Chuyển tàu cổ sông Hồng về bảo tàng: Kỳ công như kéo pháo!

08/05/2009 14:01 GMT+7 | Văn hoá

(TT&VH) - Cuối cùng, sau 2 tháng nằm tại bờ sông xã Đại Tập, chiếc tàu cổ được trục vớt từ dưới lòng sông Hồng đã kết thúc số phận long đong của mình khi được “khênh” về Bảo tàng Hưng Yên bằng một cuộc vận chuyển khá kỳ công trong chiều 4/5 vừa qua.
 

Cưa đôi đuôi tàu, phá cổng… mới đưa được tàu về

“Chúng tôi đã phải đau đầu rất nhiều về chuyện di dời tàu - ông Phạm Trung Hiếu, Giám đốc Bảo tàng Hưng Yên cho biết - phía Bảo tàng đã đề nghị chỉ chuyển phần mũi và bộ máy bằng đồng về để trưng bày tượng trưng, tuy nhiên Sở VH,TT&DL tỉnh đã yêu cầu thực hiện phương án “nhặt được gì cứ nhặt”. Với chiều dài 30m và trọng lượng gần 60 tấn, không ai có thể lường hết những rắc rối phát sinh trong quá trình vận chuyển. Bởi vậy, chúng tôi đã đề xuất mời Công ty Vận tải Mạnh Kiên của tỉnh đứng ra thực hiện, còn phía Bảo tàng chỉ lo giám sát và bảo vệ hiện vật từ góc độ chuyên môn”.
 
Con tàu cổ sau khi được trục vớt

Trong quá trình nghiên cứu, các chuyên gia của bảo tàng này đã phát hiện một thông tin độc đáo: chiếc tàu cổ được đóng theo kiểu “hai mề”, nghĩa là vỏ tàu gồm 2 lớp cách nhau bởi những “xương gỗ” chịu lực có độ dày khoảng 20 phân. Trong thời gian nằm sâu 4m dưới lòng sông Hồng, khoảng rỗng giữa 2 lớp vỏ đã bị lèn cứng bởi cát và phù sa, đó là nguyên nhân khiến chiếc tàu có khối lượng nặng kinh khủng như vậy.

Ngay từ khi trục vớt 2 tháng trước, con tàu cổ này đã bị gãy làm hai mảnh, bao gồm phần đuôi có kích thước 23x5m và phần đầu có kích thước 7x5m. Trong ngày 4/5, việc vận chuyển 2 phần này được thực hiện lần lượt. Hai mảnh thân tàu được đóng cáp và trục kéo, “lót” phao chịu lực dưới đáy để giảm tải trọng. Sau đó, 3 chiếc xà lan lần lượt “dong” các mảnh tàu vượt 25km đường sông về bến phà Yên Lệnh với thời gian chừng 5, 6 tiếng đồng hồ.

Ông Hiếu kể: kích thước khổng lồ của phần đuôi tàu khiến nó không thể vào sát lưỡi phà tại bến Yên Lệnh. Bởi vậy, Công ty Mạnh Kiên đã phải dùng một loạt thanh bê tông có độ dày 2m để “lót” phần lưỡi phà, sau đó phải huy động một loạt cần cẩu siêu trọng để cẩu mảnh tàu lên.
 
Chuyển tàu cổ sông Hồng về bảo tàng
 
Chưa hết, cũng bởi độ dài ấy, phần đuôi tàu không thể đi được qua cửa đê để vào bờ. “Cửa đê quá hẹp, lại bằng xi măng cứng nên không thể phá được. Cũng không thể dong mảnh tàu ấy suốt đoạn đường 2km, bởi 3 xe tải siêu trọng chở thân tàu sẽ không có khoảng trống để vào cua tại những khúc ngoặt. Chúng tôi đành phải xin ý kiến của Sở, sau đó lập biên bản và cưa đôi mảnh đuôi tàu. Thật ra khi vớt lên, phần đuôi này cũng gần như đã gãy làm đôi, và đằng nào cũng phải ghép lại nếu phục dựng” - ông Hiếu cho biết.

Để đưa đuôi tàu vượt qua mặt đê Đại Tập, phía đơn vị thi công đã dùng xe tải đổ đất cho cao hơn mặt đê, tạo thành đường dốc và dùng hệ thống con lăn, trục kéo để “ủn” tàu vượt qua. Chưa hết, khi đưa tàu vào sân bảo tàng, những người vận chuyển cũng phải phá cổng của Trung tâm Văn hóa tỉnh, sau đó dùng bê tông lát kín đoạn đường đất 70m để đưa tàu đi xuyên qua vườn...

Chiếc tàu có nguồn gốc châu Âu?

Những khảo sát trong 2 tháng qua của phía bảo tàng đã đi đến lời khẳng định gần như chắc chắn: chiếc tàu cổ nói trên có độ tuổi khoảng 200 năm kể từ khi hạ thủy, thuộc sở hữu của một thủy thủ đoàn Trung Quốc và chở hàng hóa di chuyển từ biển vào Việt Nam theo đường sông Hồng.

Một thông tin khá thú vị khác: hầu hết các đồ vật cơ khí và lá đồng trên tàu đều có dập chữ nổi bằng tiếng Anh và tiếng Pháp. “Tôi cũng tham khảo ý kiến của một chuyên gia đóng tàu, và anh khẳng định rằng vào cuối thế kỷ 19, cả Việt Nam lẫn Trung Quốc đều không thể đóng nổi chiếc tàu có kết cấu khá hiện đại như vậy. Phải chăng, đó là chiếc tàu được người Trung Quốc mua về từ châu Âu, điều khá phổ biến trong lịch sử hàng hải và giao thương của nước này?” - ông Hiếu phỏng đoán.

Hiện, bảo tàng Hưng Yên đã được UBND tỉnh tạm ứng cho 300 triệu đồng để xử lý các khoản chi cho chiếc tàu cổ được trục vớt.

Phục dựng thế nào?

Sau khi được trưng bày trong bảo tàng tỉnh, một mái che và tường rào bảo vệ đang được dựng lên quanh thân tàu. Theo ông Hiếu, trong thời gian tới, phía bảo tàng sẽ cùng mời các chuyên gia thảo luận về phương án phục dựng lại chiếc tàu cổ này.
 
Cá nhân ông cho rằng chỉ nên phục dựng lại chiếc tàu cổ như hình dạng khi vớt lên từ lòng sông, chứ không nên cố gắng phục dựng lại tàu cổ như nguyên trạng khi đang hoạt động. Bởi phương án ấy đòi hỏi nguồn kinh phí rất lớn và đặt ra nhiều vấn đề trong việc tìm tư liệu về hình dạng của tàu.
 
Người vớt tàu sẽ được nhận 260 triệu đồng
 
Theo những thỏa thuận cơ bản giữa Bảo tàng Hưng Yên với anh Hà Công Chuông - người cho rằng đã bỏ ra hơn 200 triệu đồng để vớt tàu - anh Chuông sẽ nhận được 260 triệu đồng, trong đó 170 triệu đồng là tiền ứng trước. Mặc dù anh Chuông có nguyện vọng xin được lĩnh “một cục”, nhưng ông Hiếu cho biết việc này là không thể vì phải chờ tiếp các nguồn kinh phí khác. Tuy nhiên, ông Hiếu khẳng định anh Chuông sẽ nhận được đầy đủ số tiền của mình trong thời gian vài tuần tới đây.

Hoàng Nguyên

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm