Bin Laden chết, thế giới an toàn hơn?

03/05/2011 09:59 GMT+7 | Trong nước

Cuối cùng, sau gần mười năm truy nã gắt gao, an ninh Mỹ đã tiêu diệt được Osama Bin Laden - trùm khủng bố của Al-Qaeda, kẻ chủ mưu vụ tấn công 11-9-2001 tại Mỹ làm gần 3.000 người thiệt mạng.

>> Chuyên đề: Osama bi Laden đã chết

Trong bài phát biểu trên truyền hình trực tiếp đêm 1-5 (giờ Mỹ, sáng 2-5 giờ VN), Tổng thống Mỹ Barack Obama thông báo lực lượng Mỹ đã bắn chết Bin Laden ngày 1-5 tại một khu dinh thự trong thành phố Abbottabad ở Pakistan, cách thủ đô Islamabad khoảng 50km về phía đông bắc. Ông Obama mô tả cái chết của Bin Laden là “thành tựu lớn nhất từ trước đến nay của Mỹ trong nỗ lực tiêu diệt Al-Qaeda”.



Tin Bin Laden chết nổi bật trên trang nhất một tờ báo ở Washington DC, Mỹ - Ảnh: Reuters

Nhiều nhà lãnh đạo quốc tế khẳng định một thế giới không có trùm khủng bố Bin Laden sẽ trở nên an toàn hơn. “Thành tựu quan trọng này là một chiến thắng đối với nước Mỹ, đối với những người tìm kiếm hòa bình trên thế giới và những ai mất người thân trong vụ tấn công 11-9 - Reuters dẫn lời cựu tổng thống Mỹ George W. Bush - Nước Mỹ đã đưa ra thông điệp mạnh mẽ: Công lý sẽ được thực thi dù có mất thời gian bao lâu”. Lãnh đạo Nghị viện châu Âu Jerzy Buzek lạc quan tuyên bố: “Chúng ta thức dậy trong một thế giới an toàn hơn”.

"Cái chết của Bin Laden là thắng lợi của các thế lực hòa bình, nhưng điều đó không có nghĩa chủ nghĩa cực đoan đã bị đánh bại"

Thủ tướng Đức Angela Merkel

"Chủ nghĩa khủng bố đã hứng chịu một thất bại nặng nề, nhưng đây không phải là sự kết thúc của Al-Qaeda"

Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy

Tuy nhiên, chính Tổng thống Mỹ Obama lại cảnh báo “Al-Qaeda chắc chắn sẽ tiếp tục tìm cách tấn công chúng ta”. Thủ tướng Anh David Cameron cũng đưa ra thông điệp tương tự. AFP cho biết Bộ Ngoại giao Mỹ vừa đưa ra cảnh báo “công dân Mỹ ở các khu vực từng xảy ra bạo lực chống Mỹ hạn chế đi lại, tránh tụ tập”.

Bộ Ngoại giao Anh yêu cầu các đại sứ quán của mình trên thế giới tăng cường giám sát an ninh. Theo tài liệu mật về nhà tù Guantanamo đăng trên trang WikiLeaks, nghi can Khalid Sheikh Mohammed, một trong những kẻ thực hiện vụ tấn công 11-9, từng khai Al-Qaeda sẽ cho nổ bom hạt nhân ở châu Âu trong trường hợp Bin Laden bị giết.

Theo AFP, mới đây lực lượng Taliban ở Pakistan đã lên tiếng đe dọa sẽ tấn công Pakistan và Mỹ để báo thù cho Bin Laden. “Nếu ông ấy đã tử vì đạo, chúng tôi sẽ báo thù và tổ chức các đợt tấn công nhắm vào chính quyền, lực lượng an ninh Pakistan và Mỹ - AFP dẫn lời người phát ngôn Taliban Ehsanullah Ehsan - Đó là những kẻ thù của đạo Hồi”. Trên các trang mạng Hồi giáo, nhiều kẻ quá khích lên tiếng kêu gọi báo thù cho Bin Laden. CIA thừa nhận chắc chắn Al-Qaeda sẽ mở cuộc tấn công báo thù.

Giới quan sát nhận định cái chết của ông trùm Bin Laden sẽ là một đòn nặng nề giáng vào nhuệ khí của Al-Qaeda và các phong trào Hồi giáo vũ trang. Thế nhưng, điều đó không có nghĩa chủ nghĩa khủng bố sẽ tàn lụi. “Chủ nghĩa khủng bố xuyên quốc gia sẽ không chết. Vai trò xuyên quốc gia của Al-Qaeda đã dần được chuyển giao cho các tổ chức khu vực như Al-Qaeda ở bán đảo Ả Rập hay Lashkar e Taiba (Pakistan). Một điều quan trọng nữa là nhân vật số 2 trong Al-Qaeda là Ayman al-Zawahri vẫn đang tự do” - Reuters dẫn lời chuyên gia Sajjan Gohel thuộc Tổ chức châu Á - Thái Bình Dương.

Phần lớn các chuyên gia đều dự báo nhân vật số 2 này sẽ thay thế Bin Laden lãnh đạo Al-Qaeda, bởi chính ông trùm này mới là bộ não của Al-Qaeda. Các nhà phân tích cũng cho rằng cái chết của Bin Laden sẽ không ảnh hưởng đến các chiến dịch của lực lượng Taliban chống Mỹ và đồng minh ở Afghanistan và Pakistan.

Chiến dịch lùng diệt ở Pakistan

Trùm khủng bố Bin Laden không lẩn trốn trong một hang động trên núi ở khu vực biên giới Afghanistan - Pakistan như đồn đại, mà trong một tòa dinh thự ở Abbottabad, lớn gấp tám lần các tòa nhà xung quanh, được bao bọc bằng các bức tường cao 4-8m, trị giá tới 1 triệu USD.

ABC News dẫn lời các quan chức Mỹ tiết lộ tình báo Mỹ đã theo dõi một người đưa thư tin cẩn của Bin Laden trong nhiều năm và đến tháng 8-2010 lần theo hành tung của hắn tới tòa dinh thự ở Abbottabad. Tòa nhà không có điện thoại hoặc kết nối Internet, có rất ít lối ra vào và luôn kín cửa. Tình báo Mỹ nhận định đây là nơi trú ẩn của một “con mồi” lớn. Đến giữa tháng 2-2011, tình báo Mỹ kết luận hầu như chắc chắn kẻ đang trú ẩn là Bin Laden.

Trong hai tháng sau đó, Tổng thống Barack Obama đã họp năm lần với Hội đồng an ninh quốc gia để thảo luận kế hoạch tiêu diệt Bin Laden. “Đến tuần trước, tôi xác định chúng ta đã có đủ thông tin tình báo để hành động và ra lệnh mở chiến dịch bắt giữ, đưa Bin Laden ra công lý” - Tổng thống Obama tiết lộ. Giám đốc Cơ quan Tình báo trung ương Mỹ (CIA) Leon Panetta là người chỉ đạo chiến dịch. Các quan chức Mỹ cho biết từ 1g30 sáng 1-5 (giờ Mỹ), hai trực thăng Mỹ đã bay đến tòa nhà. Khoảng 20-25 lính đặc nhiệm SEAL thuộc lực lượng hải quân Mỹ đã xông vào tấn công tòa nhà. 



Giường ngủ nơi Bin Laden bị bắn chết tại Pakistan - Ảnh: Reuters

Sau một cuộc đọ súng kéo dài 40 phút, Bin Laden cùng một người con trai và hai người đưa thư của hắn bị bắn chết. Bin Laden đã nổ súng trong cuộc giao tranh, như các quan chức Mỹ cho biết, và bị bắn trúng đầu. Một trực thăng Mỹ bị hư hại trong chiến dịch nhưng không lính Mỹ nào bị thương. Tổng thống Obama cho biết tình báo Mỹ đã phối hợp với an ninh Pakistan trong chiến dịch tiêu diệt Bin Laden, nhưng chỉ có lính Mỹ thực hiện trận càn.

Lính Mỹ đã giữ thi thể của Bin Laden và xác nhận đây chính là ông trùm Al-Qaeda. Chính quyền Mỹ đã so sánh ADN của kẻ bị giết ở Abbottabad với ADN của chị Bin Laden, qua đời ở Boston, Mỹ. Phía Mỹ cho biết đã xử lý thi thể của Bin Laden “theo đúng truyền thống đạo Hồi”. Sau đó thi thể Bin Laden đã được chôn vùi dưới biển do Mỹ lo ngại một nấm mộ chôn Bin Laden sẽ trở thành địa điểm thu hút những kẻ cuồng tín.


Theo Tuổi trẻ

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm