'Lượm mót mấy mảnh sành mà cũng thành tiến sĩ'

13/06/2016 07:21 GMT+7

(Thethaovanhoa.vn) - Cuốn Văn nhân Bình Định - một góc nhìn (NXB Hội Nhà văn) của Lê Hoài Lương tốn cả trăm triệu đồng tiền ngân sách do Hội VHNT tỉnh Bình Định cấp, nhưng khi sách in xong đã bị nhiều phản ứng từ chính những người trong cuộc.

Mục đích in Văn nhân Bình Định - một góc nhìn (VNBĐ – MGN) nhằm giới thiệu “truyền thống và những thành tựu văn học nghệ thuật Bình Định”. Thế nhưng, cuốn sách bị phản ứng dữ dội từ nhiều nhân vật được giới thiệu trong sách.

Ông Lê Hồ Ngạn - con trai cố nhà thơ Lê Văn Ngăn - có đơn kiến nghị gửi các cơ quan chức năng tỉnh Bình Định yêu cầu xử lý kẻ xúc phạm danh dự của cha mình. Đơn kiến nghị, viết: “Về việc nhận xét đối với Cha tôi, Lê Hoài Lương đã dùng những từ ngữ với động cơ thù hằn cá nhân, tôi cho là vấn đề không thích hợp đối với một cuốn sách về văn chương”.

Mới đây, nhà văn Quách Giao trong cuộc trò chuyện với phóng viên, cho rằng: “Đến tận ngày 30/5/2016 tác giả Hoài Lương có gọi điện thoại báo tin in VNBĐ-MGN. Hoài Lương giới thiệu và chọn in một số tác phẩm của thân sinh tôi (nhà văn Quách Tấn - PV). Sau đó Hoài Lương bảo tôi gửi địa chỉ qua email để anh ta tặng sách. Tôi đã từ chối và nói rõ tôi không cần cuốn sách ấy...”.


Bìa cuốn "Văn nhân Bình Định - một góc nhìn"

“Sau đó, tôi còn nhận được cuộc gọi khác từ ông Nguyễn An Pha - Chủ tịch Hội VHNT tỉnh Bình Định, ông này phân trần về việc xuất bản tập sách, xin tôi “đừng làm đơn kiện cáo gì” và xin địa chỉ để tặng sách. Tôi bảo tôi già rồi, không hơi đâu kiện cáo, nhưng tôi không cần cuốn sách ấy”.

Không dừng ở đó, các nhân vật Bùi Thị Xuân Mai, Nguyễn Thanh Mừng, Trần Thị Huyền Trang, Hồ Thế Phất… còn cho rằng Lê Hoài Lương mượn cuốn sách này để “trả thù cá nhân”, sơ sài hóa về phần văn chương, đồng thời dùng nhiều ngôn từ thấp kém để hạ thấp họ.

Tên sách là VNBĐ - MGN nhưng trong số những người “được” đưa vào sách lại không phải là văn nhân. Cụ thể, như ông Nguyễn An Pha - Chủ tịch Hội VHNT Bình Định, vốn là đạo diễn Bài chòi, có thể vì ông Nguyễn An Pha duyệt in cuốn sách này nên được đưa vào sách chăng? Chẳng những “nâng bi” các nhân vật không đúng tên cuốn sách, Lê Hoài Lương còn khiên cưỡng như trường hợp nhà nghiên cứu khảo cổ Đinh Bá Hòa.

Bản thân tác giả đã để lộ sự khiên cưỡng này khi viết về Đinh Bá Hòa: “Ấn tượng đầu tiên của tôi về Đinh Bá Hòa là khả năng nói khủng khiếp của ông. Cái âm sắc giọng Nghệ, nói nhanh như đạn bắn liên thanh và to, rổn rảng. Trời ơi cái dây thanh của ông tốt đến mức, giả dụ hôm nào đó ông ít nói hoặc nói nhỏ là có vấn đề về hệ thống phát thanh chứ không phải đau bệnh chỗ khác” (trang 100); và “... Là ông giỏi khoa học nhưng hành văn của ông không tốt...”

Hoặc: “ông chuyên khoa học chứ không phải chữ nghĩa...” (trang 102). Qua đó đủ thấy giữa “cảm tình” để tuyển chọn “văn nhân” và tiêu chí văn chương của Lê Hoài Lương có nhiều độ vênh. Về “văn nhân” Đinh Bá Hòa, Lê Hoài Lương viết: “lượm mót mấy mảnh sành mà cũng thành tiến sĩ”.

Trạc Tuyền
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm