Từ Oscar nghĩ về Cánh diều

20/03/2011 08:00 GMT+7 | Phim

(TT&VH Cuối tuần) - Diễn ra cách nhau không đầy 2 tuần lễ, cùng được truyền hình trực tiếp, một là Oscar “xịn”, một được mệnh danh là “Oscar Việt Nam” do có nhiều tương đồng về các nguyên tắc trao giải, dù biết sự so sánh nào cũng khập khiễng nhưng khó mà không nghĩ…

Cánh diều là giải thưởng về nghề của Hội Điện ảnh Việt Nam, công chúng không được xen vào. Oscar cũng là giải thưởng về nghề của Viện Hàn lâm Điện ảnh Hoa Kỳ, chỉ có các quý hàn lâm mới được quyền bầu xét. Cả hai tương đồng nhau về cơ cấu nhưng khác nhau về đẳng cấp. Mặt khác, một đằng luôn muốn tô bóng mình như một trong những giải thưởng cao quý nhất của vương quốc điện ảnh thế giới, đằng còn lại, bấy lâu nay vẫn cứ tự luẩn quẩn mình trong những mớ bòng bong chưa lối thoát, trì trệ và tự làm hài lòng bản thân.

Hai gương mặt trẻ - Nam, Nữ diễn viên chính xuất sắc nhất Cánh diều 2010 nhận cúp vàng từ tay NSND Thế Anh và NSND Như Quỳnh. Ảnh: Lê Hải

Có nhiều người cho rằng, giải của ai thì người đó muốn trao ai thì trao, cứ gì phải xét nét mãi. Một câu lạc bộ, một diễn đàn trên net, một kênh truyền hình… đều có thể tổ chức và trao giải thưởng mang tên mình. Oscar cũng thế. Oscar luôn trao giải mà mình thích bất chấp dư luận và cả những nhà phê bình khó tính nhất. Lịch sử đã chứng minh, không riêng gì Cánh diều, giải Oscar của người Mỹ đã từng trao cho nhiều bộ phim mà phòng vé luôn báo “không đủ người” hoặc không cạnh tranh nổi với những bộ phim chuyên về doanh thu luôn phục kích vào mùa Hè vàng hay Giáng sinh lấp lánh. Nhưng điều đó không thành vấn đề. Vấn đề của Oscar hàng năm là luôn tạo tiền đề cho tư tưởng điện ảnh Mỹ năm tới. Khi công chúng đã no mắt với Vô gian đạo của Hong Kong, người Mỹ vẫn mua lại bản quyền để quay thành The Departed và trao luôn cho nó giải Oscar bất chấp năm ấy hai chàng đồng tính trong Brokeback Mountain ngỡ rằng mình sẽ phải cầm tượng vàng trong tay.

Cánh diều cũng là giải của riêng Hội Điện ảnh, nhưng cứ mỗi lần giải được trao là nhiều người muốn “đăng đàn” phản đối. Cánh diều năm nay cũng không ngoại lệ. Phim ít mà giải thưởng nhiều như mưa, nhiều đến nỗi để đảm bảo có thể trao hết tất cả các giải trong gần 3 tiếng đồng hồ cho khỏi “lấn sóng” truyền hình, dường như BTC đã phải “quán triệt” rằng không để người được giải phát biểu. Vì thế mới có cảnh nhạc sĩ Quốc Trung lên nhận giải cùng đoàn phim Long Thành cầm giả ca mà lại cầm micro để cảm ơn đoàn phim Cánh đồng bất tận (ngay sau lễ trao giải, Quốc Trung đã viết trên trang Facebook của mình lời cảm ơn tới các đồng sự vì lý do “ban tổ chức không cho nói nên đành nói ở đây”). Không rõ đến bao giờ Cánh diều mới hết bị tâm lý “cả nhà cùng vui” đè nặng lên tiêu chí chấm giải?

Khi Jon Stewart lên sân khấu và bảo rằng có ai đó đã quên chìa khóa máy bay thì John Travolta hớt hả chạy ra lấy vội. Một sự hài hước rất duyên về chàng diễn viên đang sở hữu chiếc Boieng 707. Khi giải Cánh diều được trao, người ta đếm được hàng chục lần từ “vinh dự”, “sung sướng” được ngân lên, mà những từ này khi lên nhận giải ai chẳng có trong mình? Thế rồi ai cũng nói là “hồi hộp” nhưng sự thật là chẳng có ai hồi hộp cả, vì kết quả đã lộ trước lễ trao giải rồi. Chưa kể đọc lộn tên, chưa kể thời gian chết, chưa kể khá nhiều chuyện bi hài trên sân khấu.

Kết quả Cánh diều 2010 (phim truyện nhựa)

Cánh diều Vàng: Long Thành cầm giả ca (Đạo diễn Đào Bá Sơn - Hãng phim Giải phóng), Giải đạo diễn xuất sắc: Lưu Trọng Ninh (Khát vọng Thăng Long); Nam diễn viên chính xuất sắc: Đình Toàn (Khát vọng Thăng Long); Diễn viên nữ chính xuất sắc: Lan Ngọc (Cánh đồng bất tận), Nữ diễn viên phụ xuất sắc: Cao Thùy Dương (Vũ điệu đam mê); Diễn viên nam phụ xuất sắc: Võ Thanh Hòa (Cánh đồng bất tận); Biên kịch xuất sắc: Văn Lê (Long Thành cầm giả ca), Họa sĩ thiết kế xuất sắc: Trung Phan - Mạnh Đức (Long Thành cầm giả ca); Nhạc sĩ xuất sắc: Quốc Trung (Cánh đồng bất tận); Quay phim xuất sắc: Hoàng Dũng (Vũ điệu đam mê); Âm thanh xuất sắc: Tô Trung Hiếu (Cô dâu đại chiến).

Giải Báo chí: Cánh đồng bất tận (ĐD Nguyễn Phan Quang Bình).

Cánh diều Bạc: Cánh đồng bất tận (Nguyễn Phan Quang Bình); Khát vọng Thăng Long (Lưu Trọng Ninh); Vũ điệu đam mê (ĐD Nguyễn Đức Việt).

Mới đây, khi kể về khoảnh khắc của mình khi nhận giải Oscar cho diễn viên nữ xuất sắc nhất trong phim Monster, cô đào Charlize Theron thổ lộ rằng cô không hề biết mình sẽ đoạt giải, không một dấu hiệu nào cho thấy cô sẽ lên sân khấu ôm tượng dù tên cô có trong đề cử. Theron chuẩn bị sẵn cho mình một tâm lý thua cuộc nhưng vẫn đến dự đêm Oscar như một trong những ngày hội tôn vinh nghiệp diễn. Trong khi Cánh diều, trước ngày khai cuộc đã lộ gần như toàn bộ những tên người đoạt giải. Tất nhiên những nguồn tin được tung ra đều dưới nhãn “dự đoán” nhưng mà đoán như thần: Lưu Trọng Ninh đoạt giải Đạo diễn, Long Thành cầm giả ca sẽ cầm Phim hay nhất… Ở làng nghệ Việt, những tin đồn thường… ít sai cho nên ở đêm Cánh diều chính vì sự lộ kết quả ấy khiến cho đêm trao giải trở thành nhàm chán. Người biết mình đoạt giải thì chuẩn bị sẵn sàng lên sân khấu, người không đoạt thì ở nhà. Người không đoạt nhưng được mời trao giải thì từ chối bởi nhiều lý do. Đâm ra giải thưởng của Hội, tôn vinh người của Hội lại chẳng mấy ai hào hứng.

Cánh diều chưa thể so với Oscar về mức đồ sộ, hoành tráng, chất lượng nhưng những điều cốt yếu nhất của một lễ trao giải, uy tín của một giải thưởng vẫn luôn phải được đảm bảo. Sự hồi hộp, bí mật đến phút chót, chuyên nghiệp, trang trọng… vẫn có thể làm được, làm tốt nếu thực sự ban tổ chức nhìn xa trông rộng. Một giải thưởng điện ảnh được công chúng đón nhận, hồ hởi quan tâm thì ở quốc gia nào cũng muốn. Mà những điều còn thiếu này đâu chỉ phải bởi thiếu kinh phí?

Nguyên Minh

Những khoảnh khắc “đáng nhớ” trong lễ trao giải Cánh diều 2010

- Nhạc sĩ Nguyễn Quốc Trung (khi lên nhận giải Phim hay nhất cùng đoàn làm phim Long Thành cầm giả ca) phát biểu: Lúc nãy BTC không cho tôi phát biểu; MC - Không không anh, đâu có đâu anh, anh thích phát biểu thì anh phát biểu; Quốc Trung: Tôi muốn cám ơn đạo diễn Nguyễn Phan Quang Bình của phim Cánh đồng bất tận...

- Ông Thái Hòa - Giám đốc sản xuất phim Long Thành cầm giả ca chuẩn bị nói lời cảm ơn, thì bỗng có tiếng nổ đùng, ông giật bắn mình nhìn quanh quất... Thì ra pháo bông nổ mừng chiến thắng!

- Ngân Khánh đang chuẩn bị đọc tên người đoạt giải phim tài liệu thì bỗng dừng lại: “Trước khi công bố người chiến thắng, em xin được có đôi lời tâm sự” sau đó tâm sự một chuyện vô cùng lạc đề.

- Lên trao giải cùng đạo diễn Đặng Nhật Minh, diễn viên Thanh Thúy nói: “Trong các phim của anh Minh thì Thúy nhớ nhất là phim Bao giờ cho đến tháng Mười. Đó là vì hồi xưa đi thi vô trường SKĐA, Thúy phải thi viết bài phân tích phim này. Thúy phải vò đầu bứt tóc...”. Đạo diễn Đặng Nhật Minh cắt lời: “Thôi nhá, chúng ta lên đây để trao giải”. Thanh Thúy: “Không, cho em xin nói một chút thôi, một chút xíu thôi, đó là hồi đó sau khi ra khỏi phòng thi thì em có một câu hỏi muốn hỏi anh đạo diễn, 10 năm nay em giữ trong lòng mong muốn được gặp đạo diễn của bộ phim để được hỏi, và hôm nay em đã được gặp đạo diễn ở đây nên em muốn hỏi luôn.... Đó là... em muốn hỏi... là... không biết khi nào thì anh đạo diễn này mới mời em đóng phim?” rồi cô cười nói tiếp: “Em nói chơi cho vui vậy thôi”.

- Đạo diễn Nguyễn Phan Quang Bình: “Giây phút này làm tôi nhớ đến nhạc sĩ Huy Tuấn với ca khúc Cám ơn tình yêu. Bởi bộ phim này được làm bằng tình yêu của rất nhiều người”... bỗng từ đâu vang lên giọng hát lạc lõng ca khúc Cám ơn tình yêu... Thì ra anh MC hát luôn. - Thanh Mai: “Nãy giờ Hồng Phúc có nghe thấy tiếng gì lạ không?” - Hồng Phúc: “Nãy giờ mình nghe thấy có tiếng nhạc, tiếng hát, tiếng khán giả...”

- Thanh Mai: “Không, Mai nghe thấy có tiếng vó ngựa, tiếng mưa rơi...” - Hồng Phúc: “Và cả tiếng trái tim đập trong lồng ngực đầy hồi hộp và xúc động” (???).

- Trong khi đạo diễn Bùi Đình Hạc đang phát biểu thì bà cựu Phó chủ tịch Hội Điện ảnh TP.HCM Dương Cẩm Thúy nói: “Tôi hồi hộp quá nên lúc anh đang nói, tôi xé bao thư ra xem kết quả luôn rồi”...

- Sau khi trao 3 giải Cánh diều Bạc thì chiếu 4 đề cử Cánh diều Vàng (trong đó bao gồm 3 phim Cánh diều Bạc), và một bà lên trao giải phát biểu “Những ai có nghề có lẽ đã đoán ra được bộ phim nào đoạt giải” (!).

- Nhà văn Chu Lai và đạo diễn Nguyễn Thanh Vân lên trao giải Biên kịch, và ông Chu Lai hết lời ca ngợi phim Đời cát của Thanh Vân làm từ đời tám hoánh nào...

(Tổng kết của một fan điện ảnh)


Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm