Nghĩ về một cuộc đời thầm lặng

23/07/2014 08:43 GMT+7

(Thethaovanhoa.vn) - Gần đây, nhà thơ, nhà báo Nguyễn Thế Truật - Phó Giám đốc NXB Trẻ qua đời, hưởng dương 55 tuổi. Ông được mệnh danh là “người làm sách tử tế”, sống trầm lặng, lịch duyệt, nhưng khi ra đi lại khiến bè bạn ngỡ ngàng.

Đó là vì trong một thời gian dài, ông chống chọi với căn bệnh ung thư hiểm nghèo nhưng không hé một lời với bạn bè thân thiết.

Trong tiểu thuyết Khởi sinh của cô độc, tác phẩm tâm đắc của GS Ngô Bảo Châu có viết: “Ta có thể cam chịu cái chết xảy ra sau một thời gian bệnh tật kéo dài. Với cái chết do tai nạn, ta có thể đổ cho số phận”. Thực ra, trong cả 2 trường hợp, ta đều có thể đổ lỗi cho số phận. Nhưng nên nhớ tính cách và lối sống tạo ra số phận đó.

Điều đó cũng quyết định khi ta chết đi, sẽ có bao nhiêu người thương tiếc ta. Những người nghĩ theo lối thiền cho rằng, mục đích của cuộc sống không phải là để được thương tiếc. Nhưng nếu ta sống một cuộc đời đẹp đẽ, sự tiếc thương đó sẽ là tự nhiên, dù ta muốn hay không.

Ông Nguyễn Thế Truật. Ảnh: Như Hùng - Tuổi Trẻ

Bản thân Nguyễn Thế Truật để lại di nguyện được ra đi lặng lẽ, để lại ít dấu ấn nhất có thể, để người thân và bạn bè nhanh chóng tìm lại cân bằng và niềm vui sống sau khi ông qua đời. Ông cũng dặn con cháu trong đám tang không nhận phúng viếng. Và con người thầm lặng đó đã được đông đảo bạn bè thương tiếc.

Một sự ra đi kỳ lạ. Kể cả việc ông giấu kín bệnh tật của mình cũng là một điều phi thường. Bởi đây là thời mọi người chia sẻ tất cả mọi thứ trên trang cá nhân, diễn đàn của mạng xã hội.

Chúng ta khó mà hiểu Nguyễn Thế Truật, trong những năm tháng dài đối mặt với cái chết phía trước, đã làm thế nào để không thốt ra với một người thân thiết "Chú này, anh sắp đi xa”. Đồng nghiệp kể, mới hôm qua ông còn đến nhà xuất bản họp giao ban bình thường, đến hôm nay đã trút hơi thở cuối cùng trên giường bệnh.

Bản lĩnh lớn chừng nào để làm được như thế? Sao không nói ra để tận hưởng những lời thương khóc sớm? Những ánh nhìn nuối tiếc. Những tình cảm được bù đắp trước khi quá muộn.

Ngày nay, sống với mạng xã hội, người ta có thói quen kể lể nhiều hơn. Chẳng có gì lạ khi một đôi tình nhân cũ, một đôi vợ chồng cũ lôi nhau lên Facebook. Từ không mấy quen biết nhau, người ta tiến đến biết toàn điều xấu của nhau.

Nói như thế để thấy rằng vấn đề là“chia sẻ như thế nào”. Và liệu những cuộc nhậu ê hề ồn ã sẽ kéo ta lại gần nhau hơn, hay như Nguyễn Thế Truật, trầm lắng theo đuổi niềm say mê làm sách và được người người yêu mến, kính trọng vì điều đó?

Nhà thơ Lê Minh Quốc kể, Nguyễn Thế Truật lúc làm việc chỉ đi uống trà hoặc cà phê để đôi bên đều tỉnh táo, chín chắn khi trao đổi. Ông “không có khả năng bia bọt, không thích xuất hiện trong đám đông, không có khả năng khoác lác và ồn ào”. Thứ ông chia sẻ nhiều nhất cho đời là những cuốn sách của NXB Trẻ, mà ông là người chịu trách nhiệm nội dung.

Chúng ta, đặc biệt là những người đang ngày ngày “chia sẻ” không ngừng nghỉ trên mạng xã hội, học được gì từ ông?

Mi Ly
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm