Tiểu thuyết ba xu khuynh loát thị trường?

23/02/2011 07:00 GMT+7 | Đọc - Xem

(TT&VH Cuối tuần) - Nhiều người nhầm tưởng rằng nền văn học Việt Nam chỉ cần hiện đại hóa một lần, và nhiệm vụ đó đã xong từ những năm đầu thế kỷ XX. Nhưng theo tôi, chừng mười năm trở lại đây, văn học Việt Nam lại rơi vào một trạng thái khủng hoảng nữa: khủng hoảng về tính hiện đại, mà ở bề sâu của nó là sự khủng hoảng về lối viết.

Cách nay 7 năm, trong một khoái cảm đặc biệt của sự trị vì thể loại truyện ngắn, Nguyễn Huy Thiệp đã tự tin bàn về thời của tiểu thuyết như một thước đo sự thức thời cùng tầm cỡ của nhà văn đương đại, thế nhưng chỉ một thời gian sau, chính những tiểu thuyết thương mại của ông (Tiểu long nữ, Gạ tình lấy điểm) đã đem lại sự “phiền lòng” nhất cho các nhà phê bình văn học và độc giả nói chung. Sự phiền phức đeo bám đến mức, cứ nói đến tiểu thuyết Việt Nam đương đại, người ta không thể tránh khỏi cảm giác buồn phiền về hiện tượng tiểu thuyết ba xu đang chực khuynh loát thị phần văn học.

Sẽ ngộ nhận nếu xem tiểu thuyết Việt Nam đã tiến hành xong một cuộc bàn giao thế hệ, rằng tiểu thuyết đã rơi vào tay những người viết trẻ, tiểu thuyết đang bon theo những ngôn ngữ mới, những văn phong mới và nhất là được tạo thành bởi những suy tư chiêm nghiệm sâu sắc, những lối viết chưa từng được biết đến. Thực ra, đó là sự hành ngôn của người viết trẻ trong xu thế đại chúng rất phổ biến, mặc dù đã có một đối tượng đọc tiêu thụ nhất định, nhưng nhìn chung họ vẫn chưa tạo được một tác phẩm nào thực sự nổi bật về chất lượng nghệ thuật. Những nhà văn trẻ kiểu như Nguyễn Thế Hoàng Linh được tung hô nhiều là vậy nhưng văn phẩm thì còn kém giá trị, cả về chiều sâu tư tưởng lẫn nghệ thuật tự sự. Nhìn sang những tiểu thuyết đoạt giải thưởng thường niên, và các cuộc thi sáng tác tiểu thuyết những năm gần đây, cũng thấy ngay, những “tiểu thuyết có ngôi” phần lớn vẫn là một thứ quà tặng kỷ niệm, một văn bản được tấn phong, một thứ biểu tượng, chẳng hạn cho một mĩ học ngôn từ không còn mới mẻ gì nữa, cho thấy nhãn quan giá trị còn nhiều bất ổn của những người tham gia phán xét chúng. Có một nghịch lí thế này: những “trung tâm” chính thống có quyền lực xác lập các đẳng cấp, công nhận các giá trị văn học lại là những nơi đang làm cho hình ảnh văn học ngày càng mờ nhạt trong lòng công chúng, là những nơi tượng trưng đầy đủ và rõ nhất cho sự “già cỗi”, thậm chí cho những quan hệ có vẻ phi văn học.


Giới trẻ và sách. Ảnh: Minh Đức

Trước đây, qua tiểu luận dài Thời của tiểu thuyết, Nguyễn Huy Thiệp giãi bày, nhu cầu tự thân của việc đến với tiểu thuyết là một sự giải thoát khỏi những bế tắc, những quẩn quanh của truyện ngắn. Tôi xem cái ý đồ muốn thoát sự bế tắc của thể loại này bằng cách ve vãn thể loại khác kiểu ấy, là một tham vọng mạo hiểm, một nỗ lực chống sự thờ ơ của thị trường, một kiểu vãn hồi quyền lực sáng tạo. Quan niệm cho rằng viết truyện ngắn chỉ là một cách học nghề, một kiểu làm “bài tập văn chương”; và chuyển sang tiểu thuyết mới là trưởng thành và hợp thời, là một cách sáng tác “đứng đắn” nhất để khẳng định kích cỡ, đẳng cấp của họ… rõ ràng phản ánh một chủ trương cực đoan, một nhầm lẫn, và thói đua đòi của nhà văn. Tôi nghĩ mỗi nhà văn có cái tạng riêng, có sở trường riêng, kích cỡ riêng, mà nếu đi ra ngoài những cái đó sáng tác sẽ nhạt nhẽo, sẽ phải độn, phải kéo dài ra rất nhiều. Đất phong hầu đã được cấp sổ đỏ của Nguyễn Huy Thiệp là ở truyện ngắn. Sự “nhầm lẫn” đi liền với tham vọng khuyếch trương quyền lực sáng tạo của “nhà văn có tuổi” được thể hiện trong việc chọn dùng “thể loại lớn” như thế, và bổ sung cho nó là sự xuất hiện tâm lí “thử sức” với một thể loại sang trọng, tâm lí thích “chơi” với “thể loại dài hơi” bề thế, thậm chí nôn nóng của nhiều người trẻ (chưa chín về tài năng và dồi dào vốn sống)… là một trong các nguyên nhân tạo ra những tiểu thuyết không có nhiều giá trị, và khó đọc.

Cũng từ các sáng tác như Tiểu long nữ, Gạ tình lấy điểm của Nguyễn Huy Thiệp, chúng ta còn thấy: thái độ thỏa hiệp và dễ dãi viết theo đơn đặt hàng, cùng những mưu toan thực dụng của nhà văn hiện nay (như tạo ra thứ hàng chợ, một thứ văn chương giải trí, chỉ cốt giành được một lượng độc giả tiêu thụ nào đó, và để PR cho bản thân) góp phần không nhỏ làm cho tiểu thuyết Việt Nam 10 năm qua có rất ít thành tựu nghệ thuật. Tiểu thuyết của ta đang thiếu vắng những suy tư lớn, theo nghĩa có thể tìm thấy ở đấy sự trưởng thành của nhà văn, sự cần thiết của người cầm bút và sự chuyển đổi của một giai đoạn văn học.

Trước biết bao nhiêu thứ mồi, một nhà văn có bản lĩnh như Nguyễn Huy Thiệp còn nhanh chóng bị “sa ngã”, thì chuyện những tác giả trẻ nào đó khó tránh được những cám dỗ không phải là vô lý. Để lý giải được, vì sao khoảng 6-7 năm trở lại đây, tiểu thuyết chứ không phải truyện ngắn lại trở thành một xu hướng lựa chọn của nhiều cây bút trẻ. Tôi nghĩ chúng ta nên quan tâm nhiều hơn tới yếu tố thị trường và động cơ thực dụng của họ, như nhu cầu tiêu thụ của nhiều đơn vị kinh doanh sách; những giá trị ảo mà mạng internet, báo chí truyền thông và những kẻ môi giới nghệ thuật đem lại; ham muốn được nổi tiếng và có mức nhuận bút khá hơn của kẻ sáng tác… hơn là xem xét từ tình yêu văn chương, như một sự dấn thân trong sáng tác. Ở thời điểm bây giờ, câu chuyện tâm huyết hay sự dấn thân trong văn chương nếu không cho thấy một sự ngây thơ hoặc cuồng tín nào đó thì cũng là một khẩu hiệu được trưng ra chủ yếu để tạo thương hiệu cho nhà văn. Những “nhà văn có thương hiệu”, được báo chí nhắc đến thường xuyên hoặc xuất hiện nhiều trên các phương tiện thông tin đại chúng, là những người cần được đọc một cách thận trọng nhất.

Tôi luôn quan niệm rằng sự đổi mới bất cứ thể loại nào cũng phụ thuộc vào tư duy của người viết. Sự đổi mới chất liệu và cấu trúc tiểu thuyết bao giờ cũng phản ánh một sự đổi mới khác, là đổi mới tư duy thể loại. Phải có bước đổi mới về tư duy trước thì mới có đổi mới về sản phẩm sáng tạo. Đổi mới tư duy ở chủ thể sáng tạo vừa có tính cá nhân, vừa có quan hệ chặt chẽ với tồn tại xã hội, với thiết chế văn hóa, tư tưởng. Quan niệm về thể loại vừa tạo ra tính chỉnh thể cho văn bản, vừa tạo ra sự khác biệt mang tính quy luật nào đó, nó biểu hiện nguyên tắc sáng tạo và vận động của thế giới nghệ thuật. Bất kì tác phẩm nào cũng chịu sự chi phối của quan niệm thể loại nào đấy. “Con người có một kiểu lao động riêng: anh ta tạo nên một sản phẩm theo cái mô hình trong óc anh ta” (Phan Ngọc). Sở dĩ người viết tiểu thuyết chưa đem đến một sản phẩm mới vì họ không có một mô hình sáng tạo mới nào, không có một mô hình “thể loại” cho riêng mình. Lúc đó họ chỉ cố gắng làm theo cái khung thể loại đã có sẵn, họ sáng tác tự phát theo một bản năng tự sự. Quan niệm về thể loại, hiểu cho đúng, nghiêng về sự tự ý thức của chủ thể về cái mô hình sáng tạo của mình. Những nhà văn có tài là những người có một mô hình riêng cho sự sáng tạo. Tiểu thuyết chẳng thể mới, nếu người nghệ sĩ không có ý thức tự giác sáng tạo cho nó một diện mạo, cấu trúc mới. Chỉ những nhà văn có quan niệm riêng về thể loại, mới có thể thực hiện sự cách tân thể loại đó. Tình trạng làng nhàng của tiểu thuyết hiện nay, nhất là ở những tác giả trẻ, ngoài những vấn đề như vốn sống, sự ảnh hưởng của cơ chế thị trường… thì nguyên nhân cơ bản là ở lối viết, ở tư duy thể loại, ở tài năng tự sự tri thức của họ về văn học nghệ thuật. Không có thần đồng trong sáng tác tiểu thuyết.

Ở đâu, chứ ở ta, hiện nay chưa phải là thời của tiểu thuyết. Thực ra cũng chẳng có thể loại nào đặc trưng cho cái thời này. Vậy, nhận định rằng đã có một sự đổi mới tư duy về thể loại trên diện rộng, thí dụ như tư duy tiểu thuyết, trong nền văn học Việt Nam đương đại, là một cách thành lập vấn đề gợi nhiều hoài nghi. Đó là một “trò chơi thông tin”, một câu chuyện ảo tưởng và lãng mạn mà chúng ta thường xuyên nghe được. Đúng hơn, là một cách chồng lên văn bản những ngôn ngữ đẹp biểu đạt niềm mong mỏi của chúng ta.

Trần Thiện Khanh (Viện Văn học Việt Nam)

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm