Nghệ thuật đương đại dễ vậy sao

01/01/2013 06:46 GMT+7


(Thethaovanhoa.vn) - Tháng 12, Hà Nội có ba triển lãm nghệ thuật đương đại được “dân tình” trong giới kháo nhau từ lâu rằng phải đi xem, bởi đó là những dự án lớn, được chuẩn bị công phu. Nhưng sau nhiều lần trở đi trở lại những nơi ấy, người viết bài này trộm nghĩ phải chăng đây là ba ví dụ điển hình cho những hạn chế của nghệ thuật đương đại hiện nay ở ta?

600 triệu đồng, 20 tấn vật liệu và 8 năm lãng phí?

Những con số trên cho thấy Phố của Nguyễn Ngọc Dân đích thị là triển lãm sắp đặt hoành tráng nhất cho đến nay của một cá nhân ở Việt Nam. Trong 4 ngày, anh thuê cả khoảng sân rộng lớn, gồm cả sân khấu, và tầng 1 của tòa nhà M1- Trung tâm Triển lãm văn hóa nghệ thuật Việt Nam, thường được gọi là Triển lãm Vân Hồ, để trưng bày. Đặc biệt, “dân tình” kháo nhau về giấy mời dự khai mạc có một không hai, độc đáo với tạo hình sứ cách điện hạ thế. Anh dùng dây điện để làm tranh, gắn thêm vào đó những phụ kiện khác như dây nón lưu niệm, tube sơn đã hết, máy bay đồ chơi,… Những tranh dạng này thì có khung gỗ thông thường. Ngược lại, anh dùng dây điện và sứ cách điện làm khung tranh cho những tranh anh vẽ dây điện, đèn đường… Một cách “hoán đổi” chất liệu có màu “đương đại”. Dây điện làm sắp đặt “tháp thông tin”, cây đèn đường, cột điện bê tông làm thành “đàn bầu”, dùng xe cẩu và dây chằng “khu vực cấm” làm biên giới giữa khu vực nghệ thuật và không nghệ thuật trong cái sân rộng lớn này. Anh muốn nói về một góc hiện thực đô thị gắn liền với hình ảnh cột điện dây nhợ lùng nhùng.

Nguyễn Ngọc Dân khai mạc triển lãm Phố với loa và taxi

Nhưng sau tất cả, thật khó để bảo rằng đấy là nghệ thuật. Nó “tả thực” đời sống ngay bên ngoài khuôn viên triển lãm một cách tự nhiên chủ nghĩa. Hệt như cách tác giả khai mạc triển lãm bằng hình ảnh tay cầm loa phóng thanh, bước vào cái xe taxi đậu sẵn trên sân khấu, nổ máy bật đèn pha xong thì vội chui ra “alô” chào khán giả. Anh nệ vào hiện thực hoàn toàn khi làm ra thứ mà anh nghĩ là “đương đại”. Chính vì thế, anh lạc đường trong đó bởi hiện thực quá rộng lớn và nhiều góc khuất đối với anh nên nó “đương đại” hơn rất nhiều so với triển lãm của anh.

Hình như, tác giả quá đam mê với dự án và cũng quá tự tin vào khả năng làm nghệ thuật đương đại của mình. Hoàn toàn là tiền túi và rất công phu. Nhưng có lẽ “luyện công” với nghệ thuật đương đại không thể đơn giản chỉ là tiền và thời gian, nó còn cần sự hiểu biết thấu đáo.

Nhiều tác phẩm không làm nên một dự án hay

Những chân trời có người bay là một dự án lớn của giám tuyển Nguyễn Phương Linh, người điều hành Nhà sàn studio. 11 nghệ sĩ và 1 nhóm nghệ sĩ tham gia dự án, bên cạnh đó là 12 nghệ sĩ, giám tuyển, kiến trúc sư, sáng lập viên Nhà sàn studio làm diễn giả trong các thảo luận. Họ đến từ Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹ, Đức và Việt Nam. Chương trình kéo dài từ 4/12/2012 đến ngày 6/1/2013.

Tổ hợp bám của Lại Thị Diệu Hà thách thức lá phổi của nghệ sĩ

Toàn bộ không gian của Trung tâm Giao lưu văn hóa Nhật Bản tại Việt Nam (27 Quang Trung, Hà Nội) đã được thay đổi một cách đẹp mắt bởi sự sáng tạo với một vật liệu giản dị - các tấm pa-let gỗ - của kiến trúc sư Tsuneo Noda. Đây là tác phẩm giàu tinh thần đương đại hơn cả trong dự án này: phóng khoáng, tươi mới, tự do, giàu nhịp điệu và kích thích mạnh mẽ trí tưởng tượng. Nhưng trong không gian sáng tạo ấy, sáng tác của nghệ sĩ Việt Nam, đa số đều trẻ, chứa đựng ít nhiều bất ổn. Một số tác phẩm có thể ở bất kỳ đâu khác nên không còn độc đáo nữa, hoặc chúng như một trò chơi đơn giản, dễ dàng: Bếp gia đình, Xưởng may, Mời ăn kẹo, Phòng thí nghiệm phim ảnh. Số khác thì có phần hấp dẫn thị giác và gợi nhiều liên tưởng, song vì tham chi tiết và muốn cả “đại tự sự” nên nhuốm màu “sến sẩm”: Sân khấu mini, Utopia và dự án MAC. Số khác thử thách sự kiên nhẫn của cả nghệ sĩ thực hiện lẫn người thưởng thức bởi sự vô hướng hoặc tỉ mẩn đến mức vụn vặt: Tổ hợp bám, Đo thế giới. Trong Tổ hợp bám, Diệu Hà cứ vun, thổi, tung bụi trắng, ngồi, nằm, lăn lê với bụi trắng (thực ra là bột mì) qua cả tiếng đồng hồ mà người xem khó có thể nắm bắt được ý niệm nào từ trình diễn này, có chăng là cảm phục sức chịu đựng của đường hô hấp của chị! Ban tổ chức thông báo từ đầu là chị sẽ làm trình diễn đến 7h sáng hôm sau, và càng về sau càng mang tính “thiền”. Huy An thì quá tỉ mẩn đo chiều cao của toàn nhà Keangnam bằng giấy để rồi thu nhỏ cái chiều cao ấy lại, hoặc kỳ công đi thu thập bụi ở đủ 78 nhịp cầu Vĩnh Tuy để thấy chỗ nào xa dân cư và gần nước thì bụi “có màu sáng hơn”. Anh trung thành với sự tỉ mẩn trong quá trình thực hiện tác phẩm, trong khi điều mà anh muốn nói đã cũ, vẫn mang tính “cục bộ địa phương” hơn là phổ quát về thời cuộc nhân sinh.

Đứng ở giữa không gian này, cảm giác nghệ sĩ Việt Nam cứ đi ngược dòng chung của nghệ thuật đương đại thế giới nay trở lên rõ ràng hơn Keangnambao giờ hết: họ có hình thức nào thì ta cũng có đủ nhưng họ có lý thuyết bài bản nên ý niệm sâu sắc, có vũ trụ quan rộng mở nên câu chuyện đa chiều nghĩa, có kỹ thuật và vật liệu tốt nên tác phẩm thật cuốn hút, ám ảnh đẹp về thị giác; còn ta thì phần nào cũng có vẻ thiếu hụt nên cứ lặt vặt và rời rạc.

Tác phẩm kỳ công vô nghĩa: đo chiều cao tòa nhà Keangnam

Và giới hạn của bức tường tư duy nghệ thuật

Bức tường của Lê Huy Hoàng được làm từ hàng tấn xương động vật, cao 10m, dài 4m, sâu khoảng 1m, dựng trong phòng triển lãm của Viện Goethe Hà Nội, từ 14/12 - 2012 đến 7/1/2013. Thông điệp của tác giả giàu tính văn học; bản thân từ “bức tường” cũng đã gợi đủ ý tứ như anh viết về sự ngăn cách, chia rẽ, vô cảm… rồi, chưa cần xem tới tác phẩm. Câu chuyện lớn nhất mà anh muốn nhắc đến là quá khứ diệt chủng ở Campuchia mà gia đình anh vừa là nạn nhân vừa là chứng nhân; tức là chiến tranh và chết chóc. Chính vì thế, tác phẩm khiến tôi băn khoăn về cách chọn chất liệu. Chiến tranh dẫn đến chết chóc và hình ảnh đã trở thành hình tượng của sự chết chóc là xương và sọ người. Hoàng cũng chọn xương để kể câu chuyện này đồng thời ám chỉ nhiều điều khác nữa, nhưng xương động vật to tướng trong cái bức tường này lại bất ổn vì ngay lập tức nó đem đến cảm giác “giả”. Mặt khác, vì đã có quá nhiều hình ảnh chồng chất xương người ghê rợn trong thế giới thực này rồi nên bức tường mô phỏng của Hoàng không còn nhiều sức nặng ám ảnh như những lời anh viết ra. Chỉ có một lối dẫn vào thế giới nghệ thuật mà nghệ sĩ đang bày ra trước mắt ta, như vậy thì đáng tiếc cho một nghệ phẩm kỳ công…

Nghệ thuật đương đại với những hình thức đa chiều kích, đa chất liệu và đa phương tiện đã mở ra vô số cơ hội thử nghiệm cho nghệ sĩ Việt. Nhưng dường như giữa sự đa chiều ấy của nghệ thuật đương đại, các nghệ sĩ chúng ta lại bị chính hạn chế của bản thân cản trở: hoặc là sự không thấu hiểu mình đang làm gì; hoặc nghĩ về nghệ thuật một cách đơn giản và vui vẻ; hoặc lại quá suy tư làm cho nghệ thuật mất đi sự lấp lánh “đương đại” đa chiều nghĩa của chính nó. Có lẽ cuối cùng, cần phải nói lại với nhau điều cũ kỹ rằng: nghệ thuật có thể là bất cứ thứ gì nhưng không phải bất cứ thứ gì cũng là nghệ thuật. Và để làm tốt một cái gì đó, ai đó cũng đều phải học về nó một cách bài bản.

Phong Vân
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm