Đi ăn canh gà Thọ Xương!

15/10/2012 08:11 GMT+7


(TT&VH) - Gần đây, trên nhiều diễn đàn và báo chí lùm xùm chuyện một học sinh lớp 7 hiểu nhầm câu “canh gà Thọ Xương” thành “canh nấu thịt gà ở xứ Thọ Xương”, nhưng cô giáo vẫn cho 8 điểm. Dư luận về sự hiểu nhầm cách dạy và cách tính điểm đã khiến cô giáo ở trường Lomonosov (Hà Nội) phải nhập viện vì căng thẳng và làm đơn nghỉ việc vì sĩ diện. Nên nhìn chuyện này như thế nào cho khách quan hơn?

Việc một học sinh lớp 7 hiểu sai “canh gà Thọ Xương” cũng là bình thường, vì để hiểu được 4 từ này đâu phải dễ, cần biết điển cố và từ cổ.

Về 4 câu: “Gió đưa cành trúc la đà/ Tiếng chuông Trấn Vũ, canh gà Thọ Xương/ Mịt mù khói tỏa ngàn sương/ Nhịp chày Yên Thái, mặt gương Tây Hồ”. Theo SGK và theo cô giáo trong sự vụ trên thì đây là mấy câu ca dao: “Sau khi dạy ba tiết ôn luyện lý thuyết, kiến thức chung về bốn chùm ca dao đã học (trong chương trình chính thức) và trực tiếp hướng dẫn học sinh làm sáu bài tập trong phiếu, tiết thứ 4 tôi tập trung giúp học sinh nâng cao kiến thức trong tạo lập văn bản cảm nhận ca dao”.


Thực chất đây chưa phải là ca dao, vì tác giả của nó hãy còn đó, chưa bị dân gian hóa hoàn toàn. Bốn câu này của nhà thơ Dương Khuê, trong bài Hà Nội tức cảnh, nguyên văn như sau: “Phất phơ ngọn trúc trăng tà/ Tiếng chuông Trấn Vũ, canh gà Thọ Xương/ Mịt mù khói tỏa ngàn sương/ Nhịp chày An Thái, mảnh gương Tây Hồ”, (dẫn theo Trần Trung Viên trong Văn đàn bảo giám, cuốn 3, NXB Nam Ký, Hà Nội, 1926; Mặc Lâm tái bản, Sài Gòn, 1969, trang 159; tài liệu do nhà phê bình Đặng Tiến cung cấp). Trong Thơ văn Hà Nội do Trần Huy Liệu chủ biên, cũng viết như vậy.

Nên hiểu mấy từ khó trong bài này như sau: Thọ Xương là tên huyện, quanh vùng Hồ Gươm ngày trước, Hà Nội. An Thái: làng làm giấy, có tiếng giã giấy, vùng Bưởi, Hà Nội. Ngàn tương đương với “bờ”, chứ không phải “rừng” hay “một ngàn”. Đây là cách tả cảnh rất ước lệ của Dương Khuê, như Tô Hoài từng nhận xét: không thể cùng lúc mà nghe thấy tiếng nhịp chày An Thái và canh gà Thọ Xương được, vì chúng cách xa nhau.

Cũng xin nhắc lại, Dương Khuê (1839-1902) người làng Vân Đình, tỉnh Hà Đông (nay thuộc thị trấn Vân Đình, huyện Ứng Hòa, Hà Nội). Ông là người văn hay, chữ tốt, năm Mậu Thìn (1868), thời vua Tự Đức, thi đỗ tiến sĩ. Ông là người có công rất lớn trong việc canh tân và sáng tác ca trù; việc ca trù được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại chắc chắn có đóng góp đáng kể từ các sáng tác của ông. Trong nhà trường phổ thông có học bài thơ Khóc Dương Khuê nổi tiếng của thi hào Nguyễn Khuyến (1835-1909), hai người là bạn thân của nhau.

Đành rằng ca dao cũng từ các sáng tác văn học cụ thể của một cá nhân hay một tập thể mà thành, nhưng việc “nhanh chóng” đưa bài Hà Nội tức cảnh của Dương Khuê vào ca dao thì có vẻ như quá vội vàng? Những cái sai sau này chắc có nguồn gốc từ sự vội vàng này.

Vô Ưu

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm