Lăn cùng Tango 12: Đến nơi khai màn Thế chiến thứ hai

23/06/2012 10:35 GMT+7 | Ăn, ngủ cùng Euro

(TT&VH) - Cách đây hơn 70 năm, vào sáng sớm ngày 1/9/1939, những quả pháo đầu tiên bắn từ chiến hạm SMS Schleswig-Holstein của quân Đức nhằm vào pháo đài  Westerplatte của Ba Lan ở Gdansk đã chính thức khai màn cho Thế chiến thứ hai.

Đó là cuộc chiến tranh tàn khốc nhất trong lịch sử nhân loại, kéo dài sáu năm và khiến hơn 62 triệu người chết. Tính về tỷ lệ dân số, Ba Lan thiệt hại nặng nề hơn cả với 16% trên tổng số 34,8 triệu dân trước chiến tranh bị thiệt mạng, trong đó có rất nhiều người là nạn nhân của các hành động diệt chủng của phát xít Đức.

Gdansk, nơi quân Đức đã tấn công vào Ba Lan, chính là điểm khởi đầu cho những ngày tháng vô cùng đen tối và kinh hoàng.

SMS Schleswig-Holstein là một thiết giáp hạm của quân Đức, từng phục vụ trong cả hai cuộc chiến tranh thế giới, xảy ra cách nhau hơn hai thập kỷ. Đó là một trong số ít thiết giáp hạm được phép giữ lại theo những điều khoản của hiệp ước Versailles khi chấm dứt chiến tranh thế giới thứ nhất. Vô hình trung, SMS Schleswig-Holstein trở thành sợi dây nối giữa hai giai đoạn thương đau của nhân loại.

Ngày nay, mặc dù đã bị tháo dỡ nhưng quả chuông của SMS Schleswig-Holstein vẫn còn được lưu lại tại Bảo tàng lịch sử quân sự liên bang ở thành phố Dresden nước Đức.



Giếng phun nước Neptune, một tuyệt tác của kiến trúc sư Hà Lan Abraham van den Blocke, trở thành biểu tượng của Gdansk. Ảnh: Đ.H

Gdansk, nơi SMS Schleswig-Holstein khơi mào cho cuộc chiến tranh thế giới thứ hai, cũng là mảnh đất với lịch sử đầy trắc trở, lúc thuộc quyền quản lý của Ba Lan, lúc bị Đức chiếm đóng, lúc lại tồn tại như một thể chế độc lập. Đó là một trong những vấn đề gây cản trở lớn trong quan hệ giữa Đức và Ba Lan trước đây, cho đến năm 1970, khi Thủ tướng Đức Willy Brandt chủ trương từ bỏ việc đòi lãnh thổ đối với Gdansk như là một phần trong chính sách hòa giải giữa hai dân tộc.

Đã có giai đoạn đến 98% dân số ở Gdansk nói tiếng Đức, và người dân thành phố muốn nó thuộc về Đức. Tuy nhiên, sau khi tiếp quản lại Gdansk từ năm 1945, Ba Lan đã đưa dân đến ở, đẩy người Đức trở lại bên kia biên giới. Cho tới bây giờ, ở Gdansk, tiếng Đức vẫn rất phổ biến. Các tour du lịch ở đây phần nhiều được hướng dẫn bằng tiếng Đức. Ở bục xưng tội trong các nhà thờ, con chiên cũng có thể nói với cha xứ bằng tiếng Đức. Tuy nhiên, sau khi bị chiến tranh tàn phá, nhiều lần phải hứng chịu các đợt ném bom, Gdansk được xây dựng lại với nhiều tòa nhà mang phong cách kiến trúc... Hà Lan!

Cửa ngõ ra biển của Ba Lan

Gdansk, nằm bên bờ Baltic, là cửa ngõ thông thương ra biển của Ba Lan. Khi ký kết hiệp ước Versailles sau chiến tranh thế giới thứ nhất, Đức từng kịch liệt phản đối yêu cầu cắt một phần lãnh thổ phía Đông của mình trả lại cho Ba Lan, bởi điều đó đồng nghĩa với việc mở cho Ba Lan một cửa ngõ thông thương ra biển.

Trong những năm 1970, khi Ba Lan nằm trong khối Đông Âu với hiệp ước Warsaw, Liên Xô giúp nước này xây dựng ở Gdansk những xưởng đóng tàu lớn, cùng với trường đại học hàng hải. Ngành công nghiệp đóng tàu ở Gdansk phát triển một cách mạnh mẽ.

Cũng trong giai đoạn đó, rất nhiều người Việt Nam đã được cử sang Gdansk để học đóng tàu. Về sau, một số người ở lại để cùng nhiều người khác đến Ba Lan bằng nhiều con đường khác nhau hình thành nên cộng đồng người Việt, tập trung chủ yếu tại thủ đô Warsaw. Ở Gdansk, lượng người Việt sinh sống không quá nhiều, chủ yếu làm nghề kinh doanh nhà hàng hoặc buôn bán vải và giày dép. Những năm gần đây, do việc buôn bán gặp nhiều khó khăn, nhiều người Việt ở Gdansk đã rút về Warsaw để tìm kiếm các cơ hội làm ăn khác.

Ngoài công nghiệp đóng tàu và cảng biển, Gdansk còn là một thành phố du lịch nổi tiếng, hàng năm thu hút rất đông du khách ở các nơi khác của Ba Lan, cũng như từ các quốc gia láng giềng đến trong mùa Hè. Trong những ngày này, việc thuê phòng khách sạn ở Gdansk là không dễ, không chỉ vì bóng đá. Trên các bãi tắm ở dọc bờ biển Baltic, hàng trăm nghìn người đang đi nghỉ mát. Cộng thêm một lượng đông đảo cổ động viên đến đây vì các trận đấu ở EURO 2012, Gdansk dường như chưa bao giờ đông vui thế này.

Cũng chính vì Gdansk còn mang đậm chất Đức mà đội tuyển Đức đã chọn nơi đây làm đại bản doanh, dù họ thi đấu vòng bảng ở Ukraina và có những trận phải di chuyển quãng đường lên tới  1.700 km. Nhưng bù lại, họ được chơi trận tứ kết với Hy Lạp tại Gdansk, nơi cũng chẳng khác sân nhà là mấy.

Cổ động viên Đức áp đảo

Buổi sáng ngày diễn ra trận tứ kết thứ hai của EURO 2012, thời tiết ở Gdansk không được thuận lợi. Sau một ngày mưa như trút nước, trời vẫn tiếp tục mưa và khá lạnh. Tuy nhiên, trên các con phố, bầu không khí trên đường phố đã bớt ảm đạm nhờ sự xuất hiện của đông đảo cổ động viên Đức. Gdansk không xa Đức và đã có giai đoạn 98% dân số nói tiếng Đức, nên việc cổ động viên của “Die Mannschaft” có mặt rất nhiều ở đây cũng thật dễ hiểu.

Ngoài thuận lợi về địa lý, ngôn ngữ và văn hóa, người Đức còn giàu mạnh hơn về kinh tế so với cổ động viên Hy Lạp. Trên thực tế, Hy Lạp đang trở thành con nợ lớn của Đức – một trong những người anh trong Liên minh châu Âu cũng như khu vực sử dụng đồng tiền chung, Eurozone.


        Đông Hà (từ Gdansk)

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm