Góc nhìn 365: Số hóa 'di sản' điện ảnh

01/11/2022 06:30 GMT+7 | Văn hoá

Những bảo vật quốc gia cần được số hóa để giới thiệu cùng khán giả qua các thiết bị công nghệ, thay vì mãi lưu trữ trong kho. Các di tích, danh thắng cũng cần được số hóa về hình ảnh để tạo thành những điểm tham quan trên không gian mạng.

Tiếp tục sứ mệnh phát triển công nghiệp điện ảnh Việt Nam

Tiếp tục sứ mệnh phát triển công nghiệp điện ảnh Việt Nam

Ngày 19/1/2022, Hiệp hội Xúc tiến phát triển điện ảnh Việt Nam với sự đồng hành của các đối tác, tổ chức chương trình Triển khai hoạt động năm 2022...

Rồi xa hơn, tác phẩm mỹ thuật, các tư liệu nghiên cứu… cũng cần được triển khai theo phương hướng này.

Đó là ý tưởng chính được nhắc tới trong cuộc hội thảo về chuyển đổi số tronh lĩnh vực văn hóa, thể thao và du lịch vào giữa tuần qua.

Nhưng bên cạnh những tài nguyên văn hóa này, có một lĩnh vực rất tiềm năng cũng đang cần được số hóa: các bộ phim điện ảnh…

“Có một thực tế, hàng ngày người dân vẫn xem nhiều phim nước ngoài trên các nền tảng trực tuyến của các nhà cung cấp dịch vụ nước ngoài. Trong khi đó, phim Việt Nam lại thiếu nền tảng số của quốc gia để phổ biến. Hàng trăm, hàng ngàn bộ phim Việt Nam có chất lượng - những tác phẩm điện ảnh có giá trị sống cùng năm tháng - do nhiều nguyên nhân vẫn chưa được đưa đến rộng rãi với nhiều thế hệ công chúng trên không gian mạng”. Đó là nhân xét của bà Nguyễn Thị Thu Hà (Phó Cục trưởng Cục Điện ảnh) tại cuộc hội thảo.

Chú thích ảnh
Số hóa các di sản điện ảnh để bảo vệ “kho báu” lịch sử

Như các thông tin được đưa ra, hiện nay các kho phim của Viện Phim Việt Nam, Hãng phim Tài liệu và Khoa học Trung ương, Hãng phim Hoạt hình Việt Nam… có tới hàng nghìn bộ phim - tương đương với nhiều nghìn giờ phim. Nhưng đa phần chúng được lưu giữ ở dạng phim nhựa cất trong kho, người dân khó có cơ hội được tiếp cận. Trong khi đó, số lượng phim được chuyển đổi sang định dạng số hóa đang khá chậm chạp, thậm chí các phim đã chuyển đổi số lại tiếp tục được lưu kho, và thế hệ người trẻ vẫn chưa được tiếp cận nếu không có một đơn vị phát hành trực tuyến là trung tâm của Nhà nước.

Đáng nói, Luật Điện ảnh 2022 (có hiệu lực từ đầu năm 2023) đã có riêng một quy định về “Phổ biến phim trên không gian mạng”. Bên cạnh đó, từ cuối năm 2021, Bộ VH,TT&DL cũng đã ban hành quyết định về xây dựng đề án Trung tâm phát hành và phổ biển phim trực tuyến, với kỳ vọng có một nơi lưu giữ và phổ biến các tác phẩm điện ảnh dưới dạng số hóa qua các thời kỳ, bao gồm cả phim truyện, phim tài liệu, khoa học, hoạt hình.

Thực chất, việc xem lại những bộ phim có giá trị trong lịch sử điện ảnh Việt Nam luôn là nhu cầu có thật ở khán giả. Chỉ cần vào kênh YouTube trên mạng Internet, người ta có thể bắt gặp khá nhiều bộ phim Việt Nam cũ - kể từ giai đoạn trước 1975 cho tới những năm sau bao cấp - được đưa lên và thu hút một lượng view khổng lồ, cộng cùng những bình luận phấn khích của rất nhiều người. Tất nhiên, đa phần đây là những bộ phim được đưa lên một cách tự phát (và có thể chưa tuân thủ đúng Luật bản quyền), nhưng rõ ràng, điều đó cho thấy những bộ phim cũ vẫn là một “di sản” đặc biệt của điện ảnh Việt Nam - và cần được khai thác một cách hợp lý.

Cũng cần nói thêm, trong thời gian qua, nhiều chuyên gia đã chỉ rõ: Việc bảo quản các bộ phim hiện có của điện ảnh Việt Nam đang gặp rất nhiều khó khăn, và cần sớm có một chiến lược số hóa, phục chế tư liệu hợp lý, bởi đây không chỉ là phương thức bảo quản, lưu trữ phim hiệu quả mà còn giúp các bộ phim có một đời sống mới bền vững hơn trong lòng công chúng. Bởi thế, rõ ràng, một cơ chế hợp lý để thu hút các nguồn lực xã hội nhằm số hóa và khai thác những “di sản điện ảnh” này là cần thiết và khả thi.

Trí Uẩn

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm