Thiếu tướng Phạm Chuyên và những người bạn tưởng niệm Hoàng Cầm…

08/05/2010 15:05 GMT+7 | Văn hoá

(TT&VH) - Như TT&VH đã đưa tin, theo dự kiến của Hội Nhà văn VN, tang lễ nhà thơ Hoàng Cầm (tạ thế lúc 9h30 sáng ngày 6/5, hưởng thọ 89 tuổi) sẽ được tổ chức từ 13h đến 15h ngày 11/5 tại Nhà tang lễ Bộ Quốc phòng (5 Trần Thánh Tông, HN) với nghi thức cao nhất của Hội Nhà văn Việt Nam, vì những đóng góp của thi sĩ cho nền văn học Việt Nam hiện đại. Nhưng tối ngày 6/5, tại một địa điểm trên phố Trần Quý Kiên, Cầu Giấy, HN, Thiếu tướng Phạm Chuyên – nguyên Giám đốc Công an TP Hà Nội, dịch giả Đoàn Tử Huyến, nhà thơ Trần Ninh Hồ, nhiếp ảnh gia Nguyễn Đình Toán và những người bạn đã tổ chức Lễ tưởng niệm sớm nhà thơ Hoàng Cầm…

1. Thực ra lễ tưởng niệm nhà thơ Hoàng Cầm của những người yêu văn chương như đã kể tên trên hoàn toàn bất ngờ, chứ không phải là sắp đặt từ trước. Chẳng là, Thiếu tướng Phạm Chuyên cùng 5 người bạn là lính biên phòng từng chiến đấu ở Tây Bắc sau 55 năm ngồi lại với nhau cùng với Trần Ninh Hồ, dịch giả Đoàn Tử Huyến thì “bỗng đâu thấy ông Toán (nhà nhiếp ảnh Nguyễn Đình Toán) đùng đùng đi vào. Sau khi thấy Toán mở túi lúi húi lôi ra bức di ảnh nhà thơ Hoàng Cầm thì tất cả chúng tôi rất xúc động, cùng nhau lập một bàn thờ tổ chức tưởng niệm nhà thơ Hoàng Cầm…” – Thiếu tướng Phạm Chuyên nói.

Có mặt tại buổi lễ, người viết bài này vốn dĩ cũng từng được tới thư phòng riêng của nhà thơ Hoàng Cầm ở hẻm 43 Lý Quốc Sư không khỏi xúc động. Dãy bàn nhựa kê dài bên cạnh một cây dâu da đang mùa ra hoa. Trên chiếc bàn kê sát gốc cây dâu da là di ảnh tác giả bài thơ “Lá Diêu bông” vừa từ giã cõi trần về “Bên kia sông Đuống”. Trước di ảnh là một bát cơm trắng cắm đũa tre, một quả trứng luộc và một nhành hoa dâu da màu trắng sữa, cắm trong cốc thủy tinh lưng lửng nước…
 
Từ trái sang phải: Thiếu tướng Phạm Chuyên, dịch giả Đoàn Tử Huyến, nhiếp ảnh gia Nguyễn Đình Toán, nhà thơ Trần Ninh Hồ bên di ảnh nhà thơ Hoàng Cầm tối ngày 6/5.
Trong số những người có mặt tưởng niệm nhà thơ quá cố, người viết bài này biết rằng ai cũng có những kỷ niệm sâu đậm với cố nhà thơ. Nhưng ai cũng im lặng. Cuối cùng chỉ có nhà thơ Trần Ninh Hồ kể lại một kỷ niệm làm ông “áy náy” trong lòng. Ấy là có lần cùng Nguyễn Đình Toán về Bắc Ninh công tác, một ông Giám đốc tặng cho ông và Nguyễn Đình Toán mỗi người một lạng cao hổ. Trần Ninh Hồ mang lạng cao về ngâm rượu uống, còn Nguyễn Đình Toán thì chạy xe đến nhà Hoàng Cầm biếu lại cho nhà thơ. Thế mới biết cái tình của Nguyễn Đình Toán, một người yêu nghệ thuật, yêu bạn bè văn chu đáo đến nhường nào. Ông nói nhỏ với tôi: “Trong mỗi người ngồi đây, hay ở bất kỳ đâu đã yêu thơ Hoàng Cầm, giờ phút này hay về sau nữa có thể người ta chỉ im lặng nhưng hãy nên biết rằng họ đều có sẵn trong lòng một ngăn riêng, cất giữ suốt đời cho riêng mình biết bao nhiêu là tình cảm, kỷ niệm (về thơ và người) đối với nhà thơ. Cái ngăn ấy họ có thể khóa chặt suốt đời không cần mở ra để chứng minh với ai về tình yêu, sự trân trọng của mình với Hoàng Cầm cả. Đó cũng là một điều rất đáng trân trọng!".

“Tôi hy vọng, rất chân thành, được gặp những tâm hồn bầu bạn, có độ lượng để bao dung, có tấm lòng nhân ái để thông cảm, có tri thức đủ để hiểu thấu đáo tác phẩm và tác giả, hiểu cả điểm mạnh và điểm yếu của một người suốt đời lấy Thơ làm cứu cánh, làm mục đích, làm lẽ sống, chứ không bao giờ lấy Thơ làm phương tiện để cho mình đạt tới những gì gì đó mà tâm hồn mình không thể chấp nhận. Ví dụ như danh và lợi, sự bon chen, sự cầu cạnh, sự tâng bốc nịnh hót, dèm pha, thù hận v..v... là những cái rất xa lạ với tôi, có lẽ xa lạ cả với Thơ chân chính nữa...”

Nhà thơ Hoàng Cầm.

2. Nhìn bức ảnh đen trắng nhà thơ Hoàng Cầm ai cũng biết đây là bức ảnh cũ, nhưng lại rất mới. Cũ là bởi bức ảnh này được nhiếp ảnh gia Nguyễn Đình Toán chụp cách đây đã 14 năm (chính xác là ngày 18/5/1996). Còn nói đây là bức ảnh mới về nhà thơ là vì, theo như nhiếp ảnh gia Nguyễn Đình Toán cho biết thì: “Cách đây 14 năm, sau khi cùng nhau đi một số nơi trong Hà Nội, tôi và nhà thơ Hoàng Cầm về đến Hồ Gươm, đối diện với tòa soạn báo Hà Nội Mới thì dừng lại nghỉ chân. Bất chợt thấy thần thái ông đẹp quá, thế là giở máy bấm luôn một loạt, nhưng chưa rửa ra, và cũng chưa công bố với bất kỳ ai, giờ cụ “về với Kinh Bắc” rồi mới mang phim đi rửa, định sẽ mang đến biếu gia đình làm ảnh thờ… Vì thế, có thể xem đây là một bức ảnh mới về nhà thơ Hoàng Cầm cũng được”.

Nói rồi nhiếp ảnh gia Nguyễn Đình Toán nhìn đồng hồ giục mọi người quây lại quanh bàn thờ nhà thơ Hoàng Cầm để chụp một kiểu ảnh ghi lại buổi lễ giản dị nhưng chứa chan tình cảm chân thành của mọi người đối với nhà thơ quá cố. Xong, ông xin phép được dời di ảnh nhà thơ đến cho gia đình và bảo tôi đi cùng. Trên đường đi, nhiếp ảnh gia Nguyễn Đình Toán một tay chạy xe, một tay ôm di ảnh nhà thơ Hoàng Cầm trong lòng. Ông chạy xe chầm chậm qua từng con phố, đến phố nào, đường nào ông cũng đều nhắc tên cho “nhà thơ” nghe (nói với bức ảnh), tựa như ông đang đèo Hoàng Cầm phía sau trong một đêm dạo ngắm phố phường Hà Nội vậy.
 
Nguyễn Đình Toán trao lại bức ảnh cho gia đình Hoàng Cầm tối ngày 6/5
Đến nhà Hoàng Cầm ở 43 phố Lý Quốc Sư lúc 22 giờ đêm, cả nhà ngập trong không khí buồn thương. Thư phòng riêng của nhà thơ trên tầng 5 đang được người nhà dọn dẹp, chuẩn bị lập ban thờ cho ông. Trước đó, trong khi dọn dẹp, người con của nhà thơ Hoàng Cầm do cố gắng bê bức tượng đồng của cha dời khỏi phòng chẳng may bị ngã khiến bàn tay trái bị gãy. Trước khi vào viện bó bột, anh được nhiếp ảnh gia Nguyễn Đình Toán trao lại bức ảnh của cha mình. Thoạt nhìn, anh bảo, nom cụ trẻ quá, nhờ nhiếp ảnh gia chọn cái khác, là ảnh mầu chứ đừng là đen trắng để làm ảnh thờ. Nhiếp ảnh gia Nguyễn Đình Toán đặt bức ảnh dựa vào tựa ghế salon, lùi lại chừng 5 bước, lui sang trái, đứng đối diện, rồi lại chạy sang phải bức ảnh nói: “Với bức ảnh này, dù ở góc nào thì người trong ảnh và người xem ảnh cũng như nhìn thấy nhau. Cụ không vui mà cũng chẳng buồn”.

Tôi hỏi nhỏ nhà nhiếp ảnh Nguyễn Đình Toán: Sao ông lại nói về bức ảnh như thế? Thì được ông giải thích: “Hoàng Cầm là người làm thơ hay và thơ ông được nhiều người yêu quý. Tôi biết ông luôn trân trọng tình yêu của độc giả đối với thơ mình và ông sẽ mang theo sự trân trọng ấy với độc giả khi về miền cực lạc. Và với ai đã yêu thơ ông chắc rồi cũng sẽ được nhìn thấy bóng dáng ông mỗi khi trong đầu vang lên một câu thơ nào đó của ông. Hai bên lại nhìn thấy nhau nhờ những vần thơ không bao giờ chết. Hoàng Cầm không vui mà cũng chẳng buồn. Ông đã thanh thản với đời thơ, đời người của mình…”.
 

Ông đi nhẹ vút một đường thơ!

Nghe tin Hoàng Cầm ra đi, một CTV của TT&VH là Nguyễn Quang Vinh, dù không phải là thi sĩ, nhưng anh đã rất xúc động mà viết nên những vần thơ này. Bài thơ được anh đọc qua điện thoại để gửi tới độc giả TT&VH.

Sông Đuống mùa này đang cạn nước

Chợt sóng duềnh theo lệ thầm lăn

Bên kia…, bên ấy… và xa khắp

Bao người thương tiếc tiễn thi nhân

Ông đi nhẹ vút một đường thơ

Giữa đầu mùa nắng nóng khó ngờ

Chợt thấy mây cao như bớt chói

Theo lá diêu bông xanh niềm mơ

Nguyễn Quang Vinh (bạn đọc)

 
Phạm Nguyễn

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm