Lương y & lương nhân

16/01/2013 07:22 GMT+7

Người thầy đối với các em học sinh nhỏ cũng giống như vị lương y tài giỏi với bệnh nhân. Không thể có chuyện thầy thuốc hay chỉ dành riêng cho người khỏe mạnh!

Thời gian gần đây ngành giáo dục gặp phải hai chuyện phiền muộn. Chuyện thứ nhất đến từ kết quả của cuộc khảo sát: Giáo dục (và y tế) là nhóm ngành dễ có khả năng xảy ra quấy rối tình dục cao nhất. Khỏi phải nói kết quả này gây sốc với những người thầy cỡ nào, những người vốn được xem là hình mẫu của sự chuẩn mực, văn hóa, đạo đức.

Nỗi niềm chưa vơi thì ngay sau đó, chuyện một học sinh lớp 8 bị kết tội là xuyên tạc lịch sử, xúc phạm thầy cô khi sao chép một bản chế lời một văn kiện lịch sử đẩy lên facebook của mình lần nữa làm dư luận quan ngại. Quyết định đuổi học một năm với em học sinh này của nhà trường đã vấp phải nhiều ý kiến phản đối của dư luận và họ gọi đó là “sự thất bại của ngành giáo dục”.

Câu chuyện đuổi học này làm tôi liên tưởng đến một phẩm kinh trong tập kinh Pháp cú mà tôi từng đọc. Một ngày nọ, Đức Phật cùng ngài tôn giả A Nan trên đường khất thực thì bị một nhóm du đãng chuyên chửi lộn mướn chào đón bằng những âm thanh vang rền thô tục. Đám người này được một cô gái xinh đẹp nhất kinh thành U Du tên Mạn La Hoa mướn để trả thù Phật vì cô cho rằng, Phật đã có lời xúc phạm mình.

Trước những tiếng la ó của đám đông, Đức Phật điềm nhiên đi như không có chuyện gì xảy ra, riêng ngài A Nan thì tối mặt tối mũi. Ngài bèn bạch với Phật là nên nhanh chóng bỏ đi đến kinh thành khác nhưng đấng Đạo Sư đã từ chối! Phật hỏi ngay A Nan rằng: “Vì sao những cư dân vùng này đón tiếp hai thầy trò như thế?”. Ngài A Nan bạch rằng: “Bạch Thế Tôn, vì họ chưa hề biết đến Phật pháp, chưa phân biệt rõ đâu là nghiệp lành hay nghiệp dữ nên họ mới hành động như thế”. Và đó cũng chính là lý do Đức Phật ở lại, Ngài vì lợi ích của những con người si ám, chưa phân rõ nghiệp thiện, ác kia.

Chuyện một học sinh chế tác ra cái gì đó rồi tải lên trang cá nhân thời nay không còn là chuyện mới mẻ gì. Ở cái tuổi ăn chưa no, lo chưa tới, các em đang có nhiều biến đổi về tâm sinh lý, việc thích nổi trội, thích thể hiện bản thân và cả sự bốc đồng luôn là điểm chung của những em cùng lứa tuổi. Thầy, cô học sinh kia hẳn rõ điều này nhưng vẫn quyết định đuổi học một năm thì đúng là điều cần nói.

Mọi người có lẽ đều tán đồng với việc khi các em có những biểu hiện sai lệch chuẩn mực đạo đức thì cần phải được nhắc nhở, uốn nắn kịp thời. Và đây là trường hợp của một em học sinh lớp 8 trong môi trường giáo dục chứ không phải một viên chức nơi công sở để vi phạm thì bị sa thải, cũng không phải như một món hàng để tốt thì dùng, sai thì đổi và hư thì bỏ đi.

Chức năng của nhà trường là gì, dạy kiến thức và giúp các em hoàn thiện nhân cách, đạo đức. Về mặt lý thuyết thì bao giờ cũng thế, song thực tế đã lắm khi trái lại, những em cần được dạy dỗ nhiều nhất thì lại bị bỏ rơi. Điều này cũng tương tự như một vị lương y dán bố cáo trước cửa hiệu mình là: “Bổn hiệu chỉ nhận chữa bệnh cho những người lành mạnh hoặc ít bệnh, còn bệnh nặng xin miễn tiếp”. Vậy, không lẽ “lương y” chỉ phục vụ “lương nhân”?

Người xưa từng dạy rằng, “tiên trách kỷ, hậu trách nhân”. Ở đây nhà trường đã dùng quyền để kỷ luật đuổi học sinh, song đó là việc làm thể hiện sự bất lực của nhà trường thì đúng hơn! Ở khía cạnh này xem ra nhà trường nơi em học sinh kia học cũng là đối tượng rất cần được cảm thông!

Theo Trúc Vân

Năng Lượng Mới

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm