Người Việt mua tranh

06/12/2012 12:07 GMT+7


Có một người bạn họa sĩ buồn rầu nói với tôi rằng: “Toàn bộ làng tranh Đông Hồ bây giờ đã biến thành làng nghề hàng mã, chỉ còn đâu một, hai nhà gắng gượng đeo đuổi cái nghiệp ông cha mà chỉ cách đây không lâu, vẫn là một diện mạo văn hóa truyền thống đáng tự hào”.

Lại có lần, về một miền quê cách Hà Nội khoảng năm, sáu chục cây số, dự một đám cưới, tôi giật mình khi nhìn thấy trong nhà, vẫn là nếp nhà năm gian hai trái xưa, treo một bức tranh chép, vẽ lưng một cô gái gần như khỏa thân, hờ hững nút dây một chiếc yếm đỏ. Chắc là mua từ Hà Nội về. Một sản phẩm không thể cắt nghĩa được trong khung cảnh yên bình của một miền quê không hề sầm uất.

Những nếp nhà thôn dã không còn tranh giấy điệp làng Hồ nữa. Ðiều đó không hẳn là bởi làng Ðông Hồ không còn làm tranh, mà bởi một lối sống khác, với những nhu cầu khác, từ chốn đô thị, đã len lỏi vào tận ngõ xóm làng quê. Một thị xã lưng chừng núi còn có quán karaoke nữa là. Tốc độ sống gấp gáp đuổi theo lợi nhuận đã cuốn đi những giá trị văn hóa được hun đúc cả ngàn năm chỉ trong vòng một hai thập niên. Thay vào đó là một đời sống tinh thần khác, gắn với những phương tiện nghe nhìn, với trò chơi điện tử, với nhạc thị trường và phim Hàn Quốc. Vậy thì tranh Đông Hồ không còn chỗ đứng là lẽ đương nhiên.


Ðó là chuyện ở những làng quê. Còn ở chốn thị thành lại có những câu chuyện riêng của nó.

Khi cánh cửa của Ðổi mới mở ra, có lẽ loại hình nghệ thuật đầu tiên có một đời sống thật sự đổi mới chính là hội họa. Các họa sĩ đã có rất nhiều lựa chọn để tự tìm cho mình một quan niệm thẩm mỹ riêng, một phong cách riêng, không còn bị quản thúc bởi hiện thực xã hội chủ nghĩa vốn đã tồn tại quá lâu trong hội họa. Họ đã vẽ, đã nặn bằng những xúc cảm chân thực, bằng những ý tưởng sống động từ cuộc sống đang vận hành theo một guồng quay mới với tất cả những vấn đề phức tạp của nó. Rồi các họa sĩ có thể tự bày tranh, tự bán tranh. Và từ đó, một khuôn mặt mới mẻ của hội họa Việt Nam đã thu hút các gallery, các nhà sưu tập nước ngoài, dần hình thành nên một thị trường tranh Việt Nam ở cả trong nước và ngoài nước.

Các gallery mọc lên như nấm, nhưng chủ yếu vẫn chỉ ở Hà Nội và Sài Gòn. Họa sĩ giàu lên, người buôn tranh cũng giàu lên. Nhưng khách mua vẫn hầu hết là người nước ngoài. Người Việt mình, ngoài một số ít những nhà sưu tập thật sự yêu hội họa dám bỏ tiền ra mua những tác giả đã thành danh, còn số đông vẫn coi việc đó là một điều xa xỉ. Những nhà giàu mới sẵn sàng bỏ cả trăm triệu đồng mua một cái cây hiếm, một tảng đá hay bộ sa lông, còn tranh tượng, họ chỉ chi bằng một phần mười số tiền đó đã là quá nhiều.

Còn các chủ gallery, vốn đa phần là nhà kinh doanh, bằng vào kinh nghiệm và sự nhạy bén với thị trường, họ coi tác phẩm hội họa đơn thuần là những món hàng sinh lợi. Vậy nên có một đội ngũ chuyên chép tranh của những tác giả đắt hàng để bán với giá bình dân. Hoặc tổ chức sản xuất những bức tranh phong cảnh ngoạn mục theo kiểu tranh "Bờ Hồ" xưa, đúng với thị hiếu thẩm mỹ của họ. Lạ thay, loại tranh này lại bán chạy hơn cả. Chúng có mặt ở hầu hết các khách sạn lớn bé, các nhà hàng, phòng khách của đại gia, kể cả nơi tiếp khách của quan chức cấp bộ, ngành.


Nhân thể nói thêm về dòng tranh "Bờ Hồ", để phần nào hiểu rõ thêm tâm lý thẩm mỹ số đông hiện tại. Vào những năm 60, 70 của thế kỷ trước, bên hồ Hoàn Kiếm (Hà Nội) trước cửa đền Ngọc Sơn có những sạp bán một loại tranh vẽ bằng phẩm màu trên bìa và đề tài chủ yếu là phong cảnh sơn thủy hữu tình, thường là một con đường dẫn đến mấy túp nhà tranh nép bên rặng cây, bên một dòng sông, một bầu trời không rõ là hoàng hôn hay bình minh, có cánh cò bay, có một cánh buồm. Màu thường là để nguyên, ít pha trộn. Tóm lại bức tranh là một không gian phi lý, phi thời gian. Nhưng lạ thay nó lại mang đến một niềm an ủi thầm lặng.



Không ai rõ xuất xứ của dòng tranh này, nhưng chí ít nó cũng tồn tại được ngót hai chục năm. Người "nhà quê" ra Hà Nội mua chai nước mắm, bánh xà phòng, đôi dép nhựa, bao giờ cũng dành tiền mua một bức tranh "Bờ Hồ" như mua sự nghỉ ngơi, mua niềm tâm sự.

Trở lại với dòng tranh sa lông đang bày bán nhan nhản ở các gallery như vừa nói ở trên, ta sẽ dễ dàng nhận ra sự kéo dài của gu thẩm mỹ có xuất xứ từ bờ Hồ, có khác chăng là chất liệu bây giờ óng ả hơn, thời thượng hơn.

Ðiều đó cũng dễ hiểu, bởi ai chẳng có một người "nhà quê" ẩn náu trong tâm khảm mình. Thị trường bao giờ cũng của số đông. Các họa sĩ hết lòng vì nghệ thuật ắt sẽ lại là xa xỉ và xa lạ. Nhưng hình như điều đó, theo thời gian, rồi cũng qua đi. Các giá trị đích thực sẽ có chỗ cho riêng nó, để rồi âm thầm lan tỏa.

Theo Lifestyle - Phong Cách Sống

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm