Đại chiến Đức - Hà Lan: Một lịch sử đối đầu khốc liệt

13/06/2012 16:16 GMT+7 | Ăn, ngủ cùng Euro

(TT&VH Online) - Trận thua tai hại trước Đan Mạch trong ngày ra quân đã đẩy Hà Lan vào thế khó. Họ không được phép thua, thậm chí là phải thắng trước kẻ thù lớn nhất của mình trong thế giới bóng đá – người Đức.

Quay ngược thời gian để trở lại với thời điểm cách đây gần 40 năm, đó là trận Chung kết Cúp Thế giới năm 1974 tổ chức tại Đức giữa nước chủ nhà Tây Đức và Hà Lan. Đó cũng là thời điểm gần 35 năm sau ngày mà đất nước trung lập bé nhỏ Hà Lan kí bút vào bản văn kiện đầu hàng trước Phát xít Đức. Thời điểm năm 1940 ấy, Phát xít Đức đã giết hại hơn 260.000 dân số Hà Lan và người Hà Lan của Johan Cruyff xem trận đấu này như là dịp để hành hạ người Đức. Và họ đã làm được điều đó trong những phút đầu tiên của trận đấu, người Đức thậm chí còn không chạm được vào bóng và thi đấu có phần bối rối nhưng cuối cùng, Tây Đức của Beckenbauer mới là những người chiến thắng nhờ bàn thắng của “vua dội bom” Gerd Mueller cùng một lối chơi lạnh lùng đến rợn người. Đó là “thất bại trên mọi thất bại” của người Hà Lan, trận đấu mở màn cho mối thâm thù kinh điển giữa hai nền bóng đá hùng mạnh của thế giới.


Cruyff và Beckenbauer, hai đại diện tiêu biểu của bóng đá Hà Lan và Đức - Ảnh Internet

Năm 1988, họ lại gặp nhau, lần này là bán kết tại Cúp Châu Âu. Người Hà Lan không còn Cruyff nhưng vẫn có “tướng quân” Rinus Michels cùng một thế hệ cầu thủ xuất sắc của Rijkard – Gullit – Van Basten, họ thắng Đức với tỷ số 2-1 với pha chớp thời cơ của Van Basten – cầu thủ xuất sắc nhất Euro năm đó. Trận chung kết sau đó Hà Lan thắng tiếp Liên Xô và trở thành nhà vô địch – danh hiệu lớn đầu tiên và cũng là duy nhất của họ cho đến thời điểm này.

Sau này tại Italia 90, Đức và Hà Lan lại gặp nhau một lần nữa, tại vòng đấu loại trực tiếp đầu tiên và người Đức lại khiến Hà Lan ôm hận với màn trình diễn xuất sắc của Klinsmann và chiến thuật hợp lý của Beckenbauer. Sau đó, Đức tiến một mạch đến ngôi vô địch một cách hoàn toàn xứng đáng.

Những trận cầu của người Đức và Hà Lan luôn là những trận đấu kinh điển của bóng đá thế giới, nhiều huyền thoại đã ra đời sau những trận chiến đầy thù hận đó. Vòng chung kết Cúp thế giới năm 1974 đã biến Hà Lan trở thành đội bóng được yêu mến bậc nhất thế giới và thứ tư tưởng của họ đã trở thành tôn chỉ cho nhiều đội bóng yêu cái đẹp sau này dẫu cho lịch sử thì lại vinh danh Beckenbauer với vai trò libero huyền thoại của ông. Năm 1988 là một sự công nhận cho một thế hệ tài năng của Hà Lan với cặp trung vệ Koeman - Rijjkard và Gullit – Van Basten lĩnh xướng hàng công, Italia 90 lại là một sự thừa nhận khác dành cho bộ đôi Lothar Matthaus – Klinsmann của Đức và đưa Beckenbauer trở thành người đầu tiên vô địch thế giới ở cả cương vị cầu thủ cũng như huấn luyện viên của đội bóng. Trận đấu năm 1990 cũng đánh dấu tinh huống gây tranh cãi và 2 chiếc thẻ đỏ nổi tiếng dành cho Rijkaard và Rudi Voeller bên phía mỗi đội.

Penalty: Những trận đấu của Hà Lan và Đức luôn có rất nhiều penalty. Năm 1974 2 quả, năm 1988 2 quả và năm 1990 1 quả. Biết đâu đấy trận đấu đêm nay sẽ được giải quyết bằng một tình huống phạt đền.

2-1: Là tỷ số trong cả 3 trận đấu của Hà Lan – Đức trong các năm 1974, 1988 và 1990, Đức chiến thắng 2 còn Hà Lan thắng 1.

Xuyên suốt những trận đấu có sự góp mặt của đội tuyển Đức và Hà Lan, bên cạnh việc đua tranh để giành những chiếc cup còn là những trận chiến của tính cách giữa những đội bóng có cá tính và giàu tính dân tộc bậc nhất. Nếu như Đức là một dân tộc thượng đẳng, trong bóng đá hay bất kỳ thứ gì khác, họ luôn xem mình là bề trên trước mọi đối thủ nhưng cách làm việc của họ lại rất thận trọng và kỹ càng. Họ chiến thắng theo cách giết chết tính chiến đấu của đối thủ và nhờ đó thi triển lối chơi theo cách bền bỉ nhất – thì Hà Lan lại khác, họ thi đấu theo cảm hứng nhiều hơn nhưng không theo một vũ điệu lôi cuốn và tự do như người Brazil mà để trận đấu là màn trình diễn của những cái tôi – những cái tôi vĩ đại và duy nhất. Khi những cá nhân đó không bị đè nén bởi những cái tôi khác trong đội bóng như năm 1988, họ thi đấu thăng hoa và giành chức vô địch, năm 2010 cũng là một Hà Lan đoàn kết và họ thi đấu thành công. Ngược lại khi những cái tôi không nhìn về một hướng, họ thất bại, điển hình là trận đấu năm 1974 với phe muốn tra tấn đối thủ của Cruyff và phe muốn giành chiến thắng của  Rep và Van Hanegem.

Các CĐV của cả hai đội bóng cũng là những hình ảnh rất trái ngược nhau. Cùng với người Anh, những CĐV của Hà Lan là những người ồn ào nhất và gây náo loạn ở bất cứ nơi đâu họ đến. Nhiều người kể lại rằng thậm chí trong WC, những người Hà Lan cũng có thể nhảy múa, WC tại các sân vận động có mặt người Hà Lan luôn là những bãi rác. Người Đức thì ngược lại, họ điềm đạm nhất không hô hào quá trớn khi đi xem bóng đá ở nước khác và ít khi mở miệng khi đi vệ sinh. Hà Lan chiến thắng, các CĐV của họ sẽ nhảy múa, leo trèo thật cao và thả mình trong tốc độ (giống như đi bão ở Việt Nam), còn người Đức thì họ đón nhận chiến thắng như kiểu lẽ ra nó phải thế. Tuy nhiên, đó là bình thường, còn khi đối đầu nhau, và chiến thắng kẻ thù của mình, có lẽ cả Đức và Hà Lan sẽ phát điên thật sự! Đối với các CĐV, đặc biệt là của Hà Lan, họ có thể thua bất cứ ai, trừ người Đức.

Thế giới bóng đá đã thay đổi quá nhiều sau thời của Cruyff và Beckenbauer, đặc biệt là trong mười năm trở lại. Những vị trí bất hủ trên sân bóng như libero của người Đức, kiểu mẫu số 10 cổ điển của người Pháp, trung vệ thòng của Hà Lan đã hoàn toàn biến mất. Thay vào đó là sự lên ngôi của sơ đồ có 2 tiền vệ trụ và chỉ một tiền đạo cắm. Đức và Hà Lan cũng không nằm ngoài quy luật đó, ở Euro lần này cả hai đều chơi 4-2-3-1 và có rất nhiều điểm tương đồng. Tuy nhiên đó chỉ là sở đồ, con người và tính cách của họ vẫn như xưa. Người Đức vẫn rất khoa học và trong mỗi pha bóng của mình còn Hà Lan vẫn sống dựa vào những cái cái tôi, của Robben và đâu đó vẫn còn những tranh cãi không ngừng trong nội bộ đội bóng, đặc biệt là vị trí của Persie – Huntelaar, Van der Vaart – Afellay.

Tôi đã từng rất mong chờ Đức vượt qua TBN tại Nam Phi 2010 để được chứng kết trận chung kết World Cup giữa Đức và Hà Lan. Điều đó đã không xảy ra vì thế giới bóng khoảng 3,4 năm đó là của người TBN, họ thắng cả Đức và Hà Lan để lên ngôi. Năm nay thì đã có đại chiến Đức – Hà Lan, không phải là chung kết nhưng cũng rất đáng để chờ đợi, vì sự sống còn của người Hà Lan.

Trung Kiên

* Bài viết thể hiện quan điểm cá nhân của độc giả. Bạn đọc có thể phản hồi ngay trong mục comment dưới đây, hoặc gửi ý kiến, bài vở về địa chỉ hòm thư điện tử quocte.ttvhonline@gmail.com.

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm