Hollywood hạn chế bạo lực sau thảm sát

20/12/2012 09:20 GMT+7 | Phim

(Thethaovanhoa.vn) - Sau vụ nổ súng làm chết 20 học sinh tiểu học và 6 người lớn ở Newtown, bang Connecticut (Mỹ) hôm 14/12, một bầu không khí buồn bã bao trùm Hollywood và ngành công nghiệp giải trí. Nhiều sự kiện chào mừng bị hoãn, các cảnh bạo lực bị hạn chế vì nhạy cảm.

Theo New York Daily News, giới làm phim Hollywood và các nhà sản xuất truyền hình đang quay cuồng sau vụ thảm sát tại trường tiểu học Sandy Hook cũng như phần còn lại của  nước Mỹ.

"Đơn giản là sự tôn trọng"

Như một động thái bày tỏ sự chia sẻ, hãng phim Paramount đã hủy buổi ra mắt phim Jack Reacher của nam diễn viên Tom Cruise vào ngày 15/12, chỉ một ngày sau vụ thảm sát, dù rất nhiều nhân vật quan trọng và các ngôi sao điện ảnh đã được mời tới dự.

Hãng phim này còn cắt bỏ  cảnh đấu súng trong mẩu quảng cáo trên truyền hình cho bộ phim vì đó là một cảnh không thích hợp trong thời điểm này. Jack Reacher sẽ ra mắt vào thứ Sáu 21/12.

Hãng phim Weinstein Co. cũng theo chân Paramount, đã hủy bỏ buổi ra mắt ở Los Angeles của Django Unchained, bộ phim cao bồi miền Tây do Quentin Tarantino đạo diễn, có Leonardo DiCaprio đóng vai chính. Quyết định hủy được đưa ra trước ngày ra mắt 18/12.

Hình ảnh nhân vật Paige Wyatt trong chương trình thực tế về súng đạn American Guns của kênh Discovery. Ảnh: Gurney Productions

"Suy nghĩ và những lời cầu nguyện của chúng tôi đều hướng đến những gia đình nạn nhân trong bi kịch ở Newtown, tại thời điểm quốc tang này, chúng tôi quyết định hủy bỏ sự kiện đã được lên lịch này", đại diện hãng phim Weinstein Co. nói với báo chí. "Tuy nhiên, chúng tôi vẫn tổ chức một buổi chiếu riêng cho đoàn phim cùng người thân và bạn bè của họ".

"Việc tạm thời hoãn hoặc giảm bớt các sự kiện có tính chào mừng đơn giản là thể hiện sự tôn trọng", Ira Deutchman, Chủ nhiệm của chương trình  nghiên cứu điện ảnh tại Đại học Columbia phân tích. "Bạn không muốn cảm thấy như mình đang sống trong một thế giới song song. Các hoạt động chào mừng có vẻ không phù hợp trong hoàn cảnh này". Cách phản ứng này là một phần của một loạt nỗ lực bày tỏ sự cảm thông của ngành công nghiệp giải trí đối với các nạn nhân vụ thảm sát.

Súng đạn, bạo lực - nhạy cảm ở mọi khía cạnh

Theo TMZ, nhiều đài phát thành chia buồn bằng cách phát đi phát lại nhiều lần ca khúc mới của nữ ca sĩ Ke$ha, chỉ vì tên gọi đặc biệt hợp với hoàn cảnh của nó: Die Young (Chết trẻ) - hiện đứng thứ 3 BXH Billboard Hot 100.

Các nhà làm phim và đài truyền hình chủ động hạn chế nội dung bạo lực trước mùa chiếu cuối cùng của các phim truyền hình DexterHomeland của kênh Showtime. Tập mới nhất của cuộc thi hát truyền hình The Voice của đài NBC mở đầu bằng một màn biểu diễn buồn bã, ca khúc Hallelujah của Leonard Cohen, chứ không phải bằng những màn hoành tráng như mọi khi.

Kênh Discovery hủy lịch chiếu chương trình thực tế American Guns (Những khẩu súng Mỹ) nói về một gia đình chuyên sản xuất và buôn bán súng đạn ở Colorado, nhưng kênh truyền hình này cho biết quyết định này được đưa ra trước vụ thảm sát. American Guns đã trải qua 2 mùa chiếu, mùa thứ hai kết thúc hồi tháng 9.

Kênh truyền hình "chị em" của Discovery là TLC cũng hoãn buổi ra mắt vào ngày 26/12 của chương trình truyền hình Best Funeral Ever.

Hiện thực chính cống đang thể hiện sức ảnh hưởng lên các chương trình thực tế.

Hồi tháng 7, nước Mỹ từng rúng động vì vụ thảm sát tại buổi chiếu phim The Dark Knight Rises (Kỵ sĩ bóng đêm trỗi dậy) khiến 14 người chết và khoảng 50 người bị thương. Vụ việc có mối liên hệ trực tiếp với tác động của nền văn hóa đại chúng ở Mỹ, mà Hollywood là đại diện tiêu biểu (thủ phạm James Holmes hoang tưởng mình là nhân vật The Joker trong Người dơi).

Còn vụ việc ở trường tiểu học Randy Hook hôm 14/12, nguyên nhân dẫn đến hành vi của thủ phạm Adam Lanza không trực tiếp liên quan đến các văn hóa phẩm đại chúng.

"Hollywood không có mối liên hệ trực tiếp với bi kịch này, nhưng với tư cách ngành công nghiệp luôn nắm bắt được tâm lý công chúng, các hãng phim đang rất cẩn thận trong việc giới thiệu các sản phẩm của họ", Paul Dergarabedian, chuyên gia về doanh thu phòng vé của trang Hollywood.com nhận định.

"Sau mỗi vụ việc như thế này, chỉ riêng việc nhìn thấy cảnh bắn súng trên màn ảnh cũng khiến khán giả có suy nghĩ tiêu cực. Khán giả Mỹ hiện đang cực kỳ nhạy cảm với súng đạn và bạo lực, và Hollywood phải cẩn thận. ngành giải trí nên cho người ta một lối thoát chứ không phải sự tuyệt vọng".

"Một ngày tôi tự nhủ: Ồ, câu chuyện về cô trông trẻ Mary Poppins có thực sự biến thế giới thành một nơi tốt đẹp hơn? Đâu là dữ liệu thống kê chứng minh điều đó", David Chase, nhà sản xuất phim truyền hình The Sopranos nói với CBS News.

"Bạn hy vọng rằng phần lớn con người có thể phân biệt giữa đời thực và bất cứ thứ gì họ xem trên màn ảnh. Chúng ta phải làm ra những thứ dành cho đại chúng, không phải trốn chạy khỏi thực tế để phục vụ một nhóm cá nhân chuyên gây rối".

Thông thường, cần đến 2 hoặc 3 năm để Hollywood có thể sản xuất một bộ phim chất lượng. Vì thế, còn quá sớm để nói về tác động của vụ việc đối với ngành công nghiệp có tạo nên những tác phẩm điện ảnh hay không. "Có lẽ sẽ có nhiều đau khổ. Có lẽ sẽ có vài lời buộc tội. Nhưng thực ra, Hollywood cũng chỉ làm được việc phản ánh bạo lực trong một nền văn hóa lớn hơn mà thôi".

Huyền Mi
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm