Glôcôm (cườm nước) - những điều cần lưu ý

22/02/2024 10:09 GMT+7 | Đời sống

Bệnh glôcôm (Hay còn gọi là cườm nước, thiên đầu thống) là nguyên nhân hàng đầu gây mù không hồi phục ở Việt Nam và trên thế giới. Glôcôm đặc trưng bởi tổn thương dây thần kinh thị giác có thể gây tổn thương thị lực không thể phục hồi.

1. Nguyên nhân của glôcôm:

Nguyên nhân dẫn đến glôcôm là do tăng áp lực trong mắt (nhãn áp), các chất lỏng trong mắt bị tích tụ không thoát ra bên ngoài sẽ dẫn đến tình trạng làm tăng nhãn áp.

Ở mắt của người bình thường, mắt được nuôi dưỡng nhờ vào thủy dịch được cơ thể mi ở hậu phòng sản xuất. Thủy dịch này sau đó di chuyển ra phía trước tiền phòng và thoát ra khỏi nhãn cầu bằng các cấu trúc đặc biệt.

Glôcôm (cườm nước) - những điều cần lưu ý - Ảnh 1.

Mắt người bệnh bị bệnh lý cườm nước.

Ở mắt của người mắc glôcôm, các kênh thoát nước này bị tắc nghẽn hoặc bít tắc làm mất cân bằng giữa việc sản xuất và thoát thuỷ dịch, gây tăng nhãn áp. Nhãn áp này vượt quá mức chịu đựng của dây thần kinh thị giác sẽ khiến nó bị tổn thương. Tổn thương này được gọi là bệnh glôcôm.

2. Các yếu tố nguy cơ tăng tỷ lệ mắc bệnh glôcôm

• Những người trên 40 tuổi.

• Bệnh có yếu tố di truyền nên gia đình có người mắc bệnh glôcôm cũng cần phải tầm soát

• Một số bệnh lý gây tăng nguy cơ mắc glôcôm như đục thủy tinh thể, tăng huyết áp, đái tháo đường...

• Người thường xuyên sử dụng thuốc corticoid.

3. Phân loại glôcôm

Bệnh glôcôm được chia làm 2 loại chính: glôcôm góc mở và góc đóng

3.1. Glôcôm góc mở: Glôcôm góc mở không đau nhức. Các triệu chứng chính bao gồm:

• Gia tăng các điểm mù trong thời gian nhiều tháng đến nhiều năm.

• Tiến triển dẫn đến tình trạng thị trường "hình ống".

3.2. Glôcôm góc đóng: Glôcôm góc đóng đặc trưng bởi tình trạng nhãn áp tăng nhanh và người bệnh thường gặp các triệu chứng chính:

• Đau mắt và nhức đầu dữ dội

• Nhìn mờ

• Quầng sáng bảy sắc cầu vồng xung quanh đèn

• Giảm thị lực đột ngột.

• Buồn nôn và nôn do tăng nhãn áp.

Bệnh tăng nhãn áp góc đóng cấp tính cần được cấp cứu và xử trí kịp thời vì nó có thể làm tổn thương thần kinh thị nghiêm trọng nếu tình trạng này không được điều trị.

4. Chẩn đoán glôcôm

• Đo nhãn áp (nhãn áp bình thường từ 11 đến 21mmHg)

• Soi đáy mắt đánh giá đầu thần kinh thị giác.

• Soi góc tiền phòng.

• Chụp OCT đánh giá lớp sợi thần kinh.

• Test thị trường.

• Đo độ dày giác mạc.

5. Điều trị glôcôm

Glôcôm có thể được điều trị bằng các phương pháp:

• Sử dụng thuốc: các thuốc giúp hạ nhãn áp, bảo vệ dây thần kinh thị giác.

• Sử dụng Laser: giúp cải thiện lưu thông thủy dịch trong mắt.

• Phẫu thuật: chỉ áp dụng khi các phương pháp điều trị khác không hiệu quả.

Glôcôm (cườm nước) - những điều cần lưu ý - Ảnh 2.

Tổn thương thị thần kinh trong glôcôm góc mở

6. Cách phòng ngừa glôcôm

• Khám mắt định kỳ 2 năm một lần, đặc biệt là những người có nguy cơ cao như người trên 40 tuổi, có tiền sử gia đình mắc bệnh cườm nước, hoặc mắc các bệnh lý khác như tăng huyết áp, đái tháo đường.

• Giữ cho mắt luôn thư giãn, tránh làm việc quá sức.

• Ăn uống đầy đủ dưỡng chất, bổ sung vitamin tốt cho mắt.

• Hạn chế sử dụng các chất kích thích như rượu, bia, thuốc lá.

Cườm nước là một bệnh lý nguy hiểm, vì vậy việc phát hiện sớm và điều trị kịp thời là vô cùng quan trọng.

Hãy đi khám mắt định kỳ để có thể phát hiện và điều trị bệnh cườm nước hiệu quả.

Bác sĩ nội trú Trần Thị Khánh Linh (PGĐ chuyên môn Bệnh viện Mắt Sài Gòn - Đà Lạt)

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm