James Cameron xuống thăm "âm ti" của trái đất

27/03/2012 13:14 GMT+7 | Trong nước



(TT&VH) - Đạo diễn lừng danh James Cameron, vừa hoàn tất hành trình một mình đi xuống nơi chẳng ai muốn tới: Vực biển Mariana, điểm sâu nhất của trái đất đồng thời cũng nằm trong nhóm 10 địa điểm khắc nghiệt nhất.

Chui mình vào trong một chiếc tàu ngầm màu xanh lá, với khoang lái chật như tàu vũ trụ Apollo, Cameron đã bắt đầu hành trình dài 2 tiếng 36 phút xuống dưới "âm ti". Ông là người thứ 3 trên thế giới lặn xuống độ sâu của vực Mariana.

Người đầu tiên xuống vực Mariana một mình

Trong mắt Cameron, điểm sâu nhất của thế giới giống như một hành tinh xa lạ, cô đơn, khắc nghiệt giống như trên mặt trăng. Cameron, người rất nổi tiếng vì đã tạo nên các siêu phẩm điện ảnh như Titanic và Avatar, nói rằng ông đã bắt đầu nảy sinh tham vọng xuống dưới vực Mariana, vì muốn biết nơi đây bất thường ra sao.

"Đã có một khoảnh khắc khi tôi chợt dừng lại và nói với mình: Tôi đang ở đây, tại đáy đại dương, điểm sâu nhất của trái đất. Chuyện này có ý nghĩa gì không?" - Cameron nói với các phóng viên trong cuộc họp báo diễn ra hôm 26/3, sau 3 giờ "dạo chơi" dưới vực Mariana - "Tôi chỉ ngồi đó, hướng mắt ra ngoài cửa sổ, ngắm nhìn địa hình cằn cỗi, cô độc như ở trên mặt trăng, lòng tôi trào lên cảm xúc ngưỡng mộ nơi này".

Cameron cho biết ở dưới đáy vực, cảm giác cô lập trở nên vô cùng rõ ràng, hơn mọi thứ khác. "Dưới đây, anh mới thấy mình thật nhỏ bé, trong thế giới tăm tối chưa được ai khám phá này" - ông thổ lộ. Cameron thừa nhận bản thân đã định tìm kiếm một số quái vật biển, vốn có thể truyền cảm hứng sáng tác cho ông. Cameron nghĩ rằng ít nhất chúng cũng phải trông giống như những sinh vật trong phim ông đã tạo ra. Nhưng cuối cùng ông chẳng thấy con quái vật nào cả.

Cameron cũng không thấy bất kỳ dấu vết của sinh vật nào ở vùng đáy biển, khi ông bắt đầu lặn xuống độ sâu hơn 8km cách đây vài tuần. Tất cả những gì ông nhìn thấy ở độ sâu lớn chỉ là các sinh vật trông giống như con tôm với kích thước không quá 2,5cm. Nhưng đạo diễn tài ba này vẫn  rất hứng khởi trước những gì bản thân đã chứng kiến.

Được biết Cameron là người duy nhất xuống tới đáy vực Mariana một mình, sử dụng một chiếc tàu ngầm do chính ông tham gia thiết kế. Ông cũng là người đầu tiên đạt tới độ sâu 10.898m, một kỷ lục chưa ai  đạt được trước đó.

Cameron bên chiếc tàu ngầm Challenge Deep đã vừa cùng ông ghi kỷ lục

Thành công dù có sự cố

Theo Wikipedia, vực Mariana là nơi sâu nhất trong lớp vỏ trái đất. Nó nằm trên phần đáy của khu vực Tây Bắc Thái Bình Dương, về phía Đông quần đảo Mariana. Vực này được tàu Challenger II của Hải quân Hoàng gia Anh khảo sát độ sâu lần đầu tiên năm 1951. Sử dụng kỹ thuật bức xạ sóng âm, tàu Challenger II đã đo được độ sâu 10.900 m tại tọa độ 11°19' Bắc và 142°15' Đông. Năm 1957, tàu Vityaz của Nga báo cáo đã đo được độ sâu 11.034 m tại vực này. Năm 1962, tàu hải quân Spencer F. Baird của Mỹ báo cáo độ sâu lớn nhất là 10.915 m. Năm 1984, Nhật Bản gửi tàu Takuyo, một tàu khảo sát chuyên nghiệp hóa cao tới Mariana để thu thập dữ liệu bằng cách sử dụng các máy thu sóng âm bức xạ nhiều tia và hẹp. Những người Nhật nói rằng vực này có độ sâu cực đại là 10.924 m. Các đo đạc gần đây cho thấy độ sâu tối đa của vực Mariana là 10.971 m.

Trước Cameron, thế giới chỉ có 2 người từng đặt chân xuống vực Mariana. Vào ngày 23/1/1960, kỹ sư người Thụy Sĩ Jacques Piccard và Đại úy Hải quân Mỹ Don Walsh đã mất gần 5 giờ đồng hồ để xuống tới đáy vực cùng tàu ngầm thăm dò Bathyscaphe Trieste của Hải quân Mỹ. Nhưng họ cũng chỉ ở đó có 20 phút và không có gì nhiều để kể lại, do chiếc tàu ngầm đã làm cát bụi dưới đáy vực vẩn lên khá nhiều. Trong khi đó, dựa vào con tàu hiện đại mang tên Challenge Deep, Cameron đã ở lại tới 3 tiếng đồng hồ dưới đáy vực. Tuy nhiên quãng thời gian này không dài tới 6 tiếng đồng hồ như ông mong muốn.

Cameron xuống đây ngoài việc ngắm nhìn và ghi hình đáy vực, ông còn thực hiện nhiệm vụ thu thập thông tin, mẫu vật mà người ta không thể có được hồi năm 1960. Theo tổ chức National Geographic, cơ quan tài trợ chuyến khám phá đáy vực của Cameron, hoạt động của con tàu Challenger Deep nặng 12 tấn gần như hoàn hảo. Sự cố duy nhất xảy ra liên quan tới hệ thống thủy lực của nó, vốn được thiết kế để thu thập đất đá và mẫu vật dưới đáy biển. Cameron cho biết ngay khi ông định thu thập mẫu vật đầu tiên ở dưới vực, hệ thống thủy lực đã bị hỏng, phụt nhớt ra đáy biển, nên ông đã phải lên bờ trong tình trạng tay trắng.

Sẽ trở lại một lần nữa

Bản thân Cameron cho hãng tin AP biết khi lặn thử xuống Papua New Guinea hồi đầu tháng, áp suất đã là vấn đề khiến ông quan tâm nhất. Theo Cameron, ở độ sâu lớn như dưới vực Mariana, chiếc tàu lặn có thể nổ tung ngay lập tức nếu nó bị rò nước. Tuy nhiên ông không cảm thấy lo lắng, bởi đã hoàn toàn tin tưởng vào năng lực của các kỹ sư. Theo National Geographic , khi Cameron xuống đáy vực Mariana, áp suất bên ngoài tàu ngầm đã tăng lên khủng khiếp, lớn tương đương với việc người ta chồng 3 chiếc xe SUV lên một ngón chân người bình thường. Chiếc tàu lặn siêu cứng, siêu mạnh của Cameron đã bị co lại khoảng 1cm dưới áp lực khổng lồ đó. Nhưng nó vẫn giữ cho ông được an toàn tuyệt đối.

Được biết Cameron không phải dân nghiệp dư về lặn. Ông mê môn hải dương học từ bé và đã có 72 chuyến lặn xuống đáy biển ở độ sâu lớn. 33 chuyến trong số đó là tới ngắm xác tàu Titanic, chủ đề của bộ phim ăn khách ông quay hồi năm 1997. Ông nói rằng cuộc lặn xuống vực Mariana lần này không phải là duy nhất và hứa sẽ quay trở lại thêm một lần nữa.

"Tôi xem đây như một sự khởi đầu. Đây không phải chuyện làm một lần trong đời để rồi thôi. Đây là sự bắt đầu của việc khai phá một biên giới mới. Với tôi, những câu chuyện hấp dẫn nằm trong từng con người cụ thể, trong những nỗ lực khám phá và tìm hiểu thế giới của họ" - ông nói.

Tường Linh

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm