Để thầy cô dấn thân với nghề giáo

21/07/2017 07:20 GMT+7

(Thethaovanhoa.vn) - Năm ngoái, tôi có dịp sang Mỹ công tác. Một buổi chiều California mưa lây phây, cùng anh chị đi đón hai cháu học cấp hai. Đến trường, thấy một người đàn ông cao to lừng lững, ăn mặc giản dị đang điều khiển giao thông trước cổng trường. Trên tay cầm cái ô, thi thoảng ông còn che mưa cho các cháu học sinh, nắm tay trò đưa  đến mở cửa xe để phụ huynh đỡ ướt.

Hỏi ra thì mới biết đấy là vị Hiệu trưởng của ngôi trường danh giá. Người viết ngạc nhiên đến lặng người, bởi hình dung những việc đó phải là của bảo vệ, hoặc chí ít là các giáo viên thuần túy.

Sự tận tụy đó của ông hiệu trưởng, có lẽ ngoài tình yêu nghề sâu sắc, còn xuất phát từ việc ông được trả chế độ cao, được một đời sống vật chất lẫn tinh thần rất tốt, quan trọng, được giám sát chặt chẽ thái độ, năng suất lao động.

Chú thích ảnh
Các cô giáo bên học sinh của mình sau khi được cứu thoát khỏi lũ dữ. Ảnh: Ngọc Thắng-Tuổi Trẻ

Tất nhiên, truyền thống tốt đẹp của nghề giáo ở ta không phải bàn cãi. Cũng không ít tấm gương điển hình tình yêu nghề, trách nhiệm tột cùng với học sinh.

Mới đây, ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam 21/6, đã có một bài báo giành được 3 giải thưởng lớn, là câu chuyện về lòng dũng cảm của các cô giáo Trường mẫu giáo An Hiệp (huyện Tuy An, Phú Yên). Các cô đã vẫy vùng trong cơn lũ kinh hoàng, kê bàn ghế để cứu 13 em nhỏ, xác định trường hợp xấu nhất xảy ra với bản thân. Tác phẩm “Thà cô chết chứ không để trò chết”, đăng trên Tuổi Trẻ ngày 15/12/2016, đã lay động hàng triệu trái tim người Việt.

Nghẹn ngào thông điệp 'thà cô chết chứ không để trò chết!'

Nghẹn ngào thông điệp 'thà cô chết chứ không để trò chết!'

'Thà cô chết chứ không để trò chết!'. Đó thông điệp của 4 cô giáo tại Trường Mẫu giáo An Hiệp, huyện Tuy An (Phú Yên) khiến dư luận nghẹn ngào.

Có một thời nghề giáo được gắn với câu: “chuột chạy cùng sào mới vào sư phạm”, để chỉ nghề này dù cao quý nhưng  còn rất cơ cực. Đến nay, với nhiều đổi mới ngành giáo dục, cùng sự phát triển kinh tế đất nước, đời sống của giáo viên tăng lên. Dù thế, cơ bản vẫn chưa tương ứng, tương thích với đóng góp, để giúp thầy cô yên tâm với nghề, sống chết với nghề. Hãy đi đến những vùng nông thôn, miền núi, vùng sâu, xa, nhất là các giáo viên mầm non, tiểu học; các thầy, cô mới ra trường..., mới cảm nhận hết những ẩn ức “kêu trời không thấu” của đội ngũ “người “chèo đò”. Những món tiền thưởng dịp lễ còn còm cõi, những giấc mơ được đi du lịch dịp hè ,vẫn xa xỉ với quá nhiều giáo viên.

***

Ngày 19/7 vừa qua, tại trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã làm việc với Hội Cựu giáo chức Việt Nam. Thủ tướng tiếp tục nhấn mạnh Giáo dục là quốc sách hàng đầu, muốn xã hội phát triển thì một yếu tố rất quan trọng là nhờ vào giáo dục. Thủ tướng cho rằng nếu không quan tâm đặc biệt đến đội ngũ thầy giáo, cô giáo thì đổi mới giáo dục sẽ không thành công.

Đúng thế, ý nghĩa của khái niệm “quan tâm đến đội ngũ giáo viên” chỉ trọn vẹn khi thêm hai từ “đặc biệt”. Nếu quan tâm nhưng chưa đến mức đặc biệt, thì cũng rất dễ dừng lại ở hình thức, chiếu lệ.

Có thầy tốt thì mới tạo nên trò hay. Nếu đời sống vật chất, tinh thần của giáo viên được cải thiện mang tính đột khởi, chắc chắn sẽ là bệ phóng quan trọng góp phần đưa nền giáo dục đất nước từng bước thoát ra khỏi trì trệ. Đổi mới giáo dục, rất nên bắt đầu từ những việc thiết thực như thế, như phát biểu của Thủ tướng.

Hữu Quý
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm