễn viên tham gia tái hiện phần xuất cung và phần nghi lễ tại khu vực đàn. Tuy nhiên, do là lần đầu tái hiện cộng thêm điều kiện vật chất, hiện trạng khôi phục đàn chưa hoàn tất nên một số nội dung lễ tế chưa thật xác thực như nguyên bản. Lễ tế Xã Tắc lần 2 tổ chức từ 18h30 - 21h30 ngày 24/3/2009 (28/2 âm lịch) đã tiến đến bước chuẩn xác hơn bằng việc tổ chức đúng vào tháng 2 âm lịch, gồm lễ xuất cung và lễ tế với đầy đủ các nghi tiết. Song phải đến Lễ tế Xã Tắc năm 2010 diễn ra từ 18h30 - 21h30 ngày 8/4/2010 (nhằm ngày 24/2 âm lịch), lúc này đàn Xã Tắc được khôi phục lại với diện mạo cơ bản như xưa thì lễ tế mới được phục dựng gần với nguyên bản và chuẩn xác với lộ trình đoàn đi ngự đạo xuất quân vào đàn bằng cổng chính ở hướng Nam để làm lễ tế, các trang phục, lễ phục cũng thực hiện chuẩn xác hơn, đặc biệt là trang phục của đội nhã nhạc và vũ công Bát dật được phục dựng nguyên bản.

Với bước tiến đó, Lễ tế Xã Tắc năm 2011 có bước chuẩn xác hoàn hảo hơn cả về tổ chức thực hiện cũng như xây dựng hoàn chỉnh hồ sơ khoa học của lễ tế.

Người dân được phép lên đàn dâng hương

Theo ông Phùng Phu, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế - đơn vị được giao tổ chức lế tế cho biết, lễ tế phục dựng các trình thức nghi lễ mang có tính chất trình diễn được nghiên cứu và phục dựng rất bài bản, công phu nhằm tôn vinh những giá trị văn hóa truyền thống của Việt Nam, giới thiệu không gian diễn xướng của những loại hình Đại nhạc, Nhã nhạc, Múa cung đình, trình diễn vẻ đẹp của văn hóa nghi lễ và trang phục truyền thống cung đình Huế xưa.

Người dân được dâng hương Đàn Xã Tắc

Đây là phần lễ hội mang đậm yếu tố cung đình, song vấn đề mà BTC hướng đến là không thương mại hóa lễ hội và làm sao để lễ hội thật sự phục vụ nhu cầu hưởng thụ văn hóa, thể hiện ước vọng tâm linh cao đẹp của người dân, là một lễ hội dành cho toàn thể cộng đồng. Chính vì vậy Lễ tế Xã Tắc không bán vé và sẽ phục vụ tất cả mọi người dân và du khách thập phương đến với lễ tế.

Ông Phùng Phu nhấn mạnh: Trong chế độ quân chủ, chỉ duy nhất một người đó là nhà vua hoặc người thay mặt vua được bước lên đàn tế để thể hiện ước vọng cầu cho quốc thái dân an, phong điều vũ thuận. Nhưng ngày nay điều đó tất phải thuộc về mọi người dân. Việc phục dựng các nghi lễ cung đình để nhân dân, du khách hiểu thêm về nghi lễ truyền thống, tạo môi trường diễn xướng cho các hình thức diễn xướng cung đình như âm nhạc, múa... là chuyện một số nước đồng văn với chúng ta đã làm từ lâu.

Vì lẽ đó ngay sau lễ tế chính thức, khi đoàn tế của vua (phục dựng) đã hồi cung, dân chúng và du khách thập phương sẽ được phép lên đàn dâng hương và cầu cho quốc thái dân an, mưa thuận gió hoà, mùa màng bội thu, đời đời no ấm. 

Trần Dương

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm