Trao giải Cuộc thi “Entry của bạn”: Cuộc thi là một bộ lọc

13/12/2008 09:42 GMT+7 | Văn hoá

(TT&VH) - LTS: Chỉ diễn ra trong vòng hơn 120 phút, nhưng Lễ trao giải Cuộc thi Entry của bạn về Cuộc sống quanh ta (diễn ra tại HN, chiều qua, 12/12) đã đủ trở thành một kỉ niệm khó quên với những người tham dự. Có hoa và nước mắt, có những lời tâm sự, sẻ chia chân thành tự đáy lòng khiến cử tọa phải rưng rưng…
 
Phó Tổng Giám đốc Thông tấn xã Việt Nam, ông Nguyễn Đức Lợi, và Chủ tịch Hội đồng Giám khảo, bà Nguyễn Thị Minh Thái, trao giải Nhì (không có giải Nhất) cho bạn Trần Hoàng Long, tác giả entry "Bên mẹ". Ảnh Minh Đức

Dưới góc nhìn của người đào tạo báo chí truyền thông, PGS.TS Nguyễn Thị Minh Thái, Chủ tịch HĐGK Cuộc thi bày tỏ những suy nghĩ của mình về thế giới mạng nói chung qua cuộc thi này.

1. Có lẽ chúng ta đều biết chuyện về cuộc chiến tranh vùng Vịnh do Mỹ và liên quân tiến hành ở Iraq. Trong cuộc chiến ấy, hầu hết phương tiện truyền thông đại chúng thế giới đều bị Mỹ và phương Tây phong tỏa, các phóng viên chiến trường không được phép tiếp cận với các nguồn tin tại thực địa. Kênh thông tin gần như duy nhất để liên thông được với thế giới, cho thế giới phần nào thấy được bộ mặt thảm khốc của chiến tranh, chỉ là những dòng nhật ký điện tử của các cư dân bị vây hãm ở Bagdad. Như vậy, những trang nhật ký điện tử ấy, mà ngày nay chúng ta đã quen gọi là “blog”, đã đi vào cuộc sống để thành một phần của đời sống xã hội! Người viết nhật ký điện tử, những blogger, đã thành người phản ánh, qua góc nhìn riêng tư, một phần của đời sống xã hội.
 
Nhà văn Đỗ Kim Cuông - Vụ trưởng Vụ Văn hóa Văn nghệ,
Ban Tuyên giáo Trung Ương – phát biểu tại Lễ tổng kết. Ảnh
Minh Đức
 
Trong xu thế hội nhập mạnh mẽ, ở Việt Nam, các blog cũng phát triển rất mạnh. Không thiếu ví dụ về sức mạnh của cộng đồng này mà gần đây nhất, trong trận lụt kéo dài suốt tuần lễ đầu tháng 11-2008 tại Hà Nội, một số mạng đã nhờ vào sự giúp đỡ của các blogger nên đủ sức cập nhật liên tục những câu chuyện, hình ảnh, vượt hẳn một số cơ quan truyền thông chuyên nghiệp về khả năng có mặt ở khắp nơi và tính kịp thời. Cũng nhờ vào lực lượng blogger mà nhiều toà soạn báo có được những bức ảnh độc đáo, dở khóc dở cười về đời sống của người dân Hà thành tại các điểm ngập nặng…

Entry, bản thân nó đã trở thành một sự thực độc đáo trong môi trường truyền thông ở Việt Nam đầu TK XXI. Từ hiện tượng truyền thông này, đã dẫn đến ý tưởng độc đáo của báo Thể thao -Văn hoá là tổ chức một cuộc thi quy mô cho cộng đồng blogger tại Việt Nam, nhằm kịp thời kích thích sức sáng tạo và khả năng đóng góp của cộng đồng này đối với đời sống mạng cũng như đời sống truyền thông chung của nước ta.
 
Như vậy, lần đầu tiên tại Việt Nam, một cuộc thi quy mô đã được tổ chức cho đối tượng blogger mang tên “Entry của bạn về cuộc sống quanh ta”.
 
Trần Hoàng Long (cầm hoa) tác giả Entry "Bên mẹ". Ảnh Minh Đức
2. Cuộc thi gây được sự chú ý rộng khắp và thu hút hàng ngàn blogger tham gia. Sau gần bốn tháng, Ban tổ chức nhận được khoảng 2000 entry dự thi, từ đông đảo các blogger xa gần trong và ngoài nước gửi về. 860 entry đã được chọn đăng, trong đó, 100 entry xuất sắc nhất đã được lựa chọn để chấm chung khảo, nhận các giải thưởng của cuộc thi.
 
Cuộc thi đã đạt được nhiều kết quả rất đáng khích lệ. Rất nhiều các bài viết được đánh giá là hay, thể hiện thẳng thắn và sâu sắc quan điểm của blogger về các vấn đề của cuộc sống hôm nay, bao gồm các tác phẩm đoạt giải cao nhất như Bên mẹ; Cú điện thoại 9h30’ tối; Entry cực ngắn hay Phu chữ (Giải của Hội đồng giám khảo); Tin nhắn của mẹ hay Ngõ Hà Nội- loanh quanh nhìn chuyện xưa nay (Giải do độc giả bình chọn). Mỗi bài viết đều thể hiện suy nghĩ của tác giả về cuộc sống, con người, thậm chí còn gợi ý với hy vọng tìm thấy lời giải cho những bài toán từ hiện thực cuộc sống. Trước hết cần ghi nhận sự đa dạng, phong phú, nhiều màu vẻ của các entry. Mỗi một blog giống như một “ngôi nhà” nho nhỏ của vị chủ nhân - blogger, mà trong đó, mỗi entry thể hiện một lát cắt của cuộc sống mà ẩn đằng sau là cái nhìn của blogger, với “thần thái” rất riêng, thực sự thu hút được nhiều cá tính đa dạng đặc sắc.
 
Tổng Biên tập báo Thể thao & Văn hóa Ngô Hà Thái (trái) và đại diện nhà tài trợ Hưng Long trao giải Entry được bình luận nhiều nhất cho bạnNguyễn Thị Trà My, tác giả entry Ngõ Hà Nội - loanh quanh nhìn chuyện xưa nay". Ảnh Minh Đức
 
3. Với cuộc thi này, theo tôi, báo TT&VH đang làm một công việc cực kỳ dũng cảm, bởi về một phương diện nào đó, các blog cũng như các entry hiện diện trên mạng hôm nay còn khá tản mát, phân tán, thậm chí có người còn bi quan cho rằng nó đang trong tình trạng tương đối náo loạn. Nhưng chính trong bối cảnh này tôi càng hoan nghênh cuộc thi cũng như hoan nghênh các bạn tham gia cuộc thi. “Chuẩn” của của chúng tôi về entry đã được xác lập, hiển hiện qua các tác phẩm được giải thưởng. Cuộc thi này giống như một bộ lọc mang tính tẩy rửa, thanh lọc, cho thấy những kiểu viết, những kiểu thái độ, và những kiểu chia sẻ, cả những đồng cảm sâu sắc muốn được ủng hộ, và trao giải sẽ phải là như thế nào... Vâng, không phải cái gì cũng có thể chia sẻ, đồng cảm được, tôi cho là như vậy, dù ta có thể chia sẻ một thứ riêng tư nhất là Nụ hôn đầu (giải Ba), hay là một cuộc chia sẻ thật cảm động đã diễn ra ngay cuộc trao giải này với entry Bên mẹ của Trần Hoàng Long (17 tuổi) được chính tác giả đọc thuộc nằm lòng ngay tại Lễ trao giải, khiến cử tọa rưng rưng. Nhưng cũng có những thứ không thể chia sẻ, vì đó chỉ là những ý kiến lạc lõng.

Có mặt tại Lễ trao giải, đại diện NXB Trẻ, ông Nguyễn Trương Quý cho biết: NXB Trẻ sẽ tập hợp một số entry hay tham gia Cuộc thi này để xuất bản thành một cuốn sách với nhan đề (dự kiến): Chân ngắn thời hiện đại – những entry hay nhất trên TT&VH. Cuốn sách dự kiến ra mắt vào đầu năm 2009.

Blog là một sự thật trong môi trường truyền thông hiện đại, nhưng tôi cho rằng nó đang trong tình trạng hỗn loạn, là bởi vì ai cũng có thể nghĩ mình là một nhà truyền thông. Và đã có người "truyền thông” theo tin đồn. Tin đồn, vì thế đã còn tác oai tác quái trong môi trường truyền thông của TK 21. Vì thế, theo tôi, một blog lành mạnh, tử tế có tinh thần công dân thì phải tránh trở thành một kẻ tung tin đồn hay một kẻ “buôn dưa lê”

Nếu Nhà nước có ý định và muốn quản lý blog, thì các blog cũng đừng vì thế mà cảm thấy bị mất tự do. Một triết gia từng nói, tự do là sự nhận thức được cái tất yếu. Khi môi trường truyền thông hiện đại cho phép mỗi công dân có thể lập được blog, thì họ cũng cần nhận thức được cái tất yếu của tự do trong môi trường này, trong nhận thức tính dân chủ và sự tự chịu trách nhiệm về những phát ngôn trên mạng của mình…

Từ cuộc thi như “Entry tâm đắc của bạn về cuộc sống quanh ta”, hẳn chúng ta sẽ có cái nhìn tương đối thấu đáo và bao quát về các blogger. Từ đây có thể tìm thấy một gợi ý nào đó nhằm phát huy mặt mạnh của blog và làm giảm hạn chế có thể tránh được và không đáng có của blog - chính là gợi ý về cách quản lý blog sao cho hợp lý, hợp tình trong hoàn cảnh thực tế của Việt Nam trên đường phát triển.

Kết quả đáng khích lệ của cuộc thi cũng mở ra khả năng về các cuộc thi khác trong tương lai, để cộng đồng mạng thật sự trở thành một lực lượng đáng kể, đóng góp tích cực vào sự phát triển chung của đời sống văn hoá xã hội ở Việt Nam.
 
PGS.TS Nguyễn Thị Minh Thái

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm