Vay của tương lai

19/10/2014 09:45 GMT+7

(Thethaovanhoa.vn) - Tuần trước, sau khi nghe phát biểu của Chủ tịch Quốc hội trên ti-vi “Vay lu bù để chi thì chết thôi...”, bà bán chè chén bỗng dưng lo lắng, hơn một tuần, xem xong pháo hoa, vẫn chưa thấy hết lo.

Bà lo vì nghe nói nợ công của Việt Nam đã cận kề ngưỡng rủi ro theo như Báo cáo của Bộ trưởng Bộ Tài chính. Trong năm 2015 không tăng lương, không bố trí được nguồn vốn giải quyết an sinh xã hội... Và một vị quan chức nào đó nói rằng, người dân có trách nhiệm chia sẻ nợ công. Người dân có lẽ sẽ phải đóng góp để trả nợ, những món nợ không nhỏ. Trong khi không rõ lắm vì sao mà nợ nhiều đến như vậy.

Thật ra cũng có thể đoán được vì sao. Phải nói, nước mình tiêu hoang. Nghe những con số nghìn tỷ đồng nhẹ tênh trên đài báo, tưởng chuyện xứ phong lưu nào. Đại khái: Tuyến metro số 1 ở TP.HCM có thể đội giá lên 30.000 tỷ;  Hàng trăm nhà văn hóa cộng đồng được xây dựng tại Tây Nguyên, với kinh phí từ 100 - 150 triệu đồng/nhà hiện bị bỏ hoang; Hàng trăm chợ ở nhiều tỉnh kinh phí hàng trăm triệu xây rồi cũng bỏ hoang... Những kiểu tin tức như vậy nghe thấy luôn luôn.

Làm gì cũng trăm tỷ, ngàn tỷ như không, rồi bỏ. Nghe Chủ tịch Quốc hội nói, hiện nay, nhiều lãnh đạo bộ, ngành ngồi thụ động chờ xem có bao nhiêu tiền để chi. “Thu được đồng nào các đồng chí đem xài hết. Chi đầu tư các đồng chí hãm lại, rồi cứ vay nợ ào ào. Như vậy làm sao phát triển được đất nước. Rồi trả nợ không được thì sụp đổ...”. Nghe Quốc hội lo, tất nhiên dân cũng phải lo.

Trước đây, cứ nghĩ hễ nợ thì yên tâm vì nước ta rừng vàng biển bạc, tài nguyên nhiều, dân ta chăm. Giờ chẳng nói thế được, vì dân ta không chăm lắm, năng suất lao động vào loại thấp nhất khu vực. Rồi rừng vàng biển bạc đang hao mòn với tốc độ kinh khủng. Nghe Quốc hội bàn thảo xong, lại tiếp đến hội thảo “Tăng hiệu quả thu ngân sách từ khai thác khoáng sản: Giải pháp nào cho Việt Nam?” được Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam phối hợp tổ chức ngày 10/10, ông Tổng cục trưởng Địa chất - Khoáng sản Nguyễn Văn Thuấn cho biết: “Tiền khai thác khoáng sản không đủ để sửa chữa những con đường bị phá”. Bởi đào bới tràn lan vô tội vạ khắp các địa phương. “Có tỉnh cấp hơn 200 giấy phép, nhưng thuế thu được bốn tỷ đồng. Như thế là gần như không thu được, bởi cán bộ thanh tra, kiểm tra rất lớn, không đủ tiền nuôi bộ máy cán bộ khi thu không đủ chi”.

Đào khoáng sản lên để ăn mà cũng không xong, tan nát môi sinh, gây ô nhiễm trầm trọng nhiều nơi như vậy, cũng ít thấy dân ở vùng có khoáng sản trở thành đại gia. Chỉ thấy kêu than về nguồn nước, về đất đai. Việc trông chờ vào tài nguyên cũng không phải là khả quan, “cạp đất ra ăn” dường như là việc khó.

Mà thế, còn gì cho tương lai nếu cứ đào hết khoáng sản lên như vậy nhỉ? Bà chủ quán nước chè lại thấy lo thêm một lần nữa. Thôi đời mình khó khăn nhiều đã quen, nhưng bọn trẻ mai này gánh vác nợ nần quốc gia, tài nguyên cạn kiệt, thì dù có metro để đi, có nhà cao tầng vời vợi để ở, cũng vẫn cứ là thân vất vả.

Hóa ra, mình không chỉ vay đâu đâu, mình vay chính tương lai nước mình. “Công nợ trả dần, cháo nóng húp quanh”, dân gian nói thế. Phải kịp thời tháo gỡ, “tăng thu, giảm chi, thực hành tiết kiệm” thì khoản vay ấy mới dần dần trả được!

Hà Phạm
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm