Hà Lan: Khi sự ích kỉ trở thành nỗi nhức nhối

13/06/2012 13:23 GMT+7 | Bảng B

(TT&VH) - Hà Lan đã thay đổi rất nhiều dưới bàn tay của Bert van Marwijk. Lối đá tấn công tổng lực từng được coi là một đặc sản của họ đã dần biến mất bởi tư duy cầm quân thực dụng của nhà cầm quân này. Có một thực tế là khi Hà Lan chơi thực dụng, thậm chí là đá "bẩn" khi cần thiết, họ vẫn mang về tính hiệu quả cao nhất. Nhưng tất cả dường như đã là quá khứ…

Quay ngược thời gian 2 năm trước khi Hà Lan dự World Cup 2010, thời điểm mà tư duy thực dụng bắt đầu ngấm sâu vào tư tưởng của đội bóng áo màu cam, cũng là lúc lối chơi của họ thay đổi mạnh mẽ nhất. Trên đất Nam Phi, không còn một Hà Lan lãng mạn, không còn một lối chơi tấn công bóng bẩy nhưng ở đó là một Hà Lan hiệu quả và thực tế. Sự thay đổi xấu xí đưa họ tiến thẳng tới trận chung kết, sau khi loại cả Brazil (ở tứ kết) và để có được thành công ấy, Hà Lan đã thể hiện được sự gắn kết, tự biến mình thành một khối đồng nhất mà ở đó, tất cả những con người được ra sân đều nỗ lực, tích cực chiến đấu để phục vụ cho Sneijder, con át chủ bài trong lối chơi của họ khi ấy.

Đằng sau những nụ cười này là sự ích kỉ của mỗi một cái tôi cá nhân - Ảnh Getty

Sự đoàn kết, lao động vì nhau như một chất kết dính và tạo ra động lực để đưa Hà Lan tiến về phía trước. Dù không được đánh giá là một ứng viên lớn cho chức vô địch nhưng họ đã đi đến đoạn cuối của con đường và nếu may mắn hơn, chức vô địch thế giới đã thuộc về họ, thay vì TBN, đội đã có bàn thắng quý như vàng của Iniesta trong quãng thời gian hiệp phụ. Hà Lan chưa thể vô địch thế giới nhưng họ vẫn mãn nhãn và tự hài lòng mình đã làm tốt, đã hướng theo được lối tư duy đậm chất thực tế, với sự đoàn kết được xây dựng từ những cái tôi biết kìm nén, để hy sinh vì một cái chung lớn lao hơn.

Từ sự ích kỷ của Robben

Con số

1988. Người Hà Lan đang chờ đợi vào tinh thần của EURO 1988. Tại giải đấu năm ấy, họ cũng khởi đầu vòng bảng bằng một thất bại khi thua 0-1 trước Liên Xô cũ. Tuy nhiên, chiến thắng trước Anh (3-1) và CH Ireland (1-0) đã giúp họ vẫn có tên ở bán kết và tiến thẳng đến ngôi vô địch. Do đó, sau thất bại trước Đan Mạch, người Hà Lan vẫn đang trông chờ vào một sự lặp lại của vinh quang quá khứ.

Tiếc cho Hà Lan là họ không thể duy trì được nền tảng ấy. Hai năm sau, cũng vẫn dưới bàn tay của van Marwijk nhưng sự đoàn kết, hy sinh đã dần biến mất để nhường chỗ cho sự ích kỉ vốn đã len lỏi vào từ sau trận chung kết World Cup 2010 ấy. Chứng cứ ư? Cứ nhìn vào Robben thì sẽ thấy rõ. Theo thống kê, trong trận thua trước TBN khi ấy, Robben thậm chí còn không có một đường chuyền nào cho van Persie, người đá cao nhất trong đội hình của Hà Lan. Cá nhân tiền vệ của Bayern Munich còn bỏ lỡ 2 cơ hội ngon ăn khi đối mặt với Casillas.

Theo thời gian, tài năng của một ngôi sao khiến cho Robben ngày càng trở nên ích kỉ. Từ Bayern Munich cho đến ĐT Hà Lan, anh trở thành trung tâm của mọi sự chỉ trích không chỉ của người hâm mộ, các đồng đội và còn của các huyền thoại nữa. Điều đáng nói là van Marwijk vẫn là ngơ để rồi từ "tấm gương" ấy, sự ích kỉ đã dần hiện hữu trong mỗi một cầu thủ khác. "Những khó khăn đang lớn dần với tôi. Mỗi ngày tôi cảm thấy mình giỏi hơn những người khác nhưng điều tôi phải hứng chịu là sự thất vọng, đôi khi đó là cả sự thiếu tự tin", van der Vaart là cầu thủ mới nhất đã lên tiếng chỉ trích chính van Marwijk sau khi cảm thấy sự "bất công" mà anh đang phải hứng chịu trong vai trò của một chuyên gia dự bị. Trước đó, chính Huntelaar cũng đã thể hiện sự không hài lòng khi anh đang phải ngồi ngoài để xem van Persie đá chính.

"Tôi đẹp, tôi có quyền". Đây là một thực tế không thể phủ nhận. Huntelaar, van der Vaart và rất nhiều tuyển thủ khác đều đã có một mùa bóng thành công ở cấp CLB. Họ tỏa sáng và giúp đội bóng của mình mang về những thành công. Với tham vọng nâng cao vai trò của mình ở cấp độ đội tuyển, việc phải ngồi dự bị cho những cái tên thậm chí còn bị đánh giá kém hơn mình là một điều khó có thể chấp nhận. Từ những đòi hỏi với cái tôi quá lớn ấy, sự ích kỉ bùng phát một cách dữ dội và kéo theo sự xuống cấp của cả một hệ thống tư duy. Hà Lan bây giờ đã không còn có sự gắn kết, thiếu sự sắc sảo trong tấn công và đặc biệt là khả năng phối hợp với nhau cực dở. Thực tế ấy đã hiện hình trong trận thua trước Đan Mạch và chắc chắn sẽ không dừng lại ở những trận đấu tiếp theo, trước Đức và Bồ Đào Nha.

Bên lề đại chiến:

+ Van Bommel bị tố dùng tiểu xảo

Tâm lý của các cầu thủ Hà Lan đang là một vấn đề khá nan giải và nó đã ảnh hưởng trực tiếp đến hành động của họ trên sân đấu. Hôm 12/6 (tức 2 ngày sau khi họ bị Đan Mạch đánh bại), Mark van Bommel đã bị buộc tội là có hành động... véo tiền vệ William Kvist của đối thủ. "Van Bommel đã véo vào bụng tôi. Có lẽ anh ấy thấy tôi cần phải giảm cân", Kvist nói. Nếu nó là một hành động bông đùa, điều này chẳng có gì ghê gớm. Nhưng theo chính Kvist tiết lộ thì hành động của van Bommel đã kéo dài những 30 giây và điều quan trọng hơn, nó đến ở thời điểm nhạy cảm, khi Hà Lan nhận thất bại 0-1 thế nên rất có thể đây là một hành động có pha chút tiểu xảo của thủ quân Hà Lan.

Van Bommel bị tố cáo “chơi bẩn”- Ảnh Getty

+ Cruyff góp ý về mặt chiến thuật

Chứng kiến cái cách Hà Lan thua Đan Mạch một cách nhạt nhòa, huyền thoại Johan Cruyff đã không khỏi bức xúc. Trên Telegraaf, ông đã đưa ra những góp ý về mặt chiến thuật với HLV van Marwijk. "Hà Lan đang dồn quá nhiều bóng cho hai cầu thủ là Mark van Bommel và Nigel de Jong trong khi đẳng cấp của những cầu thủ này lại không tốt. Có rất nhiều những cầu thủ tốt hơn trong đội hình. Khi chơi với Đan Mạch, việc sử dụng 2 tiền vệ phòng ngự để hỗ trợ cho hàng thủ là thừa thãi".

Trần Giáp

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm