Việt Nam giành Giải Nhất Hội thi Hợp xướng Quốc tế

20/03/2011 10:55 GMT+7 | Âm nhạc

(TT&VH) - Hôm qua, 19/3 tại Hội An, Liên hoan và Hội thi hợp xướng quốc tế Việt Nam lần thứ I đã kết thúc. Sau 4 ngày tranh tài sôi nổi ở 6 thể loại hợp xướng với sự tham gia của gần 1.000 diễn viên đến từ 30 đoàn của 11 quốc gia và vùng lãnh thổ, giải Quán quân của Hội thi được mang tên “Giải thưởng Hội An” thuộc về Đoàn Hợp xướng Trường Đại học Tổng hợp Diponenegoro (Indonesia). Đoàn Việt Nam đoạt 1 trong 6 giải Nhất.

Nghệ sĩ Jefrey Franklin Bode, Trưởng đoàn hợp xướng Trường Đại học Tổng hợp Diponenegoro Indonesia, cho biết: “Đoàn của chúng tôi có 45 người, dự thi 12 tiết mục ở 4 thể loại. Đây là lần đầu tiên chúng tôi tham gia dự thi liên hoan hợp xướng do tổ chức Interkulture tổ chức. Chúng tôi tham gia dự thi với mục đích chính là quảng bá đến Việt Nam cũng như bè bạn quốc tế về hợp xướng dân gian của Indonesia và về ngôi trường của chúng tôi chứ mục đích chính của chúng tôi không phải là đoạt giải thưởng. Do vậy, khi giành được giải Quán quân “Giải thưởng Hội An”, chúng tôi vô cùng ngạc nhiên”.

Đội trưởng Jefrey Franklin Bode và đoàn Indonesia nhận giải Quán quân

Vì một vài lý do, đoàn hợp xướng Trường Đại học Tổng hợp Diponenegoro Indonesia đã về nước từ chiều nay, chỉ còn đội trưởng Jefrey Franklin Bode và một bạn diễn ở lại tham dự lễ trao giải. Tuy nhiên, trong đoàn có một bạn bị ốm nặng phải điều trị ở bệnh viện nên đội trưởng Jefrey Franklin Bode và bạn diễn rất nóng lòng đến bệnh viện đưa bạn về nước. Do vậy, ngay cả khi lên nhận giải thưởng cao Nhất, hai bạn cũng sẵn sàng ba lô trên vai. Và ngay sau khi nhận giải, hai bạn đã rời khỏi Hội An để cùng người bạn đang điều trị ở Đà Nẵng về nước sớm hơn dự định. Sau lễ bế mạc với chương trình nghệ thuật đêm giã bạn do tỉnh Quảng Nam thực hiện, hơn 1000 diễn viên, tình nguyện viên đã tham dự liên hoan ẩm thực, sự kiện “Giờ trái đất” - hưởng ứng bảo vệ môi trường; thả hoa đăng, vòng hoa tưởng niệm các nạn nhân trong vụ động đất và sóng thần tại Nhật Bản. Các nghệ sỹ đã tham gia sinh hoạt “Đêm phố cổ” và trình diễn các tiết mục hợp xướng tại 05 điểm trong Khu phố cổ. Nhân dân Hội An và du khách đã được tận hưởng những tinh hoa hợp xướng đặc sắc đến từ nhiều quốc gia với ấn tượng sâu sắc.

Đoàn hợp xướng Trường Đại học Sư phạm Nghệ thuật Trung ương Việt Nam nhận giải Nhất.

Ông Thomas Schuele, Đại diện tổ chức Interkultur, đơn vị phối hợp với Bộ VH,TT&DL và UBND tỉnh Quảng Nam tổ chức Hội thi cho biết : “Chúng tôi rất ấn tượng với sự nhiệt tình hợp tác và sự khẩn trương của tất cả mọi người trong quá trình làm việc. Cũng chính nhờ sự nỗ lực ấy, chúng tôi đã thực hiện được một khối lượng công việc khổng lồ và liên hoan đã thành công tốt đẹp hơn cả dự tính của chúng tôi. Trong tương lai, chúng tôi muốn tổ chức liên hoan hợp xướng quốc tế tại Hội An định kỳ 2 năm một lần. Như vậy, Liên hoan và hội thi Hợp xướng quốc tế lần 2 sẽ được tổ chức ở Hội An vào năm 2013”.

1 giải Quán quân và 6 giải Nhất

Cùng với giải Quán quân cao nhất thuộc về đoàn Indonesia như kể trên, cuộc thi đã trao 6 giải Nhất ở 6 nội dung.

- Nhất môn thi A (hợp xướng hỗn hợp, mức độ khó I) thuộc về Đoàn hợp xướng Trường Đại học Sư phạm Nghệ thuật Trung ương (Việt Nam).

- Nhất môn thi B (hợp xướng hỗn hợp, mức độ khó II) thuộc về Đoàn hợp xướng Trường Đại học Tổng hợp Diponenegoro, đến từ Indonesia.

- Nhất môn thi C (hợp xướng thính phòng một giọng và hỗn hợp) thuộc về Đoàn hợp xướng Plaisir Ensemble đến từ Hong Kong (Trung Quốc).

- Nhất môn thi F (Dân ca) thuộc về Đoàn hợp xướng Coro San Benildo, đến từ Philippines.

- Nhất môn thi G (hợp xướng dành cho thanh thiếu niên) và S (Thánh ca) thuộc về Đoàn hợp xướng Ilocos Norte National High School - Samiweng Singers, đến từ Philippines.

Khiếu Thị Hoài(từ Hội An)

Nhớ thuở “đồng ca”

Chăm chú theo dõi các tiết mục trong đêm khai mạc Hội thi hợp xướng quốc tế Việt Nam lần thứ I (VTV2 truyền trực tiếp), tôi nhiều lần lắng lòng theo dòng chảy âm thanh. Rất nhuần nhuyễn, nghệ thuật hát đông người hòa bè, tách bè, lĩnh xướng... được mỗi đoàn của Singapore, Malaysia, Indonesia... rồi Việt Nam thể hiện.

Cuộc thi hợp xướng quốc tế sẽ tạo“cú hích” cho loại hình “hàn lâm” này của nghệ thuật hát được phổ cập và nâng cao hơn nữa ở Việt Nam. Đó là một mục đích tốt đẹp. Nhưng, để có thể hát tốt nhiều giọng trong một bài ca, thì trước hết, phải hát tốt một giọng đã. Đó là đồng ca, một cách hát đơn giản mà tiếc thay, càng gần đây càng ít thấy xuất hiện rộng rãi ở nước ta. Nhớ lại quãng thời gian suốt từ 1961 đến 1975, các cuộc họp hàng tháng của công đoàn, chi đoàn phụ nữ... các buổi sơ kết vụ cấy (hoặc vụ gặt)... ở nơi nơi trên miền Bắc đều mở đầu bằng cùng hát bài Giải phóng miền Nam. Nhiều đoàn thanh niên xung phong, bộ đội trên đường ra tiền tuyến vừa hành quân vừa hát vang những bài ca nâng bước. Cho tới cuối thập niêm 90 của thế kỷ trước, cuộc họp nào, buổi ra quân động thổ công trình mới nào... cũng được mở đầu bằng Như có Bác Hồ trong ngày vui đại thắng do cả trăm người, nghìn người cùng hát.

Rồi, chẳng rõ vì sao, các cuộc “đồng ca cho dễ đồng tâm” đó cứ thưa dần, thưa dần..., ai có gợi lên “hát tập thể nào” thì bị gạt đi ngay. Quên lãng các kỹ năng tối thiểu của việc “cùng hát đều giọng”, khiến bây giờ trong nhiều kỳ Đại hội các cấp, dự định “mọi người cùng hát Quốc ca” thay cho việc mở băng đĩa cũng khó thực hiện được vì sợ hát chệch choạc.

Vậy nên, cùng với việc đưa hợp xướng thành nghệ thuật hát phổ cập, thiết nghĩ rất cần nhanh “củng cố nền móng” là đưa việc hát đồng ca trở lại như trước đây.

Nguyễn Quang Vinh

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm