Hỏi về lương khởi điểm 2.000 USD, sao lại 'ném đá'?

02/12/2016 06:56 GMT+7

(Thethaovanhoa.vn) - “Em phải học tập và làm việc như thế nào để các nhà tuyển dụng ở đây nhận em vào làm với mức lương khởi điểm 2.000 USD/tháng?”.

Câu hỏi trên của bạn Phạm Thị Thanh, sinh viên năm thứ 3 ngành An toàn thông tin, Học viện Kỹ thuật mật mã trong tọa đàm “Vai trò và trách nhiệm của thế hệ trẻ trong xã hội thông tin” đã gây "sốt" trên mạng xã hội.

Đa phần những quan điểm nhắm vào chỉ trích Thanh. Nhiều người cho rằng Thanh đã quá "ảo tưởng". Nhiều người khác than "giới trẻ chưa học xong đã nghĩ tới thu nhập khi ra trường". Hoặc có quan điểm cho rằng Thanh và những người trẻ nên lo tìm việc đã, rồi hãy nghĩ tới thu nhập.

Mọi lập luận đều có vẻ rất có lý. Người trẻ nên cống hiến trước khi mong chờ sự đền đáp. Người trẻ nên lo trau dồi kiến thức, kinh nghiệm, kỹ năng trước khi chăm chăm tính thu nhập. Người trẻ cần đặt mục tiêu hợp lý với mình chứ đừng chưa ra trường đã nghĩ mình là "thiên tài".


Phạm Thị Thanh, sinh viên năm thứ 3 ngành An toàn thông tin, Học viện Kỹ thuật mật mã. Ảnh: Internet

Song, một tình tiết ít người để ý, câu hỏi của Thanh đã bị bóc tách khỏi bối cảnh. Bản thân câu nói cũng bị cắt xét để "vừa" title bài báo lan truyền trên mạng. Cần nhắc lại câu hỏi của Thanh một lần nữa: “Em phải học tập và làm việc như thế nào để các nhà tuyển dụng ở đây nhận em vào làm với mức lương khởi điểm 2.000 USD/ tháng?".

Đó là câu hỏi trực diện của Thanh với các nhà tuyển dụng trong buổi tọa đàm chứ không phải một câu hỏi bâng quơ như title báo mà nhiều người chỉ đọc title đã vội "ném đá": “Em phải học thế nào để lương khởi điểm 2.000 USD/ tháng?”.

***

Hẳn nhiên, một sinh viên chưa ra trường đặt vấn đề lương khởi điểm 2.000 USD/ tháng là một ngưỡng khá bất ngờ. Nhưng, câu hỏi của Thanh cũng chỉ ra nhiều sự thay đổi mà chúng ta cần chú tâm.

Cụ thể, người lao động có quyền đặt nguyện vọng về thu nhập với nhà tuyển dụng. Người lao động không đáng trách khi họ đưa vấn đề thu nhập lên trên những thứ đơn vị tuyển dụng mang lại cho họ như kinh nghiệm, đào tạo.

Hơn thế, Thanh là người đang học. Và câu hỏi của em là "học thế nào để lương khởi điểm 2.000USD/tháng". Đó là một câu hỏi về nguyện vọng thu nhập chính đáng, sao lại "ném đá"?

Về con số 2.000 USD/tháng, rõ ràng, đây là nguồn thu nhập cao trong mặt bằng xã hội. Nhưng, đây là lý giải của Thanh sau khi dư luận "ném đá": "Mình có thể không xinh đẹp, không giỏi giang, không tài năng nhưng mình dám đặt câu hỏi để được nghe giải đáp. Tại sao có những người họ làm được như vậy còn bản thân mình thì không?” .

Đơn giản, đó là một câu hỏi, về một mục tiêu muốn vươn tới. Điều này chẳng có gì là sai, là xấu! 

Và, người trẻ có quyền đặt mục tiêu, có quyền ra giá để học tập, lao động hướng tới. Cho dù mục tiêu có xa vời đến đâu, việc của người trưởng thành là động viên, khuyên nhủ chứ không nên miệt thị.

Nhà tuyển dụng đã trả lời rất sòng phẳng và đàng hoàng: “Tôi cũng đã từng có suy nghĩ như bạn hồi sinh viên. Mức lương 1.000-2.000 USD nhiều người đã làm được. Đó không phải là việc quá khó. Nhưng bạn không thể ép một thần đồng giải một bài toán tích phân. Muốn giải tích phân phải đợi đến lớp 10. Nếu bạn muốn mức lương 2.000, bạn nên bình tĩnh một chút. Đó không phải là một mức lương quá khó với các bạn ở đây. Tôi tin rằng sau 10-15 năm nữa, ít nhất một nửa các bạn ngồi đây có mức lương như vậy. Nếu bạn giỏi hơn những người khác thì có thể bạn chỉ cần 5 năm thôi. Bạn nên kiên nhẫn một chút”.

Đó là cách lắng nghe và chia sẻ đầy trách nhiệm của người đi trước, với vốn sống dày dặn dành cho những người tiếp bước. Nó khác hoàn toàn với những lời miệt thị khủng khiếp mà cộng đồng mạng đang nhắm vào cô sinh viên năm thứ 3.

Và cuối cùng, chúng ta nên nghĩ về vấn đề đối thoại: giữa các thế hệ, giữa những ước vọng và thực tế, giữa con người với con người.

Nói để người khác lắng nghe và hoàn thiện khác với việc dìm người khác xuống để cảm thấy mình cao hơn...

Phạm Mỹ
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm