Nhà thơ Hoàng Cầm đã... "Về Kinh Bắc" (*)

09/05/2010 06:51 GMT+7 | Đọc - Xem

(TT&VH Cuối tuần) - 9h12 sáng (6/5), nhà thơ Hoàng Cầm đã ra đi mãi mãi. Một cái tin không bất ngờ với nhiều người, khi nhà thơ đất Kinh Bắc đã “Nằm nghiêng nghiêng trong kháng chiến trường kỳ” như cái nghiệp thơ vận vào suốt gần 10 năm qua, nhưng cũng khiến cả làng văn, làng báo Hà Nội ngậm ngùi, xót xa… Cúi lạy Mẹ con trở về Kinh Bắc/ Chiều xưa giẻ quạt voi lồng/ Thân cau cụt vẫy đuôi mèo trắng mốc/ Chuồn chuồn khiêng nắng sang sông… Hoàng Cầm đã về với Kinh Bắc thật rồi.


 Ở Hà Nội năm 1996
1.
Nhiếp ảnh gia Nguyễn Đình Toán là người bạn vong niên thân thiết với nhà thơ Hoàng Cầm. “Tình bạn” của hai người được vun đắp từ cái sự “mê” thơ Hoàng Cầm của Nguyễn Đình Toán. Không “mê” sao được những: Ngày cưới chị/ Em tìm thấy lá/ Chị cười xe chỉ ấm trôn kim/ Chị ba con/ Em tìm thấy lá/ Xòe tay phủ mặt chị không nhìn/ Từ thuở ấy/ Em cầm chiếc lá/ Đi đầu non cuối bể/ Gió quê vi vút gọi/ Diêu Bông hời.../ Ới Diêu Bông! Kỷ niệm gắn bó giữa hai người như một câu chuyện dài bất tận…


Nhiếp ảnh gia Nguyễn Đình Toán nhớ lại, năm 1982, khi Hoàng Cầm “gặp nạn” với tập thơ Về Kinh Bắc, bản thảo viết tay tập thơ này do Văn Cao vẽ bìa, Bùi Xuân Phái minh họa bị thu giữ. Lúc đó, Nguyễn Đình Toán đã nhờ một người quen trong ngành công an mang ra ngoài cho ông chụp lại vài trang, trong đó có bài Lá diêu bông, Cây tam cúc… Đến giờ, những tấm ảnh này ông vẫn còn lưu giữ, nhưng tập bản thảo viết tay ấy không ai còn biết đã đi về đâu? Có lẽ, hai người đã thân thiết hơn từ ngày đó.

Không giống như những người bạn thâm giao khác, với gia đình Hoàng Cầm, Nguyễn Đình Toán như một người thân. Những dịp giỗ, Tết, ông ít khi vắng mặt. Năm nào cũng thế, mùng Một Tết, Nguyễn Đình Toán lại cùng cả đại gia đình nhà thơ trở về ngôi nhà cũ ở Bắc Ninh… Nguyễn Đình Toán kể,  Hoàng Cầm là người sống tình cảm. Nhà thơ nhiều bạn và đều được mọi người yêu mến, quý trọng. Ba lần nhà thơ lấy vợ, thì riêng người vợ thứ ba đã có sáu con riêng trước khi cưới. Sau, họ có thêm hai con trai. Song tất cả các con, cả chung và riêng, đều kính trọng, yêu thương Hoàng Cầm. Họ đều tận tình chăm sóc nhà thơ cho tới phút cuối đời. Thật đáng trọng một người thơ và một nhân cách sống!


Với nhà văn Kim Lân (trái) năm 2003
2. Một kỷ niệm sâu sắc của nhà thơ Hoàng Cầm và nhiếp ảnh gia Nguyễn Đình Toán cũng đã trở thành giai thoại. Đó là chuyến đi kéo dài 17 ngày từ Hà Nội đến Huế. Ngày 1/4/1993, xuất phát từ báo Văn Nghệ, Hoàng Cầm và Nguyễn Đình Toán theo chân Hòa Vang và Nguyễn Lương Ngọc đi bộ xuyên Việt. Hòa Vang bảo, ngày 1/4, người ta nói dối, hôm nay, chúng ta không nói mà chúng ta đi! Mà duyên nợ thế nào cả bốn vị đều tuổi Tuất. Hoàng Cầm vỗ ngực: “Đây là cún già. Cún lớn, cún bé là Lương Ngọc và Hòa Vang, còn “thằng” Toán là cún săn, đi đâu cũng lăm lăm máy ảnh…”. Thế là hai ông Hòa Vang và Lương Ngọc đi bộ, còn nhiếp ảnh gia Nguyễn Đình Toán chở nhà thơ Hoàng Cầm bằng xe máy tà tà theo sau. Nhưng thực ra, các nghệ sĩ chỉ đi bộ từ Hà Nội tới Nhị Khê (thuộc Thường Tín, Hà Nội ngày nay), ngủ ở đền thờ Nguyễn Trãi, sáng hôm sau lại đi tiếp bằng… xe máy. Giữa chừng nghe tin vợ Hoàng Lập Ngôn mất, thầy trò Hoàng Cầm và Nguyễn Đình Toán quay lại Hà Nội đưa tang rồi lại đuổi theo Hòa Vang và Lương Ngọc… Lúc đến Ninh Bình, chủ khách sạn Hoa Lư nhận ra nhà thơ Hoàng Cầm, bèn mời hai thầy trò vào khách sạn nghỉ lại một đêm. Nghe tin hai ông đi bộ vừa qua Ninh Bình, nên hôm sau hai người lại đi tiếp… Đến tận Huế rồi thì hóa ra Hòa Vang, Lương Ngọc vẫn còn ở Quảng Trị… Ngày 17/4/1993, thầy trò Hoàng Cầm, Nguyễn Đình Toán trở về Hà Nội…


Nhận giải thưởng Nhà nước năm 2007
Nhiều người biết Hoàng Cầm nghiện thuốc lào. Nghe kể, đến tận lúc ốm liệt giường, nhà thơ vẫn muốn hút điếu cày. Lần nào đi đâu mà không mang theo điếu thì nhà thơ nhớ lắm, không chịu được. Năm 1993, vào Huế, nhà thơ Hải Bằng phải đi chặt tre làm điếu để cụ hút. Một lần ở sân bay, không kiếm đâu được điếu cày, nhiếp ảnh gia Nguyễn Đình Toán đã đục vỏ lon bia làm điếu…


Trong đám giỗ nhà văn Phùng Quán năm 1995
3. Cho tới lúc nhà thơ Lê Đạt mất, Hoàng Cầm vẫn còn rất minh mẫn. Nhà thơ tự trách, sao Lê Đạt ít tuổi hơn lại chết trước mình… Nhưng từ mấy năm nay, cụ cũng không viết được gì nữa. Cách đây nhiều năm, nhà thơ Hoàng Cầm đã nói và tự thu âm những hồi ức vào 53 băng cassette. Theo nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo, năm 2006 ông được nhà thơ Hoàng Cầm giao cho 11 cuốn băng trong số đó. Mỗi băng dài 90 phút. Nguyễn Trọng Tạo thường nghe vào lúc đêm khuya. Trong những cuốn băng ông đã nghe có nhiều chuyện chưa từng biết tới. “Giọng nhà thơ kể đều đều, chân thành và chua xót, cứ kể như bất tận về cuộc đời ông xoay quanh những câu chuyện bạn bè văn nghệ và những sự kiện mà ông trải qua” – nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo cho biết. Nhưng Nguyễn Trọng Tạo chưa kịp nghe hết số băng thì ông Hoàng Kỳ (nay đã mất - con trai cả của nhà thơ Hoàng Cầm) đã đến xin lại với lý do gia đình muốn chuyển băng cassette sang đĩa CD để lưu giữ… Sau đó, qua giới thiệu của nhà thơ Hoàng Hưng, Công ty Văn hóa Phương Nam đã mua bản quyền 53 cuốn băng nói trên để xuất bản Hồi ký của nhà thơ Hoàng Cầm – một cuốn hồi ký được công chúng chờ đợi. Nhưng mới đây, các con nhà thơ Hoàng Cầm cho biết, cách đây 3 năm, băng đã được giao cho Công ty Phương Nam với hợp đồng sẽ xuất bản thành sách, và gia đình đã nhận 60 triệu đồng (50% giá trị hợp đồng). Nhưng đến nay vẫn chưa thấy Phương Nam xuất bản. Khi làm hợp đồng giao nhận, người đại diện công ty là nhà văn Trần Thức, người làm chứng là nhà thơ Hoàng Hưng. Con gái nhà thơ Hoàng Cầm kể, trước khi giao băng, chị đã thuê chuyển sang đĩa CD để lưu giữ, nhưng các CD đó đang ở đâu chị cũng không nhớ. Còn nhà văn Trần Thức cho biết ông đã rời khỏi công ty Phương Nam và bàn giao lại hợp đồng này cho công ty… Nhiều người đã tỏ lo lắng cho số phận của những cuốn băng ấy. Nhà thơ Hoàng Cầm đã về với trời, còn câu chuyện về những cuốn băng hồi ức chắc chắn vẫn chưa có hồi kết…

(*) Tập thơ Về Kinh Bắc (NXB Văn học 1994)

Thu Hằng
Ảnh: Nguyễn Đình Toán

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm