Xu hướng mới của World Cup 2014: Facebook và Instagram hóa giải mâu thuẫn

08/07/2014 19:28 GMT+7 | Hậu trường World Cup

(Thethaovanhoa.vn) - Zinedine Zidane không lên MySpace xin lỗi sau màn húc đầu vào ngực đối thủ đầy tai tiếng tại World Cup 2006. Diego Maradona chẳng đăng nhập vào Facebook để bào chữa về lần ghi bàn với "Bàn tay của Chúa" hồi năm 1986, thời điểm mạng xã hội này còn chưa xuất hiện.

Tuy nhiên đó là chuyện của thế hệ trước.

Xu hướng thời đại

Thế hệ cầu thủ trẻ hiện nay rất tích cực sử dụng thế mạnh của các mạng xã hội  như Twitter, YouTube, Facebook và Instagram để giải quyết tranh cãi.

Đơn cử như trong vụ tiền đạo ngôi sao đội Brazil là Neymar bị chấn thương, khiến anh không thể tiếp tục dự World Cup. Cầu thủ người Colombia Juan Camilo Zuniga, nhân vật "tặng" cho Neymar một đốt sống lưng bị rạn qua cú va chạm từ phía sau, đã nói rất ít với báo giới khi trận đấu kết thúc. Anh lập tức nhận những lời dọa giết từ fan Brazil gửi tới qua Twitter. Họ gọi anh là "kẻ xấu tồi tệ nhất trong lịch sử bóng đá".

Tuy nhiên Zuniga đã sử dụng chính mạng xã hội để bào chữa cho mình. “Chẳng có ý xấu hay sự bất cẩn nào từ phía tôi trong sự kiện cả" - anh viết trên Facebook. Anh còn gửi những lời tốt đẹp tới với Neymar rằng: "Tôi ngưỡng mộ, kính trọng và xem anh là một trong những cầu thủ giỏi nhất thế giới. Tôi hy vọng anh sẽ phục hồi và nhanh chóng trở lại".

Trong một sự kiện khác, khi Suarez ngoạm vai hậu vệ Italy Giorgio Chiellini trong vòng đấu bảng, đã có những luồng thông tin bênh vực anh xuất hiện trên mạng xã hội. Người ta nói rằng bức ảnh bằng chứng cho thấy hành động cắn người của Suarez dường như đã bị chỉnh sửa Photoshop.

Cả Suarez và Chiellini đều chỉ trả lời qua quít vài câu hỏi của báo chí sau trận đấu, bởi diễn đàn chính của họ nằm trên mạng. Suarez, ban đầu chối bay việc cắn người, sau đó đã tải lên Facebook một lời xin lỗi về hành vi của mình, nói rằng Chiellini đã bị "tổn thương về thể xác" do hậu quả của cú cắn. Điều này khiến Chiellini hồi đáp ngay trên Twitter rằng anh đã tha thứ hết mọi chuyện. "Tôi quên hết rồi" - anh viết.

Sân khấu cá nhân

Trào lưu sử dụng mạng xã hội để xử lý tranh cãi trên đã thu hút sự chú ý của giới quan sát. "Việc các cầu thủ có thể nhảy lên mạng, nói gì đó và chứng kiến thông điệp lan truyền đi, đã khiến cuộc sống của họ dễ thở hơn nhiều" - Peter Shankman, một chuyên gia truyền thông xã hội ở New York đánh giá.

Và không chỉ dừng lại ở việc giải quyết tranh cãi, các cầu thủ còn dùng mạng xã hội để đánh bóng hình ảnh hoặc chia sẻ khoảnh khắc riêng tư, bên cạnh nhiều hoạt động khác. Ví dụ như trong một đoạn video tải lên YouTube sau khi bị chấn thương, Neymar trông khá tươi tỉnh đã có bài phát biểu đầy cảm xúc về việc "giấc mơ của anh chưa chấm dứt", bởi anh tin đồng đội sẽ tiếp tục tiến lên và giành chiến thắng ở World Cup dù không có mình. Anh cũng nói về "một giấc mơ khác của bản thân là được chơi ở trận chung kết World Cup", điều anh chưa thể thực hiện vào lúc này.

Trong khi một số đội bóng chuyên nghiệp đã cố hạn chế hoạt động của cầu thủ trên Internet, các cầu thủ ở Brazil lại được cho phép dùng mạng xã hội rất thoải mái.  Instagram đặc biệt được nhiều người sử dụng. Kết quả là các cầu thủ đã tải lên mạng hàng loạt bức ảnh riêng tư, như Dani Alves với bức ảnh "tự sướng" (selfie) bên chai sữa hay David Luiz mặc quần lót tôn vinh nhạc heavy metal. Tuy nhiên, chính các hành động như thế đã khiến fan thấy ngôi sao yêu quý của họ thật gần gũi, không hề xa lạ.

Theo giới quan sát, một điều may mắn là các cầu thủ tại World Cup lần này đã không vướng vào những tranh cãi như từng xuất hiện ở Olympic London 2012. Cụ thể đó là vụ một nữ vận động viên Thụy Sĩ nhắn tin mang nội dung phân biệt chủng tộc nhằm vào các vận động viên Hàn Quốc lên Twitter, dẫn tới việc cô này bị Thụy Sĩ đuổi khỏi Thế Vận Hội.

Tường Linh (Theo NY Times)
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm